Bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV

15:14' - 23/05/2017
BNEWS Bên lề kỳ họp, sáng 23/5, các đại biểu Quốc hội đều có chung nhận định: mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm mà Chính phủ đưa ra trong báo cáo kinh tế - xã hội là một nhiệm vụ khó khăn.

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; tình hình triển khai nhiệm vụ những tháng đầu năm 2017 và các trọng tâm chỉ đạo, điều hành trong những tháng tiếp theo.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Bên lề kỳ họp, sáng 23/5, các đại biểu Quốc hội đều có chung nhận định: mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm mà Chính phủ đưa ra trong báo cáo kinh tế - xã hội là một nhiệm vụ khó khăn.

Vì vậy, thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư, đẩy mạnh sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) nhận định: Tại phiên khai mạc, Chính phủ đã có báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; tình hình triển khai nhiệm vụ những tháng đầu năm 2017 và các trọng tâm chỉ đạo, điều hành trong những tháng tiếp theo.

Qua đó cho thấy, định hướng đã được xác định, nhờ sự nỗ lực của Chính phủ, chính quyền các cấp và sự vào cuộc tích cực của doanh nghiệp, người lao động, tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2017 tiếp tục ổn định về kinh tế vĩ mô, có những điểm sáng với bước phát triển mới, kể cả trong lĩnh vực xuất khẩu.

Việc thành lập nhiều doanh nghiệp, hợp tác với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội cũng có nhiều điểm cần quan tâm.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại. Một số vấn đề như hiệu quả đầu tư, nợ xấu cần tiếp tục có giải pháp quyết liệt hơn để xử lý tốt.

Đại biểu mong muốn thông qua Kỳ họp Quốc hội, với trí tuệ của các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục làm rõ hơn hệ thống các giải pháp để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.

Đại biểu cho rằng, để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7% là nhiệm vụ hết sức khó khăn nhưng với quyết tâm chung của cả hệ thống chính trị, vai trò tích cực, chủ động của doanh nghiệp, người lao động, mục tiêu đó có thể thực hiện được.

Tuy nhiên, Chính phủ cần chú trọng thực hiện các giải pháp chính: tiếp tục tạo môi trường thuận lợi để các nhà đầu tư có thể yên tâm đầu tư vào từng địa bàn, địa phương với tinh thần "vướng mắc ở đâu, tháo gỡ ở đó".

Với vai trò của mình, Chính phủ, chính quyền cần thể hiện quyết liệt trong việc phát hiện, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, để động viên sức sáng tạo, động viên tiềm lực của mỗi người lao động, mỗi doanh nghiệp.

Đồng thời, cần tăng cường tiết kiệm chi để bội chi không phải là áp lực ngày càng lớn đối với tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế nói chung và ngân sách nói riêng - đại biểu Đỗ Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Nhận định để thực hiện được mục tiêu 6,7% cả năm là hết sức khó khăn, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) đề xuất thời gian tới, theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cần đẩy mạnh sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ; khơi thông nguồn vốn, đặc biệt nguồn vốn nợ xấu của ngân hàng để tăng mạnh nguồn lực đầu tư.

Bên cạnh đó, đối với những nội dung có thể tiết kiệm được, phải tiết kiệm một cách tốt đa để có thể đạt được mục tiêu.

Quan trọng nhất là cần xử lý được nợ xấu của ngân hàng, bởi theo đánh giá đó là nguồn lực lớn, nếu không khai thác được sẽ là sự lãng phí của nền kinh tế.

Liên quan đến mục tiêu tăng trưởng, sau khi nghe Báo cáo của Chính phủ trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ ba, Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, dự báo tăng trưởng 2017 là một thách thức lớn đối với nền kinh tế.

Trước đây, mô hình tăng trưởng dựa vào hai nguồn lực lớn là vốn đầu tư và khai thác tự nhiên. Mô hình này tạo ra tốc độ phát triển nhanh nhưng hiệu quả mang lại cho nền kinh tế chưa cao.

Khi chuyển sang mô hình mới, không dựa vào vốn và khai thác tự nhiên nữa thì tốc độ tăng trưởng giảm chậm lại là điều đương nhiên. Tuy nhiên, với mô hình mới này, tăng trưởng có thể thấp hơn nhưng nền kinh tế và đời sống xã hội ổn định hơn.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) nhấn mạnh, để tăng trưởng GDP một cách bền vững cần thúc đẩy những cải cách thể chế, tạo thuận lợi cho việc khai thông các nguồn vốn trong dân và tạo điều kiện cho sự cạnh tranh bình đẳng trong nền kinh tế.

“Tăng trưởng GDP trên cơ sở sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân thì mới có thể đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế bởi GDP sẽ liên quan đến vấn đề việc làm, nợ công và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội”, đại biểu Vũ Tiến Lộc lý giải.

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, việc thúc đẩy, dồn toàn lực để cải cách thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh chính là giải pháp cơ bản.

Trong ngắn hạn, Chính phủ cần đẩy mạnh đầu tư công, thúc đẩy cho các doanh nghiệp lớn có thể tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, cần có chương trình hành động, lộ trình cụ thể gắn với trách nhiệm rõ ràng đối với việc đạt được các mục tiêu về cải thiện môi trường kinh doanh, khơi thông các nguồn lực trong xã hội để có thêm đầu tư trong và ngoài nước.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, trong năm 2016 nhiều vấn đề về kinh tế- xã hội vẫn chưa được giải quyết một cách rốt ráo nên để hệ luỵ sang năm 2017.

Trong báo cáo của Chính phủ, nhóm các giải pháp để nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào nguồn đầu tư công.

Bên cạnh giải pháp này, cần có giải pháp căn cơ về các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu để từ đó hình thành một hệ thống các tổ chức tín dụng lành mạnh, qua đó hạ được lãi vay của nền kinh tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục