Bất động sản vẫn trông chờ yếu tố nội lực

11:08' - 06/01/2018
BNEWS Thị trường bất động sản trong năm 2018 được kỳ vọng sẽ rất sôi động.
Bất động sản vẫn trông chờ yếu tố nội lực. Ảnh minh họa: TTXVN
Kết thúc năm 2017, tổng vốn đầu tư rót vào bất động sản tăng hơn 60% so với năm 2016 và chiếm khoảng 28% tổng vốn đầu tư vào các ngành nghề. Như vậy, thị trường trong năm 2018 và thời gian tiếp theo đang được kỳ vọng sẽ rất sôi động. Trong đó, yếu tố nội lực vẫn được xác định sẽ là động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường bất động sản trong năm 2018, nhất là khi sức mua và nhu cầu nhà ở của người dân tiếp tục tăng cao. 

Theo bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc bộ phận nghiên cứu, tư vấn, định giá và quản lý tài sản CBRE, với tốc độ tăng trưởng của dòng vốn dành cho thị trường như năm 2017, bất động sản sẽ có bước phát triển mạnh trong năm 2018. Trong số đó, bất động sản nhà ở vẫn là phân khúc lớn nhất. 

Đặc biệt, khi Chính phủ đang có “cơ chế mở” để thu hút nguồn vốn tư nhân tham gia triển khai phát triển hạ tầng thì bất động sản cũng sẽ được hưởng lợi từ yếu tố này. Hơn nữa, việc người dân mua sẽ cũng phụ thuộc vào phát triển chung của nền kinh tế đang có những dấu hiệu khả quan. Do đó, nhu cầu nội tại về nhà ở của người dân tiếp tục tăng. Điều này tạo động lực quan trọng cho sự phát triển của thị trường bất động sản năm 2018 và thời gian tới. 

"Năm 2018 sẽ là thời điểm phát triển tốt của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, các chuyên gia kỳ vọng sẽ có diễn biến tích cực về chiều sâu hơn như chất lượng sản phẩm, vị trí, tính đồng bộ… Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ có sự phân hoá rõ nét hơn ở các phân khúc, đòi hỏi các nhà đầu tư phải tạo ra sự khác biệt, điểm nhấn cho từng dự án để thu hút khách hàng", bà An phân tích. 

Nhu cầu của bất động sản nhà ở vẫn sẽ tập trung vào phân khúc trung cấp và bình dân. Phân khúc này được dự báo sẽ có nhiều biến động hơn năm 2017 bởi thị trường có thêm nhiều dự án mới hình thành ở các vị trí trung tâm, tiện lợi kết nối hạ tầng giao thông. 

Tiến sỹ Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, các yếu tố chủ chốt khiến vốn đổ vào bất động sản tăng là do các nhà đầu tư cũng kỳ vọng được hưởng kết quả từ sự tăng trưởng kinh tế. Cùng đó, niềm tin về thị trường cũng đã được phục hồi. Đặc biệt, Việt Nam đã tổ chức thành công hôi nghị APEC, được đánh giá cao với sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp cũng góp phần tạo nên sức hấp dẫn. Đây là những nhân tố thúc đẩy, khích lệ các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. 

Ở một khía cạnh khác, Tiến sỹ Lê Xuân Sang nhấn mạnh, tăng trưởng bất động sản dẫn đến việc hiệu ứng lan toả rất lớn và có khả năng lạm phát. Thế nhưng, năm 2017, hiện tượng này chưa xảy ra. Nhưng cơ quan quản lý vẫn phải lưu ý, theo dõi kịp thời điều chỉnh linh hoạt để việc tăng trưởng bất động sản mang lại nhiều tác động tích cực hơn cho thị trường và nền kinh tế. Đơn cử như việc kiểm soát chặt chẽ khoản vay phù hợp từ chứng khoán cho lĩnh vực bất động sản cũng đã được ngân hàng lưu tâm kiểm soát. Rủi ro cho thị trường thường xuất phát khi nguồn vốn đổ vào bất động sản lớn mà cung lại vượt quá cầu. 

Giáo sư Đặng Hùng Võ thì cho rằng, ngoài việc kiểm soát thì phải đưa ra những dự báo chính xác thị trường, cơ quan nhà nước cân nhắc xem nên phê duyệt dự án nào. Khi đó, cần xác định dành nguồn đất để phát triển loại bất động sản nào và tỷ lệ ra sao thì hợp lý. 

Theo đó, những phân khúc đã dư cung thì phải giảm và thiếu sẽ phải đẩy tăng lên. Thông tin này cần truyền tải nhà đầu tư, có thể thông qua Hiệp hội Bất động sản Việt Nam là nơi quy tụ được nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực này. Họ sẽ phải tự cân nhắc và điều chỉnh chiến lược phát triển kinh doanh để đảm bảo nguồn hàng đưa ra thị trường có tính thanh khoản cao. 

Giáo sư Đặng Hùng Võ nhận xét, tuy dự báo thị trường rất quan trọng nhưng hiện nay vẫn đang thiếu. Chỉ khi có được thông tin thị trường rõ ràng, mạch lạc, đầy đủ thì mới hình thành dự báo chính xác để biết cách thức phát triển dài hạn hay ngắn hạn. Thêm nữa, thông tin minh bạch cũng sẽ giúp tránh được những rủi ro cho cả nhà đầu tư lẫn khách hàng khi hình thành và giao dịch các dự án bất động sản. 

Đề cập đến vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam cũng thừa nhận, bên cạnh các điểm mạnh của thị trường bất động sản thời gian qua thì cũng còn tồn tại những nhược điểm như thông tin kém minh bạch, không được cập nhật, báo cáo kịp thời. Việc sử dụng, phân tích, công bố thông tin chưa “đến tay” đúng đối tượng cần thiết như doanh nghiệp và người dân. 

Theo ông Nguyễn Trần Nam, trong Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở điều chỉnh năm 2014, mỗi Luật này dành hẳn 1 chương quan trọng để quy định các điều khoản chi tiết thu thập thông tin cơ sở, hệ thống đất, số liệu tiêu chí để đánh giá thị trường bất động sản. Đồng thời, quy định nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi của chính quyền, giới doanh nghiệp, của Hiệp hội Bất động sản để thiết lập hệ thống thông tin nền tảng cho thị trường. Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước. 

Năm 2018, hành lang pháp lý được cải cách sẽ phát huy hiệu lực và cùng với hệ thống thông tin của Hiệp hội Bất động sản và thông tin chính thống của Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện được kỳ vọng giúp cho thị trường bất động sản Việt Nam tăng tính minh bạch hơn. Thị trường bất động sản được dự báo vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn và động lực phát triển vẫn trông chờ vào yếu tố nội lực./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục