Bên lề kỳ họp Quốc hội: Tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ

15:25' - 02/06/2017
BNEWS Các điều, khoản trong Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) cần xác định rõ đối tượng tham gia vào quá trình chuyển giao công nghệ, phân biệt khái niệm công nghệ và máy móc thiết bị…

Sáng 2/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Bên lề Kỳ họp, các đại biểu Quốc hội cho rằng, các điều, khoản trong dự Luật cần xác định rõ đối tượng tham gia vào quá trình chuyển giao công nghệ, phân biệt khái niệm công nghệ và máy móc thiết bị…

Phân biệt rõ khái niệm công nghệ và máy móc thiết bị

 Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Lê Quang Huy. Ảnh: Văn Điệp – TTXVN

Đại biểu Lê Quang Huy (Nghệ An) kỳ vọng khi dự án Luật được thông qua sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng việc xác định đối tượng là tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động ứng dụng vào đổi mới khoa học công nghệ chưa phù hợp.

Theo đại biểu, mục đích của việc chuyển giao công nghệ là đưa ứng dụng khoa học mới, hiệu quả hơn về mặt kinh tế - xã hội và môi trường vào thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, trước khi ứng dụng chuyển giao công nghệ mới, còn có rất nhiều hoạt động chuyên ngành liên quan như giải mã công nghệ, ươm tạo, phát triển thị trường khoa học công nghệ...

Như vậy, những đối tượng tham gia vào công đoạn đó không nhất thiết phải là đối tượng áp dụng trong Luật này, chỉ những tổ chức, cá nhân liên quan đến quá trình chuyển giao công nghệ là đủ - đại biểu nêu.

Liên quan đến việc xác định khái niệm công nghệ, đại biểu Lê Quang Huy cho rằng, dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ chưa tách bạch khái niệm giữa công nghệ và máy móc thiết bị, dễ gây hiểu lầm. Vì vậy, dự thảo Luật cần phải có sự phân biệt rõ ràng về khái niệm này. Theo đại biểu, thời gian gần đây, Việt Nam nhập không ít máy móc có công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, cuộc sống.

Theo khoản 2, Điều 3 của dự thảo Luật, khái niệm về công nghệ được ghi rõ là giải pháp, bí quyết và quy trình, kèm theo hoặc không kèm theo máy móc, thiết bị, phương tiện và công cụ. Đại biểu Lê Quang Huy khẳng định, việc đưa máy móc thành một tiêu chí để thẩm định trước khi nhập khẩu công nghệ là không phù hợp; máy móc chỉ là phương tiện triển khai công nghệ, hoặc là sản phẩm của công nghệ, không thể đánh đồng là công nghệ.

Đề cập đến chủ trương của Nhà nước được nhiều cử tri quan tâm là đưa công nghệ vào cải cách thủ tục hành chính, đại biểu Lê Quang Huy đánh giá chủ trương này rất cần thiết, nhưng hiệu quả đến đâu lại phụ thuộc vào năng lực, vai trò của con người. “Chúng ta có thể đưa khoa học công nghệ vào cải cách thủ tục hành chính nhưng bản chất lại là khâu tổ chức.

Vì vậy, cần có giải pháp tuyên truyền, cập nhật, cung cấp những thông tin chính xác, lành mạnh, để người sử dụng dần dần sử dụng thành thạo cũng như hiểu đúng bản chất”, đại biểu Lê Quang Huy cho biết.

Bất cập trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao khoa học công nghệ

Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về việc xử lý các hợp đồng chuyển giao công nghệ trong dự thảo Luật. Theo quy định, hiện có 3 trường hợp cần ký hợp đồng chuyển giao gồm: Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam; Chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài; Chuyển giao công nghệ có sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Hợp đồng này có hiệu lực sau khi hai bên đã thỏa thuận hoặc tại thời điểm chuyển giao công nghệ được ký. Sau khi ký xong, bắt buộc phải đăng ký trong thời hạn 7 ngày, cơ quan quản lý nhà nước sẽ xem xét để thực hiện việc cấp hoặc không cấp giấy chứng nhận đăng ký.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Nguyễn Trường Giang. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Theo đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông), quy định này có sự bất cập. Theo Luật Chuyển giao công nghệ hiện hành, việc đăng ký giấy chứng nhận hợp đồng chuyển giao không phải bắt buộc mà là Nhà nước khuyến khích. Do có tính tự nguyện nên những hợp đồng chuyển giao công nghệ diễn ra thuận lợi sẽ được cơ quan quản lý nhà nước chứng nhận.

Dự thảo Luật lần này bắt buộc các trường hợp đã ký hợp đồng chuyển giao đều phải đăng ký chứng nhận, nhưng những hợp đồng không được chứng nhận sẽ xử lý ra sao, dự thảo lại chưa được đề cập đến - đại biểu đề cập./.

>>> Cần có các chính sách đột phá trong chuyển giao các công nghệ mới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục