Biến đổi khí hậu: Cần sớm ban hành Luật Sử dụng tài nguyên nước

07:41' - 19/04/2016
BNEWS Để ứng phó với biến đổi khí hậu, vấn đề bảo vệ nguồn tài nguyên nước, điều tiết hợp lý công tác thủy lợi và chuyển đổi canh tác được xem là những giải pháp quan trọng nhất.
Hạn hán và xâm nhập mặn đang hoành hành tại nhiều địa phương Việt Nam. Ảnh: TTXVN

GS. TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam đã chia sẻ với phóng viên BNEWS những kinh nghiệm của bản thân ông trong công tác trị thủy nhiều năm qua.

BNEWS: Hạn hán và xâm nhập mặn đang hoành hành tại nhiều địa phương của Việt Nam. Theo ông, nguyên nhân nào khiến cho tình trạng này ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn?

GS.TS Vũ Trọng Hồng: Tôi cho rằng có mấy tác động. Thứ nhất là tác động của thiên nhiên, mà cụ thể là hiện tượng El Nino.  Năm nay, hiện tượng này khá đặc biệt, kéo dài suốt thời gian qua.

Kinh nghiệp thế giới cho thấy, lũ lụt và hạn hán là hai thiên tai nguy hiểm nhất, đặc biệt là hạn hán kéo dài dai dẳng và dẫn đến kiệt quệ các nguồn nước.

Tác nhân thứ hai là chúng ta bị mặn xâm lấn. Theo kịch bản biến đổi khí hậu, mặn ngày càng dâng cao do hạn hán gây ra tình trạng thiếu nước, không có nước đẩy mặn, dẫn tới mặn xâm lấn ngày càng sâu và nhiều hơn vào đất liền.

Một điểm nữa đó là các công trình thủy lợi của chúng ta hiện nay cũng chưa đáp ứng được việc chống mặn, chưa đủ khả năng điều tiết nước cho cả một vùng rộng lớn như vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

GS.TS Vũ Trọng Hồng: Cần sớm ban hành Luật sử dụng tài nguyên nước. Ảnh: nhandan.com

BNEWS: Nhiều chuyên gia nghiên cứu môi trường cho rằng, hiện tượng xâm nhập mặn vùng châu thổ cửa sông, xói lở bờ biển và hạn hán được cho là có liên quan tới vấn đề quy hoạch thủy lợi và điều tiết nước trên các dòng sông chưa hợp lý. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

GS.TS Vũ Trọng Hồng: Trước giai đoạn 1995, Quy hoạch thủy lợi Việt Nam đã được thực hiện rất tốt. Tuy nhiên sau giai đoạn này, do những yêu cầu kinh tế vùng, những quy hoạch đó đã không còn đáp ứng đủ nhu cầu tăng trưởng nông nghiệp, đặc biệt là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên đã dẫn đến hiện tượng không đủ nước để điều tiết nông nghiệp như vừa qua.

Gần đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn có nói rằng, chúng ta cần bổ sung đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng cho hệ thống thủy lợi.

Điều này cho thấy, Bộ trưởng đã nhìn trước rằng việc hoàn chỉnh quy hoạch hệ thống thủy lợi đáp ứng nhu cầu sản xuất của chúng ta hơi chậm một bước.

BNEWS: Rõ ràng hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn cho thấy tài nguyên nước đang ở trong tình trạng đáng báo động. Theo ông, liệu chúng ta đã sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên này hay chưa?

GS.TS Vũ Trọng Hồng: Năm 1992 – 1993, một nghiên cứu khoa học đánh giá Việt Nam có khoảng 800 tỷ m3 nước hàng năm, nhưng trên 500 tỷ m3 đó chủ yếu bắt nguồn từ nước ngoài, chủ yếu là từ sông Mê Kông và Trung Quốc, chỉ có trên 300 tỷ m3 nước là từ các nguồn nước nội địa. 

300 tỷ m3 nước đó, các hồ chứa thủy lợi Việt Nam nhiều nhất chỉ chứa được hơn 10 tỷ m3 nước. Với tập quán canh tác nông nghiệp, người dân chủ yếu dùng trực tiếp nước trên sông, sử dụng máy bơm cao áp để lấy nước.

Do số lượng hồ thủy lợi ít, chỉ đáp ứng được 1,5 triệu m3 nước cho khoảng 4 triệu ha đất nông nghiệp, do vậy việc canh tác nông nghiệp thường phụ thuộc rất nhiều vào lượng mưa và thời tiết.

Canh tác nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào lượng mưa và thời tiết. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

Chính vì vậy, quản lý tài nguyên nước là một vấn để rất quan trọng. Lâu nay chúng ta không kiểm định lại con số tổng lượng nước mà chúng ta có hàng năm, nhưng theo tôi, con số này không thay đổi nhiều lắm, chủ yếu biến thiên về mùa khô và mùa mưa.

Làm thế nào để chúng ta có thể sử dụng được hiệu quả 800 tỷ m3 nước đó và không để thất thoát. Đó mới là điều quan trọng. Chúng ta chưa có được chiến lược sử dụng tài nguyên nước.

Hiện tại, Luật Tài nguyên nước mới chỉ dừng lại ở việc kiểm kê, đánh giá nguồn nước, còn Luật Sử dụng nước thì chưa được ban hành.

Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Thủy lợi nghiên cứu Luật Sử dụng tài nguyên nước, nhưng chưa thực hiện được do vướng những luật khác ràng buộc như các quy định về thủy điện hay tài nguyên môi trường. 

Cho nên, tôi cho rằng cái chưa được hợp lý đó là về mặt chính sách, chúng ta cần phải xây dựng được luật để điều chỉnh và cách sử dụng nước một cách khoa học, không để tình trạng lượng nước xả ra vào mùa mưa rất nhiều nhưng gần như trôi đi mất.

Người dân tỉnh Bình Thuận nhận cấp phát nước ngọt về sử dụng trong những ngày nắng hạn. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS

BNEWS: Cần có những thay đổi như thế nào để người dân có thể thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn ra, thưa ông?

GS.TS Vũ Trọng Hồng: Muốn cho chúng ta thích nghi được với biến đổi khí hậu cùng phát triển kinh tế, cần phải tập trung chú ý vào bài toán quy hoạch. Tiếp tục nghiên cứu và bổ sung vấn đề quy hoạch trở lại và để làm được điều đó, chúng ta cần nghiên cứu tái cấu trúc nông nghiệp.

Tuy nhiên, đây chưa phải là toàn diện mà chúng ta cần tái cấu trúc các ngành kinh tế có dùng nước như thủy điện hay những ngành đô thị. Không thể để tiếp diễn tình trạng thải nước bẩn mà không quan tâm đến vấn đề xử lý nước thải, hay sử dụng nước tràn lan, không tiết kiệm…

Tôi cho rằng, tái cấu trúc ở đây nghĩa là toàn bộ nền kinh tế quốc dân phải xem xét nước là một tài nguyên chiến lược. Ban hành Luật về sử dụng nước, trên cơ sở đó phân bổ các ngành được dùng bao nhiêu m3/năm. Theo tôi đây là điều căn cơ nhất.

Về công việc cụ thể trước mắt đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tất cả các đường mặn xâm nhập cần phải được chặn lại. Thứ hai, các công trình lấy nước tại vùng hạ du không đủ điều kiện thì phải được chuyển công trình lên mạn thượng lưu để khai thác. Hơn nữa, chúng ta cần xem lại hệ thống thủy lợi có còn đáp ứng được không, nếu không thì bổ sung.

Đối với người dân, hiện nay đang thực hiện theo hình thức phát huy kinh tế hộ, nhưng trong chống hạn và xâm nhập mặn, việc này sẽ hơi “vướng”, do ai muốn lấy nước thì lấy, ai muốn kéo nước mặn vào thì kéo, như vậy là rất nguy hiểm.

Theo tôi, chúng ta cần một vị chỉ huy chung, thống nhất kế hoạch là chỉ được phát triển cái nào và cái nào nên hạn chế.

BNEWS: Xin cám ơn ông !

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục