Bên lề kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV: Cần có Luật riêng cho đặc khu hành chính - kinh tế

14:33' - 01/11/2017
BNEWS Chính phủ sẽ trình Quốc hội về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại kỳ họp thứ 4, bên lề kỳ họp Quốc hội khóa XIV,phóng viên TTXVN đã trao đổi với đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội)

Liên quan đến việc Chính phủ sẽ trình Quốc hội về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại kỳ họp thứ 4, bên lề kỳ họp, Quốc hội khóa XIV, ngày 1/11, phóng viên TTXVN đã trao đổi với đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) xung quanh vấn đề này.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội). Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN


Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của 3 đặc khu hành chính - kinh tế gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà) và Phú Quốc (Kiên Giang) ?
Đại biểu Hoàng Văn Cường: Rất khó để nói rằng đâu là khu tiềm năng nhất vì mỗi khu có những tiềm năng khác nhau và chiến lược phát triển khác nhau. Nếu các khu này đi đúng chiến lược và tiềm năng của mình thì đều có thể phát triển mạnh.
Hiện nay, chúng ta thấy rằng, trầm nhất có lẽ là khu Bắc Vân Phong bởi có rất ít người nhắc đến và ít nhà đầu tư vào khu này. Nhưng nếu khu này phát triển tốt ngành logictis và tạo ra một hệ thống hạ tầng về logictis thì Bắc Vân Phong sẽ trở thành một khu phát triển mạnh tiềm năng về logictis.
Đối với Phú Quốc, hiện nay mọi người đổ vào rất đông, nhưng nếu như Phú Quốc phát triển tốt thì phải tập trung phát triển mạnh về hạ tầng liên quan đến du lịch, dịch vụ.
Trong khi đó, Vân Đồn thì có khả năng không chỉ phát triển mạnh về du lịch, dịch vụ hay logictis, mà còn có thể trở thành một khu kết hợp về sản xuất, công nghiệp cùng với du lịch và dịch vụ. Như vậy, mỗi một khu đều có tiềm năng riêng và có khả năng phát triển riêng.
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về hiệu quả kinh tế của các đặc khu hành chính - kinh tế này?
Đại biểu Hoàng Văn Cường: Rõ ràng, chúng ta thấy rằng, nếu các đặc khu kinh tế được hình thành và có những cơ chế thực sự phù hợp thì nó sẽ mang lại những hiệu quả rất lớn.
Trước hết, tiềm năng, tiềm lực của các khu đó sẽ được khai thác một cách tối đa. Từ đó, tạo ra được sức cạnh tranh hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư cũng như thu hút các doanh nghiệp từ bên ngoài đổ vốn vào đầu tư để phát triển. Yếu tố đó tạo sự tăng trưởng về kinh tế cho quốc gia và mang lại lợi ích cho người dân tại khu đó cũng như các nguồn lợi mà người dân trong nước được hưởng bởi sự lan toả từ các đặc khu hành chính kinh tế này.
Phóng viên: Theo ông, có nên phân quyền cho các địa phương quản lý các đặc khu hành chính - kinh tế ?
Đại biểu Hoàng Văn Cường: Theo tôi, một khi muốn hình thành một đặc khu hành chính - kinh tế thì quyền của địa phương phải rất cao; tính tự quyết và tính khác biệt của địa phương đó so với những đơn vị hành chính khác trong cả nước phải có sự độc lập. Do đó, việc giao cho địa phương làm là việc cần phải tính và cần phải ủng hộ.
Tuy nhiên, cũng cần phải có một cơ chế kiểm soát để làm sao việc giao quyền cho địa phương đó không phải là giao quyền cho một cá nhân - người đứng đầu địa phương đó, mà quyền lực phải được giao cho cộng đồng vì sự phát triển chung của địa phương. Đồng thời, phải nằm trong định hướng chung trong hệ thống luật pháp của nhà nước.
Tôi cho rằng, nếu có một hệ thống kiểm soát tốt như vậy thì chúng ta vừa phát huy được năng lực, khả năng của địa phương và đồng thời vẫn đảm bảo tính chất ổn định nằm trong định hướng chung của quốc gia.
Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, năng lực của địa phương có hạn. Vậy, phải kiểm soát việc giao quyền lực cho người đứng đầu như nào?
Đại biểu Hoàng Văn Cường: Như tôi đã nói ở trên, nhưng quan trọng là cơ chế giao như thế nào để thấy rằng không phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của người đứng đầu địa phương, mà quyền lực đó phải được thể hiện bằng ý chí và sức mạnh cộng đồng của địa phương đó. Nhưng đồng thời, nó cũng nằm trong khuôn khổ quản lý của nhà nước. Cho nên cơ chế để kiểm soát quyền lực mới là vấn đề cần bàn, chứ không phải bàn việc có nên giao hay không nên giao cho địa phương quản lý.
Tôi cho rằng, cần phải giao rộng quyền hơn cho địa phương, nhưng phải nằm trong cơ chế quản lý như thế nào và định hướng ra sao theo chiến lược phát triển chung của quốc gia.
Phóng viên: Cũng có ý kiến lo ngại rằng, sẽ có tình trạng lạm quyền trong việc phân quyền cho các địa phương. Quan điểm của ông về vấn đề này như nào?
Đại biểu Hoàng Văn Cường: Chắc chắn ngay một lúc không thể giao toàn quyền cho địa phương muốn làm gì thì làm được. Mà chúng ta phải có sự phân cấp trong điều kiện và khả năng có thể kiểm soát.
Ngay từ bước đầu tiên khi các đặc khu này được hình thành thì quyền lực, quyền hạn, tính tự quyết phải cao hơn các khu vực khác. Cao hơn nhưng không có nghĩa rằng chúng ta không có kiểm soát, tránh trường hợp tình trạng quyền lực rơi vào tay cá nhân, người đứng đầu ở đặc khu đó. Mà những người đứng đầu đó chỉ là người thực hiện ý chí của cộng đồng đó cũng như thực hiện các định hướng chiến lược của quốc gia. Nếu có một cơ chế kiểm soát thì chúng ta không lo việc lạm quyền.
Đặc biệt, cần có Luật riêng dành cho đặc khu, bởi khi đã là đặc khu hành chính kinh tế thì bản thân nó phải có hệ thống thuế riêng, chứ không thể áp dụng theo hệ thống thuế chung của cả nước. Miễn sao, khi áp dụng hệ thống thuế riêng này giúp cho đặc khu đó phát triển tốt hơn và mang lại lợi ích nhiều hơn cho người dân cũng như cộng đồng ở đó. Đây mới là tính chất về đặc khu hành chính, không chỉ đơn thuần về kinh tế.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông !

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục