Bên lề Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV: Quản lý hiệu quả nợ công theo hướng kiểm soát chặt

19:46' - 30/05/2017
BNEWS Thống nhất đầu mối trả nợ công và theo dõi khoản nợ công để thanh toán... là ý kiến của đại biểu bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, chiều 30/5.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, chiều 30/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi) và dự án Luật tố cáo (sửa đổi). Cho ý kiến về Luật quản lý nợ công, bên lề Kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo hiệu quả nguồn vốn vay.

* Thống nhất đầu mối trả nợ công

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho biết, theo quy định, việc quản lý nguồn vốn vay được giao cho ba cơ quan là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhưng các cơ quan này chỉ chú trọng đến việc vay vốn chứ chưa tính đến phương án trả nợ và đến nay vẫn chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm cụ thể việc này.

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường. Ảnh: An Đăng -TTXVN

Đây chính là bất cập lớn dẫn đến tình trạng nợ công đã gần chạm trần (63,7% GDP). Trong dự thảo Luật quản lý nợ công (sửa đổi), quan điểm của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nên tập trung cho một đầu mối là rất khoa học.

Một đầu mối nghĩa là một cơ quan đứng ra chịu trách nhiệm đến cùng khoản vốn vay, cơ quan đó cũng quyết định việc đi vay thế nào và đầu tư vào đâu. Cụ thể, nếu vay bảo lãnh để cho vay lại, Ngân hàng Nhà nước phải chịu trách nhiệm; vay về đầu tư công, Bộ Tài chính phải đứng ra làm đầu mối…

Đối với những khoản vay bảo lãnh, cơ quan bảo lãnh phải đảm bảo tránh nhiệm trong việc đứng ra trả nợ. Về khoản này, theo đại biểu Cường, Chính phủ nên giao cho Ngân hàng Nhà nước trách nhiệm trả nợ nếu đơn vị bảo lãnh không trả được chứ không được lấy tiền từ ngân sách để trả nợ công.

Với những dự án vay để đầu tư hạ tầng nằm trong chương trình đầu tư công của Chính phủ, Chính phủ sẽ phải trả; Bộ Tài chính cân nhắc xem nguồn thu ngân sách nếu có thể trả được, đồng thời chịu trách nhiệm đứng ra vay, bố trí nguồn thu ngân sách để trả. Như vậy, nguồn vốn vay sẽ đảm bảo hiệu quả và không xảy ra tình trạng khủng hoảng nợ công.

* Theo dõi khoản nợ công để thanh toán

Chia sẻ những giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho hay, Luật quản lý nợ công năm 2016 (sửa đổi) lần này đã đưa vào nhiều điều khoản chi tiết để phù hợp với Luật ngân sách Nhà nước năm 2015, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật tổ chức Chính phủ và các Luật ban hành khác, trong đó quy định khoản nợ công gồm những khoản nào một cách chặt chẽ.

Cụ thể, trong điều khoản của Luật quy định, nợ công gồm có 3 khoản: nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Theo đại biểu, thông thường nợ công được tính trên GDP, nếu làm GDP tăng trưởng theo kế hoạch đề ra, nợ công sẽ giảm dần.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng nêu rõ: Luật quản lý nợ công (sửa đổi) bàn rất nhiều nội dung, trong đó có đề cập đến nguyên nhân cấu thành nợ công, đó là nợ bảo lãnh của Chính phủ, điều mà trước đây Luật quản lý nợ công rất ít khi bàn đến nên thiếu đi những cơ chế ràng buộc.

Nếu không bảo lãnh, nợ công không tăng và hiện bảo lãnh của Chính phủ chiếm tới 18% trong tổng số nợ công. Theo đại biểu, Chính phủ cần nhanh chóng cắt giảm đối đa mức bảo lãnh của mình, giao trách nhiệm tự chủ đó cho chủ doanh nghiệp.

Chính phủ chỉ nên bảo lãnh vốn vay của quốc gia, những khoản có tính lan tỏa liên quan đến sự phát triển chung của đất nước. Khoản nợ chính quyền địa phương, tuy chỉ chiếm 1,5% (khoảng 45.000 tỷ đồng) nhưng phải quản lý chặt chẽ, tránh trường hợp ảnh hưởng đến ngân sách của địa phương vốn đã rất eo hẹp.

Để quản lý hiệu quả nguồn vốn vay, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc quản lý nợ công, nhất là Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nơi phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay để tạo ra nguồn thu cho ngân sách.

Để làm tốt điều này, Bộ Tài chính phải là cơ quan theo dõi khoản nợ để thanh toán, nghĩa là tạo ra sự liên kết từ khâu phân bổ để nguồn vốn được đưa vào các dự án hiệu quả, đó là mục tiêu được đặt lên hàng đầu.

“Nợ công tăng nhanh sẽ tạo cầu vốn trên thị trường. Nhu cầu vay của Chính phủ ngày càng tăng khiến cầu vốn tăng, kéo theo lãi suất được nâng cao. Giải quyết nợ công theo hướng kiểm soát chặt chẽ góp phần giảm chi phí xã hội và chi phí lãi vay, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp”, đại biểu Trần Hoàng Ngân khẳng định./.

Xem thêm:

>>Nhiều ý kiến đóng góp vào dự án Luật quản lý nợ công và dự án Luật tố cáo (sửa đổi)

>>Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV: Phân rõ trách nhiệm cho từng đơn vị vay vốn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục