Biến đổi khí hậu ở ĐBSCL (Bài 1): Ứng phó bằng các giải pháp chính sách

13:24' - 25/05/2017
BNEWS Theo chuyên gia Tạ Văn Vĩnh, để tăng cường quản lý nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL, cần xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả hơn hệ thống pháp luật về biến đổi khí hậu.
Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra khắc nghiệt ở đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí đặc biệt quan trọng đối với bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của cả nước. Nhưng theo kịch bản về biến đổi khí hậu và nước biển dâng của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu nước biển dâng lên 1m thì khoảng 39% diện tích (gần 1,6 triệu ha) nơi đây bị ngập, khoảng 35% dân số (gần 6,3 triệu dân) sẽ bị tác động trực tiếp.
* Vẫn còn tồn tại, bất cập
Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động quản lý nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung, Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng có ý nghĩa sống còn đối với an ninh lương thực, phát triển bền vững, trong những năm qua hệ thống chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu đã được xây dựng, hoàn thiện, tổ chức thực hiện. Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đã được ban hành, tạo điều kiện cho việc định hướng các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu trên cả nước nói chung và tại Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.
Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường và biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang được xây dựng, kiện toàn. Việc xác định trách nhiệm gắn liền với việc đẩy mạnh phân cấp thực hiện tốt hơn, phù hợp với xu thế quản lý trong tình hình mới. Số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý về biến đổi khí hậu nơi đây được bố trí, sắp xếp khoa học, giảm dần tình trạng thừa, thiếu cục bộ.
Hoạt động ứng dụng các thành tựu, tiến bộ của khoa học công nghệ vào hoạt động quản lý về ứng phó với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng được chú trọng hơn, chính quyền khuyến khích việc ứng dụng các thành tựu khoa học để sản xuất các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, tiêu ít năng lượng, nguyên liệu nhưng cho giá trị cao. Hoạt động hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu cũng đạt được nhiều điểm sáng tích cực. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật về biến đổi khí hậu được tổ chức thường xuyên, liên tục bảo đảm pháp luật được thực thi.
Tuy vậy, bên cạnh những thành tựu nêu trên, hoạt động quản lý nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long còn một số hạn chế, bất cập. Việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật, chiến lược về ứng phó có lúc, có nơi còn chưa tốt. Tổ chức bộ máy chưa hoạt động hiệu quả, bộ máy cồng kềnh, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, khi truy trách nhiệm lại rất khó khăn, không tìm được địa chỉ cụ thể là ai và đơn vị nào phải chịu trách nhiệm khi quản lý kém hiệu quả. Số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách chưa đáp ứng được yêu cầu, còn tình trạng kiêm nhiệm, hiệu quả thực thi công vụ chưa cao.
Việc ứng dụng những thành khoa học công nghệ vào hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu còn khó khăn do nguồn kinh phí hạn hẹp, cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của các nhà khoa học, tổ chức khoa học công nghệ, doanh nghiệp và người dân còn chưa rõ nét, nên hiệu quả thu hút được nguồn lực chưa như mong muốn.

Hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tài nguyên nước trên sông Mê Kông và vấn đề lợi ích trong các mối quan hệ quốc tế có sự đan xen rất phức tạp, nhạy cảm. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật về ứng phó chưa được quan tâm đúng mức, vi phạm pháp luật về biến đổi khí hậu còn diễn ra trên thực tế. Nguồn lực tài chính đầu tư cho ứng phó hạn hẹp so với yêu cầu.
Nguyên nhân là do nhận thức của các cấp, ngành, địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long về tầm quan trọng của việc ứng phó với biến đổi khí hậu còn hạn chế. Hệ thống chính sách pháp luật về biến đổi khí hậu còn thiếu động bộ, chưa khả thi, còn có sự chồng chéo. Tổ chức bộ máy quản lý chưa khoa học, sự phối kết hợp trong hoạt động thực thi nhiệm vụ còn chưa như mong muốn. Nguồn lực đầu tư cho ứng phó hạn hẹp, việc xã hội hóa trong hoạt động ứng phó còn chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn.
* Xây dựng hệ thống pháp luật phù hợp
Theo ông Tạ Văn Vĩnh, Học viện Hành chính Quốc gia, để tăng cường quản lý nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long, trước hết phải xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện một cách hiệu quả hơn hệ thống pháp luật về biến đổi khí hậu.

Theo đó, việc xây dựng pháp luật về lĩnh vực này cần phù hợp với thực tiễn của đất nước, đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới, sớm ban hành Luật Biến đổi khí hậu có tính khả thi cao, tạo căn cứ pháp lý, hành lang pháp lý để quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu ở nước ta nói chung và tại Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng được thực hiện tốt hơn.
Bên cạnh đó, các nghị định và văn bản dưới luật cũng phải được xây dựng phù hợp với những quy định trong luật, tránh tình trạng luật và văn bản dưới luật chồng chéo, mâu thuẫn nhau, gây khó khăn trong việc tổ chức thực hiện. Ngoài ra, Luật Quy hoạch cũng cần được ban hành để điều chỉnh các hoạt động quy hoạch trên phạm vi toàn quốc.

Thực tế cho thấy, hoạt động quy hoạch ở nước ta và Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều hạn chế, bất cập, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu. Chính vì thế, Luật Quy hoạch xây dựng theo hướng tích hợp các loại quy hoạch để tận dụng tối đa các nguồn lực, giảm thiểu sự lãng phí, rủi ro trong quá trình quy hoạch. Trong đó, việc quy hoạch các loại tài nguyên như đất, nước… quy hoạch hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cần được tính toán kỹ lưỡng nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 5/12/2011 phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Theo đó, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh là xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Chiến lược tại địa phương; tổ chức thực hiện các hoạt động liên quan được phê duyệt trong Chiến lược; chủ động huy động nguồn lực và lồng ghép các hoạt động liên quan của các chương trình khác trên địa bàn để đạt được các mục tiêu của Chiến lược; định kỳ báo cáo về tiến độ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược trên địa bàn tỉnh, thành phố theo quy định.
Mặt khác xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng nâng cao tính hiệu quả của tổ chức bộ máy, phù hợp với chủ trương tinh giản bộ máy trong giai đoạn hiện nay. Tinh giản cần gắn với việc tổ chức, sắp xếp lại tổ chức bộ máy cho khoa học, phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn để có thể truy trách nhiệm cụ thể nếu để xảy ra sai phạm, tránh trùng lắp, chồng chéo trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Trong giai đoạn hiện nay, cần thiết phải thành lập Ủy ban Đồng bằng Quốc gia. Cơ quan này sẽ thuộc Chính phủ hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực hiện chuyên trách về các vấn đề liên quan đến đồng bằng ở Việt Nam. Việc thành lập Uỷ ban Đồng bằng Quốc gia cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, có sự tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là kinh nghiệm của Vương quốc Hà Lan để vừa đạt được hiệu quả như mục tiêu đặt ra, bên cạnh đó không mâu thuẫn với chủ trương tinh giản bộ máy như hiện nay.
UBND các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo phân cấp cần thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu, chú trọng hơn đến tính liên ngành, liên vùng, kết nối giữa các địa phương trong khu vực đồng bằng để tránh tình trạng các chính sách được thực hiện tại các địa phương trong khu vực đồng bằng có sự mâu thuẫn nhau. Xây dựng, kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực thực thi công vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách.
Có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện triệt để việc không thực hiện việc cấp phép đầu tư cho các dự án không có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), thậm chí trong quá trình hoạt động nếu gây ô nhiễm sẽ bị rút giấy phép hoạt động. Đẩy mạnh phát triển bền vững, quy hoạch đô thị, khu dân cư, khuyến khích tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Thực tế cho thấy ứng phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi sự vào cuộc của các quốc gia trên thế giới. Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp) đã thông qua thỏa thuận lịch sử (Thỏa thuận Paris). Đây là kết quả của 20 năm thương lượng về ứng phó với biến đổi khí hậu, là một hình mẫu điển hình cho luận điểm ứng phó với biến đổi khí hậu cần có sự chung tay của toàn cầu.
Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, cần tích cực, chủ động tham gia các chương trình hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Hạn chế tối đa ảnh hưởng việc khai thác tài nguyên quá mức từ thượng nguồn sông Mê Kông làm thay đổi quy luật dòng chảy, gây tác động xấu và ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Việc hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu cần thiết thực, hiệu quả, tránh dàn trải, ưu tiên thực hiện các chương trình, dự án cấp thiết.
Chính phủ Hà Lan đã giúp Việt Nam xây dựng bản “Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long hướng đến phát triển một tầm nhìn chiến lược dài hạn cho một khu vực đồng bằng an toàn, bền vững và trù phú”, bao gồm các đề xuất chính sách và các giải pháp thực hiện. Theo đó, Kế hoạch này là một tài liệu tham khảo cho Chính phủ Việt Nam để rà soát và có những điều chỉnh cần thiết các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch không gian và các quy hoạch ngành cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như hướng dẫn cho việc ra quyết định, luật pháp và đầu tư cho khu vực này trong tương lai.
Đồng thời huy động, bảo đảm đầu tư tài chính cho hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đi liền với đó là việc quản lý chặt chẽ, phân bổ hợp lý nguồn tài chính, tránh dàn trải, thất thoát, lãng phí tài chính và các nguồn lực khác cho hoạt động ứng phó. Ưu tiên bố trí đầu tư tài chính để triển khai thực hiện những chương trình, dự án cấp thiết (chống sạt lở bờ biển, bờ sông; chống xâm nhập mặn; nâng cao năng lực cảnh báo thiên tai…).

Nhất là phát huy vai trò giám sát của người dân đối với việc huy động, bảo đảm các nguồn tài chính cho hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu. Hoạt động này cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, có hiệu quả để bảo đảm việc thực thi pháp luật về ứng phó một cách nghiêm minh, mang lại hiệu quả rõ rệt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục