Bên lề kỳ họp Quốc hội: Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao

15:32' - 02/11/2016
BNEWS Nội dung Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 được các đại biểu thảo luận sôi nổi tại hội trường trong phiên họp sáng ngày 2/11 của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu tham luận là phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao để gia tăng giá trị sản phẩm và khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Phóng viên BNEWS đã ghi nhận ý kiến các đại biểu xung quanh chủ đề này.

Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Đoàn Bình Thuận): Chính sách phải là đòn bẩy cho nông nghiệp phát triển

Nông nghiệp tuy chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu kinh tế chung nhưng luôn giữ vai trò trụ cột trong phát triển kinh tế của đất nước. Một trong những hạn chế mà lĩnh vực nông nghiệp đang gặp phải là kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống, phòng tránh thiên tai chưa đáp ứng yêu cầu.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Huỳnh Thanh Cảnh phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng-TTXVN

Nông nghiệp chủ yếu tăng trưởng theo chiều rộng nên năng suất, chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng còn thấp. Hiện đầu ra nông sản vẫn gặp nhiều khó khăn, không ổn định, nhất là chỉ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Mặt khác, nông nghiệp còn chịu tác động xấu và khó lường của biến đổi khí hậu; đặc biệt là tình trạng xâm nhập mặn, sạt lở ở nhiều địa phương khiến mất đất nông nghiệp.

Bởi vậy, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo và có chính sách hỗ trợ để thực hiện tái cơ cấu trong từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Cụ thể, trước hết ở những địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai, nhất là nạn hạn hán, xâm nhập mặn vừa qua nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế thấp nhất mức thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp cũng cần được coi trọng, nhất là công nghệ cao - nhân tố cốt lõi hàng đầu của đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh hàng hóa nông sản.

Mức đầu tư cho nghiên cứu khoa học và công nghệ lĩnh vực nông nghiệp hiện nay bình quân 25.000 đồng/ha đất nông nghiệp là chưa đáp ứng nhu cầu và rất thấp so với các nước trong khu vực.

Vì vậy, việc rà soát, bổ sung các chính sách nhằm tạo đòn bẩy thật sự khuyến khích các hình thức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ là rất cần thiết; qua đó, kiểm soát chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng, tăng khả năng cạnh tranh và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp kể cả xuất khẩu. Đây là yếu tố sống còn của nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập.

Đại biểu Lê Công Đỉnh (Đoàn Long An): Tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Nhiều doanh nghiệp thấy nông nghiệp là lĩnh vực tiềm năng để đầu tư nhưng vẫn chần chừ do một số vướng mắc. Chính sách đất đai, sản xuất nông nghiệp chất lượng cao cần đất rộng và thời hạn sử dụng lâu dài để thực hiện cơ giới hóa, tự động hóa nhằm tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm và đồng bộ sản phẩm trên diện rộng.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An Lê Công Đỉnh phát biểu tại hội trường. Ảnh: Phương Hoa-TTXVN

Tuy nhiên, đất sản xuất đang thuộc quyền sở hữu của người dân với các diện tích khác nhau, không đồng đều.

Doanh nghiệp khó tích tụ diện tích đất lớn để sản xuất, còn người dân cũng không muốn rời bỏ đất đai là tài sản lớn nhất của mình, cũng như tập quán canh tác đã hình thành lâu đời.

Bởi vậy, doanh nghiệp chỉ có 2 hướng lựa chọn. Nếu đầu tư lớn, họ mua lại đất của dân để mở rộng sản xuất và tự làm.

Còn nếu ứng dụng công nghệ cao thì doanh nghiệp cũng có thể đăng ký vào khu nông nghiệp công nghệ cao.

Hiện việc hình thành và kêu gọi đầu tư vào khu nông nghiệp công nghệ cao vẫn còn nhiều trở ngại do chính sách và quỹ đất.

Nhà đầu tư không chỉ quan tâm đến chính sách nhà nước dành cho họ mà còn quan tâm đến tuổi thọ của các chính sách.

Doanh nghiệp e ngại, sau khi đã bỏ tiền đầu tư vào dự án nông nghiệp công nghệ cao rồi mà chính quyền lại cấp phép cho các dự án công nghiệp liền kề, rồi phải chịu ảnh hưởng từ chất xả thải công nghiệp ra nguồn nước thì sản xuất sẽ bất lợi.

Bởi vậy, môi trường đầu tư kinh doanh có tầm nhìn xa chính là sức hấp dẫn đầu tư nông nghiệp.

Đại biểu Lê Thị Thu Hồng (Đoàn Bắc Giang): Hướng tới nông nghiệp hữu cơ

Chủ trương tập trung tái cơ cấu nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng với ý nguyện của đông đảo cử tri cả nước nói chung và cử tri Bắc Giang nói riêng.

Đại biểu Lê Thị Thu Hồng (Đoàn Bắc Giang). Ảnh: Phương Hoa/TTXVN.

Đa phần cử tri nông thôn đang mong mỏi một sự khởi sắc thực chất trong nông nghiệp để làm cơ sở cho phát triển nông thôn mới.

Nghị quyết của Đảng về “tam nông” đã ban hành được 8 năm, Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách, cơ chế, biện pháp hỗ trợ, nhưng xem ra kết quả chưa thực sự được như mong muốn.

Nông thôn mới phần nhiều còn hình thức, mới dừng lại ở bề nổi, còn yếu tố gốc rễ, nền tảng là phương pháp sản xuất nông nghiệp, vấn đề tăng thu nhập cho nông dân dường như chưa có thay đổi rõ rệt.

Thực trạng nông nghiệp vẫn là đất đai manh mún với mô hình sản xuất nhỏ lẻ nông hộ; không bền vững, khó áp dụng cơ giới hóa, khó tiếp cận thị trường.

Đã vậy, việc lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc bảo quản trong sản xuất đã làm chính người tiêu dùng trong nước quay lưng lại với sản phẩm do nông dân sản xuất ra.

Thêm vào đó, việc Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương ngoài cơ hội thì sức ép, thách thức mạnh mẽ đối với nông nghiệp là rất lớn…

Do vậy, lời giải cho bài toán đối với nông nghiệp Việt Nam hiện nay như thế nào?

Tái cơ cấu nền nông nghiệp nước ta theo hướng nào là câu hỏi cần có sự trả lời thoả đáng.

Mục tiêu cao nhất của tái cơ cấu nông nghiệp là chuyển đổi nền nông nghiệp hiện nay sang nền nông nghiệp hướng tới nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, an toàn theo xu hướng của thế giới.

Đây là một quá trình lâu dài và gồm nhiều bước phát triển từ thấp lên cao. Các giải pháp trong báo cáo tái cơ cấu kinh tế về vấn đề nông nghiệp của Chính phủ đề ra đã phần nào đưa ra câu trả lời.

Tuy nhiên để quá trình tái cơ cấu này diễn ra hiệu quả, theo tôi, nội dung của tái cơ cấu nông nghiệp nông thôn để chủ động hội nhập quốc tế nên tập trung vào những vấn đề sau.

Trước hết, cần nhấn mạnh và nhất quán chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao hướng tới nông nghiệp hữu cơ để chủ động hội nhập và đáp ứng nhu cầu thực phẩm có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Đây là một giải pháp quan trọng để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp.

Lực lượng thực hiện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì hạt nhân, nòng cốt phải là doanh nghiệp; phải chuyển chủ thể chính trong nông nghiệp hiện nay từ hộ nông dân sang vai trò doanh nghiệp.

Thực tiễn chứng minh rằng doanh nghiệp có khả năng thực hiện được việc này vì họ có năng lực đầu tư, có khả năng tiếp nhận và làm chủ công nghệ, có vốn, có kinh nghiệm thương trường.

Thêm một vấn đề rất quan trọng là phải hoàn thiện chính sách về đất đai để tạo thuận lợi nhất cho việc tích tụ và tập trung ruộng đất. Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh dồn điền, đổi thửa; sớm nghiên cứu cơ chế thuê ruộng đất ổn định, lâu dài.

Thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch đất nông nghiệp bảo đảm tầm nhìn dài hạn; khẩn trương xây dựng quy hoạch khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của từng địa phương để bổ sung vào quy hoạch chung.

Những cơ hội lớn trong nền nông nghiệp Việt Nam sẽ xuất hiện cả thị trường trong nước và quốc tế, nhưng muốn cạnh tranh hiệu quả trên thị trường còn tùy thuộc vào khả năng của nông dân và doanh nghiệp trong việc cung cấp sản phẩm một cách đáng tin cậy, chất lượng ổn định, bảo đảm an toàn thực phẩm và có bằng chứng rõ ràng về việc áp dụng các quy trình canh tác bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục