Bên lề Quốc hội: Tín hiệu vui từ các chỉ số kinh tế

16:12' - 22/05/2018
BNEWS Quý I/2018, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng, GDP đạt tới 7,38%, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua; trong đó vốn đóng góp đạt trên 40% vào tốc độ tăng trưởng.
Sáng 22/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2018. Bên hành lang quốc hội, Phóng viên TTXVN đã ghi lại những ý kiến của các đại biểu Quốc hội xoay quanh vấn đề này.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP HCM): Giải ngân vốn đầu tư được cải thiện

Đại biểu Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN
Quý I/2018, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng, GDP đạt tới 7,38%, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua; trong đó vốn đóng góp đạt trên 40% vào tốc độ tăng trưởng.

Điều đó có nghĩa chúng ta đã huy động được vốn đầu tư xã hội từ 3 khu vực: Nhà nước, dân doanh và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, khu vực có vốn Nhà nước đã có sự cải tiến hơn so với các năm trước, dù giải ngân chậm so với kế hoạch đề ra.

Ngay từ đầu năm 2018 vấn đề giải ngân đã có sự chuẩn bị, nhưng quy trình giải ngân và các thủ tục trong đầu tư công vẫn có nhiều trở ngại. Do vậy, các đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét lại Luật Đầu tư công và khi hoàn thiện được các thể chế thì đầu tư công sẽ tốt hơn.

Điều quan trọng là đừng quá nôn nóng việc chậm giải ngân, đầu tư vào các công trình cần phải cân nhắc, không thể ồ ạt. Vấn đề là phải giám sát được công trình để có thể đi vào cuộc sống.

Chính vì lẽ đó, cần phải rà soát lại các quy hoạch, cái nào không còn phù hợp với thực tiễn, cái nào "treo" quá lâu mà không có tiềm lực... thì xóa bỏ và đẩy mạnh đầu tư ở khu vực tư nhân, huy động các nguồn lực của nhân dân.

Khi người dân đầu tư vào mảnh đất của mình, đầu tư vào nơi mình đã sinh sống bao năm nay sẽ thúc đẩy đầu tư xây dựng và thúc đẩy tăng trưởng, nhất là bỏ được quy hoạch "treo" kéo dài.

Liên quan đến vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cần phải chuyển hướng theo hướng ưu tiên cho 4 tiêu chí: Đó là "xanh", tức là phải đảm bảo môi trường bởi thực tế sau sự cố môi trường biển Formosa đã cho chúng ta nhiều bài học quan trọng.

Tiếp đến là "sạch", tức là lý lịch doanh nghiệp phải sạch, làm ăn minh bạch, chống chuyển giá, gian lận thuế...; "chất lượng" với yêu cầu đảm bảo công nghệ cao, công nghiệp 4.0 và công nghệ đó phải là những thiết bị hiện đại cũng như "tính lan toả" bởi sự phát triển của doanh nghiệp FDI phải kéo theo hàng loạt doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Do vậy, khi cấp phép cho các doanh nghiệp FDI thì phải ưu tiên cho 4 lĩnh vực này, từ đó mới có chính sách kết nối giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước. Chính phủ phải chú trọng việc này do doanh nghiệp trong nước rất khó tiếp cận khu vực FDI và khi cấp phép phải gắn với điều kiện ràng buộc như vậy mới phát triển được công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Điều quan trọng hơn là phải có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước để nâng cao năng lực cạnh tranh. Vừa qua, chúng ta ban hành rất nhiều chính sách, nhưng hậu kiểm các chính sách đó hầu như chưa có. Nhiều chính sách được ban hành, song không đi vào được cuộc sống.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Đoàn Nghệ An): Quan tâm hơn nữa đến tái cơ cấu nền kinh tế

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Đoàn Nghệ An). Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN
Như chúng ta thấy những tín hiệu vui khi các chỉ số tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước thời gian qua đã đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch.

Điều đáng ghi nhận là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng trên cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp thực hiện rất tốt các chỉ tiêu đề ra.

Trong năm qua, Chính phủ đã tích cực triển khai các hoạt động hướng về người dân, môi trường đầu tư, môi trường doanh nghiệp ngày càng được cải thiện. Nhiều Bộ, ngành đã tiên phong trong việc gỡ bỏ rào cản kinh doanh, loại bỏ các “giấy phép con”…. Đây là những dấu hiệu rất tích cực.

Đặc biệt, Chính phủ rất quan tâm đến việc tái cơ cấu nền kinh tế; trong đó tiếp tục thực hiện tốt việc tái cơ cấu đầu tư công, quản lý đầu tư công ngày càng tích cực.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện tốt tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước cũng như các vấn đề về phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn có những dấu hiệu tăng trưởng thiếu bền vững. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế vẫn tập trung chủ yếu vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hoặc vấn đề thu ngân sách.

Vì vậy, cần phải có những phân tích đầy đủ trên tất cả các lĩnh vực để tìm ra nguyên nhân và có giải pháp khắc phục.

Chúng ta cũng cần quan tâm đến vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế hơn nữa và siết chặt công tác quản lý đầu tư công nhằm hướng tới việc quản lý tốt nguồn đầu tư này và là động lực cho sự tăng trưởng.

Liên quan đến hệ thống tín dụng, cần phải phải xử lý được nợ xấu. Báo cáo của Chính phủ cho thấy vấn đề này vẫn còn yếu và yêu cầu đặt ra là hoạt động ngân hàng phải gắn với hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội.

Về vấn đề doanh nghiệp Nhà nước, qua thanh, kiểm tra, quá trình sắp xếp cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước vẫn diễn ra chậm và mấu chốt là quản lý chưa tốt. Qua đó, cần có giải pháp để thúc đẩy hoạt động cổ phần hóa nhanh hơn, kịp thời hơn, nhưng phải đi đôi với quản lý tốt để làm sao đưa doanh nghiệp Nhà nước thực sự là động lực của sự phát triển.

Đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Đoàn Hà Nội): Các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội đều khả quan

Đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Đoàn Hà Nội). Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN
Thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đạt được những kết quả khả quan. Điều đáng mừng là trong các khu vực tăng trưởng đều có những cải thiện đáng kể, kể cả trong những lĩnh vực trước đó chúng ta quan ngại về tốc độ tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy hải sản, công nghiệp – xây dựng…

Các khu vực này đều có tốc độ tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ và đây là điều rất đáng mừng và khích lệ.

Liên quan đến chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đến thời điểm này lãi suất và tỷ giá của hệ thống ngân hàng thời gian vẫn đảm bảo ổn định.

Đặc biệt, các ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất cho vay theo diễn biến của hoạt động tín dụng; đồng thời lượng tiền "hút" vào các ngân hàng thương mại rất nhiều. Như vậy cho thấy nguồn lực trong dân còn rất lớn.

Bên cạnh đó, lãi suất đầu ra của các ngân hàng cũng được kiểm soát tốt với lãi suất được giảm từ 0,5 - 1% cho người dân và doanh nghiệp.

Với những kết quả đạt được về tốc độ phát triển kinh tế thời gian qua cùng những giải pháp điều hành của Chính phủ, chúng ta có niềm tin vào việc kiểm soát được lạm phát bình quân ở mức 4% như chỉ tiêu, kế hoạch mà Chính phủ đã trình Quốc hội.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục