Bí thư tỉnh Ninh Bình: Chúng tôi lựa chọn đồng hành cùng doanh nghiệp

14:39' - 04/09/2016
BNEWS Đồng hành cùng doanh nghiệp là cách mà Ninh Bình đã chọn để thu hút các nguồn lực phát triển tại địa phương trong thời gian vừa qua.
Bà Nguyễn Thị Thanh, Bí thư Tỉnh Ủy Ninh Bình. Ảnh: TTXVN

Thời gian gần đây, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tại tỉnh Ninh Bình tiếp tục gia tăng với tổng vốn đăng ký tính đến thời điểm cuối quý II/2016 đạt trên 2.100 tỷ đồng. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Các địa phương trong cả nước đang tích cực triển khai Nghị quyết 19/NQ-CP và 35/NQ-CP của Chính phủ về giải pháp cải thiện môi trường cạnh tranh để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Xin bà cho biết việc triển khai các Nghị quyết này tại Ninh Bình như thế nào?
Bí thư Nguyễn Thị Thanh: Đây là 2 Nghị quyết rất quan trọng về cụ thể hóa thể chế kinh tế trong điều hiện đất nước đang hội nhập. Đặc biệt, với điều kiện kinh tế năm 2016 thì thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp là một trong những yếu tố rất cơ bản hiện nay, rất đúng và rất trúng với tình hình.
Nhận thức được điều này, khi bắt tay vào triển khai, Ninh Bình đã sớm có Nghị quyết của Ban thường vụ Tỉnh ủy, lựa chọn những vấn đề liên quan đến nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh; trong đó, cải cách hành chính là một trong những nội dung được chú trọng.

Chúng tôi có xếp loại từng chính quyền của các huyện cũng như các sở, ngành về cải cách thủ tục hành chính. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành 1 cơ chế kiểm soát việc thực hiện các tiến độ cải cách thủ tục hành chính của các sở, ngành với đánh giá xếp loại cụ thể.

Thông qua đó, tỉnh sẽ nhắc nhở, quy định trách nhiệm cho Thủ trưởng các cơ quan đơn vị để chậm trễ hoặc gây ảnh hưởng đến tốc độ, tiến độ của các dự án khi tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp.

Ninh Bình khẩn trương tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực. Ảnh: TTXVN

Tỉnh cũng thiết lập đường dây nóng để các doanh nghiệp phản ánh những tình hình liên quan đến việc giải quyết các thủ tục hành chính cũng như đề xuất của doanh nghiệp đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Đối với UBND tỉnh đã giao cho sở kế hoạch đầu tư, Tỉnh ủy đã giao cho Ban Nội chính tỉnh để quản lý và tiếp nhận các thông tin trên.
Phóng viên: Cùng với các giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh, tỉnh Ninh Bình đã hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện Nghị quyết 35 như thế nào, nhất là tạo sức hấp dẫn để thu hút các nguồn lực đầu tư vào địa phương, thưa bà?

Bí thư Nguyễn Thị Thanh: Đối với hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo Nghị Quyết 35, chúng tôi đã triển khai 10 nguyên tắc; trong đó có những vấn đề nổi bật như thực hiện chủ trương xây dựng nhà nước kiến tạo và phục vụ doanh nghiệp.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có văn bản chỉ đạo chấn chỉnh thái độ, tác phong làm việc của cán bộ, công chức; nêu gương người đứng đầu các cơ quan đơn vị trong việc giải quyết những đề xuất của dân, của doanh nghiệp. Đồng hành cùng doanh nghiệp là cách làm được Ninh Bình chọn lựa.
Thực hiện chủ trương nhà nước kiến tạo, phục vụ minh bạch công khai, Ninh Bình đã đối chiếu với những tiêu chí trong 10 tiêu chí xếp loại chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh để có giải pháp cụ thể. Ví dụ như chỉ số về cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp hoặc chỉ số liên quan đến chi phí không chính thức chẳng hạn.

UBND tỉnh Ninh Bình tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ và thu hút doanh nghiệp đến với địa phương. Ảnh: báo Ninh Bình

Ngoài ra, Ninh Bình còn thực hiện những giải pháp liên quan đến cải cách thủ tục hành chính như Chính phủ điện tử; đặc biệt là với ngành thuế để các doanh nghiệp thuận tiện trong việc kê khai và nộp. Hiện Ninh Bình đang thực hiện rất tốt việc này và thông qua đó cũng thể hiện rõ sự chuyển biến.

Về phía chính sách của địa phương cũng đã có chính sách báo cáo kịp thời tới Hội đồng nhân dân những liên quan đến vấn đề giá đất, miễn giảm trừ thuế theo quy định của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế. Những quy định đó giúp tạo điều kiện hình thành hành lang pháp lý và thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.

Phóng viên: Theo bà, việc thu hút các nguồn lực đầu tư vào Ninh Bình có những khó khăn, thuận lợi gì ? Điều này sẽ được cải thiện ra sao khi tỉnh đã có nhiều giải pháp đột phá, nhất là khi chọn đồng hành cùng doanh nghiệp ?

Bí thư Nguyễn Thị Thanh: Về vấn đề thu hút đầu tư, trong những năm gần đây Ninh Bình chưa phải là địa phương có nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI vào địa bàn. Có những lý do dẫn đến tình trạng trên và trước hết phải kể đến việc không thuận lợi của điều kiện địa lý, giao thông nhất là giao thông đường thủy.
Bên cạnh đó cũng còn có những khó khăn do chủ quan đem lại. Đó là những vấn đề liên quan đến chính sách đất đai, quy hoạch đất đai... khiến những năm qua Ninh Bình chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược trên địa bàn tỉnh.

Bắt được bệnh, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Nghị quyết chuyên đề về vấn đề xây dựng cơ chế và giải quyết những vấn đề khó khăn với nhiều giải pháp để thực hiện thu hút đầu tư vào các khu - cụm công nghiệp của tỉnh.

Đến nay, những tín hiệu khả quan đã xuất hiện. Trong 6 tháng đầu năm đã có nhiều nhà đầu tư chiến lược nghiên cứu và bắt đầu xây dựng dự án; đề xuất tỉnh chấp thuận nhiều dự án.
Cùng đó, Ban Thường vụ tỉnh ủy đã có Nghị quyết chuyên đề ban hành các chính sách về đất đai, yêu cầu rà soát lại thực trạng tình hình quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất để khi các doanh nghiệp vào lựa chọn những khu đất phù hợp đầu tư thì không vướng mắc bởi những vấn đề liên quan đến quy hoạch, kế hoạch. Điều này nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai những bước tiếp theo của dự án.
Chúng tôi lựa chọn đồng hành cũng doanh nghiệp để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư khi đến với tỉnh. Cả hệ thống chính trị Ninh Bình đều sẽ vào cuộc để tạo điều kiện thuận cho doanh nghiệp khi đầu tư vào tỉnh.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục