Bầu cử Mỹ 2016: Cựu Ngoại trưởng H. Clinton cam kết cứng rắn với Phố Wall

14:39' - 08/12/2015
BNEWS Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ủng hộ thắt chặt quy định trong ngành ngân hàng sau khi xuất hiện nhiều chỉ trích về việc chính quyền quá "mềm mỏng" với Phố Wall.

Bà Hillary Clinton là ứng cử viên sáng giá của đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016.

Bà Hillary Clinton cam kết mạnh tay với Phố Wall nếu đắc cử vào Nhà Trắng năm 2016. Ảnh: tvguide.com

Trong một bài viết đăng tải ngày 7/12 trên tờ "The New York Times", bà Clinton khẳng định nếu thắng cử, bà sẽ đấu tranh với Quốc hội do phe Cộng hòa nắm quyền kiểm soát hiện chủ trương rút lại các biện pháp quản lý ngân hàng, một phần trong chương trình cải cách tài chính nhằm ngăn chặn tái diễn một cuộc khủng hoảng tài chính tương tự như trường hợp năm 2008.

Cụ thể, bà Clinton tuyên bố sẽ thúc đẩy các điều luật về giải thể các ngân hàng hay thể chế tài chính phi ngân hàng được nhìn nhận là "khó quản lý do quá đồ sộ và mang tính rủi ro cao" hay một cơ chế xét xử trách nhiệm của các giám đốc ngân hàng.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ khẳng định nhiệm vụ của giới tài chính Phố Wall là giúp thúc đẩy sự phát triển và thịnh vượng của tầng lớp trung lưu.

Do đó, thay vì theo đuổi những kế hoạch rủi ro cao có thể khiến nền kinh tế quốc gia "lao đao", Phố Wall nên tập trung xây dựng một nền kinh tế bền vững có thể tạo việc làm lương cao, tăng thu nhập và đầu tư giúp đảm bảo cuộc sống cho các gia đình trung lưu.

Trước đó, Thượng nghị sĩ bang Vermont, Bernie Sander, một đối thủ của bà Clinton trong cuộc đua giành tấm vé đại diện cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016, đã lên tiếng ủng hộ thắt chặt các quy định ngành ngân hàng đồng thời chỉ trích bà Clinton "nhân nhượng" với ngành tài chính, nơi bà nhận được nhiều tài trợ cho chiến dịch tranh cử của mình.

Bảy năm sau cuộc suy thoái tài chính, vấn đề quy định ngân hàng vẫn là một chủ đề lớn trong chính giới Mỹ.

Công chúng chỉ trích mặc dù các ngân hàng vẫn bị xử phạt trong các vụ vi phạm, hiện vẫn chưa có cơ chế trừng phạt đối với các cá nhân.

Trong khi đó, dưới áp lực từ giới ngân hàng, một số nghị sĩ Mỹ, chủ yếu là phe Cộng hòa, đang chủ trương chấm dứt các cải cách tài chính bao gồm việc giới hạn các ngân hàng đưa ra các quyết định mang tính rủi ro cao cũng như yêu cầu tăng lượng dự trữ. Những quy định này đã ảnh hưởng đáng kể tới lợi nhuận của các ngân hàng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục