Bất cập trong quản lý rừng ở Hà Nội

16:15' - 27/09/2016
BNEWS Diện tích rừng ở Hà Nội không lớn nhưng lại có vai trò đặc biệt quan trọng trong cải thiện môi trường sinh thái, phục vụ phát triển du lịch nói riêng, kinh tế nói chung.
Rừng Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Thời gian gần đây trên địa bàn Hà Nội xảy ra nhiều vụ vi phạm về quản lý đất rừng, gây bức xúc trong dư luận.

Mặc dù, diện tích rừng ở Hà Nội không lớn nhưng lại có vai trò đặc biệt quan trọng trong cải thiện môi trường sinh thái, phục vụ phát triển du lịch nói riêng, kinh tế nói chung.

Một trong những nguyên nhân khiến nhiều vụ vi phạm đất rừng xảy ra là việc quản lý, bảo vệ rừng còn không ít bất cập cần tháo gỡ kịp thời.

Cha chung không ai khóc

Ông Ngô Đại Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, rừng Hà Nội tuy không lớn nhưng lại giữ vị trí hết sức quan trọng. Đây là lá phổi của thành phố để điều hòa không khí, tạo cảnh quan môi trường và thu hút du lịch.

Thời gian vừa qua, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra một số vụ vi phạm đất rừng. Nguyên nhân là do chưa có sự phân cấp rõ ràng giữa thành phố Hà Nội với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc quản lý đất rừng dẫn đến vi phạm và khi xảy ra cũng rất khó xử lý.

Ví dụ như Vườn quốc gia Ba Vì, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhưng nằm trên địa phận của huyện Ba Vì (Hà Nội), hay như rừng ở Sóc Sơn có sự chồng lấn với xã giáp ranh Ngọc Thanh thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc…

Nhiều vụ việc vi phạm về quản lý rừng ở Hà Nội xảy ra trong thời gian gần đây. Ảnh: TTXVN

Chính vì chưa phân định rõ địa giới hành chính tại khu vực giáp ranh giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc, nên vừa qua đã xảy ra vụ khai thác trái phép tại khu vực rừng phòng hộ thuộc địa bàn xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.

Cụ thể, ngày 22/6, lực lượng bảo vệ rừng xã Minh Trí phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện Sóc Sơn bắt giữ một vụ khai thác rừng trái phép thuộc khoảnh 1 rừng phòng hộ trên địa bàn xã. Số lượng cây bị chặt hạ là 125 cây keo các loại có đường kính thân gốc từ 12 – 40cm.

Đối tượng bị bắt giữ là ông Lý Tiến Bằng, công dân có hộ khẩu tại xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Khi làm việc với cơ quan chức năng, ông Bằng khẳng định, chỉ khai thác rừng trên diện tích gia đình đã được chính quyền địa phương giao khoán.

Anh Nguyễn Văn Hòa, người quản lý rừng ở xã Minh Trí huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho biết, đã có những lần khi dọn cỏ, làm công tác hạ cấp vật liệu cháy ở đây thì mắc phải rào cản từ phía xã Ngọc Thanh, thị xã Phúc Yên, dẫn tới tranh cãi tại khu rừng này do không có sự phân định ranh giới, nhiệm vụ rõ ràng.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, cùng với việc chưa có ranh giới, mốc rừng rõ ràng thì một số khu vực rừng, đất rừng trên địa bàn Hà Nội còn bị “xẻ thịt”, chia lô bán nền xây dựng những công trình nhà ở sai phép thuộc địa bàn huyện Ba Vì, huyện Sóc Sơn, huyện Mỹ Đức.

Mặc dù đất rừng bị xâm hại nhưng cơ chế quản lý, hay việc quy trách nhiệm cho tập thể cá nhân có liên quan đến sai phạm cũng chưa rõ ràng. Bởi hiện nay, rừng và đất rừng ở Hà Nội có nhiều cơ quan, chính quyền cùng tham gia quản lý.

Rừng cần có chủ

Ông Ngô Đại Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cho biết, sai phạm tập trung nhiều ở rừng Sóc Sơn và rừng Ba Vì. Người ta muốn tận dụng được hết cảnh quan của rừng nên vừa rồi có nhiều vụ vi phạm trên đất rừng, ví dụ như ở Ba Vì vi phạm trên đồi Chóng, đồi Đá Bạc, đồi Chông. Hiện nay đã có một loạt biệt thự được xây dựng trên đó, thành phố đang chỉ đạo Thanh tra thành phố để giải quyết dứt điểm việc này.

Thứ hai, đối với Sóc Sơn, hiện nay cũng đã xuất hiện một số trang trại, một số nhà ăn, một số quán ăn nông thôn kết hợp giữa quán ăn với rừng… mọc lên rất nhiều. Đây là những vi phạm mà thành phố đã rất quan tâm, có thời gian Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc để kết luận những vi phạm này.

Rừng ở Hà Nội không nhiều nhưng lại đóng vai trò là lá phổi cho thủ đô. Ảnh: TTXVN

Ông Ngọc nói, về lâu dài, thành phố cũng phải tính đến việc giao đất giao rừng. Phải xác định bộ máy quản lý rừng từ thành phố đến các xã một cách bình đẳng, hiệu quả, tránh trường hợp hiện nay một rừng mà có nhiều người quản lý, nhiều cấp cấp quản lý, rất khó trong việc đầu tư và bảo vệ rừng.

Đồng quan điểm với ông Ngọc, ông Tạ Văn Chiêm, Giám đốc Ban quản lý rừng huyện Sóc Sơn cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị với thành phố thực hiện việc giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp hay giao đất lâm nghiệp gắn với giao rừng cho các gia đình, cá nhân và các tổ chức quản lý, sử dụng lâu dài, ổn định cho mục đích lâm nghiệp.

Để quản lý rừng tốt, các chuyên gia lâm nghiệp cũng cho rằng, Hà Nội cần sớm thực hiện giao đất giao rừng. Đây là vấn đề cốt lõi vì rừng phải có chủ nếu không thì việc vi phạm, xây dựng trái phép hay phá rừng, đốt rừng sẽ vẫn diễn ra.

Bên cạnh đó, cũng cần sớm hoàn thành mô hình tổ chức quản lý thống nhất đối với rừng Hà Nội. Đây không đơn thuần là vấn đề về sinh thái hay khí hậu mà còn là vấn đề đảm bảo an ninh quốc phòng. Phải có cơ chế chính sách phù hợp để người dân làm lâm nghiệp sống được bằng rừng.

Trên thực tế đã có nhiều vụ việc chặt trộm cây rừng, xâm hại đất rừng đã bị đưa ra xét xử. Nhưng những hình phát cũng chưa đủ răn đe đối tượng xâm hại rừng.

Tại Hà Nội, để hạn chế những vụ việc xâm hại rừng tại cần phải phân cấp rõ ràng giữa thành phố Hà Nội với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc xử lý các công trình xây dựng vi phạm đất rừng.

Còn đối với những diện tích đất rừng chưa được đo vẽ trên bản đồ, trong thời gian tới, các cơ quan liên quan cũng cần lập bản đồ địa chính về rừng, nhằm ngăn chặn lợi dụng kẽ hở của pháp luật về quản lý rừng để xâm hại rừng thu lợi bất chính từ rừng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục