Biến đổi khí hậu ở ĐBSCL (Bài 2): Làm gì để giảm thiểu thiệt hại do hạn mặn?

13:55' - 25/05/2017
BNEWS Trong 3 năm tới nếu tốc độ hạn hán, xâm nhập mặn vẫn tiếp diễn như hiện nay, nền nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ bị kiệt quệ; đất nông nghiệp, lương thực sẽ trở nên khan hiếm.
Nhiều nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long vật lộn giữa mùa hạn mặn. Ảnh: TTXVN

Hạn hán, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang là thiên tai nghiêm trọng. Trong 3 năm tới nếu tốc độ hạn hán, xâm nhập mặn vẫn tiếp diễn như hiện nay, nền nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ bị kiệt quệ; đất nông nghiệp, lương thực sẽ trở nên khan hiếm.

Để có giải pháp ứng phó hiệu quả, cần huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đồng thời tăng cường nguồn lực của toàn xã hội nhằm triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do hạn hạn và xâm nhập mặn gây ra, bảo đảm cho sản xuất và ổn định đời sống của nhân dân.
* Diễn biến khó lường
Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long và TP. Cần Thơ. Đây là vùng có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, có diện tích tự nhiên chiếm 12%, dân số chiếm 20%, GDP chiếm 17%, diện tích trồng lúa chiếm 47%, sản lượng gạo chiếm 56%, xuất khẩu thủy sản chiếm 60% của cả nước và còn có lợi thế về đánh bắt thủy sản, phát triển vườn cây ăn trái đem lại giá trị sản xuất và xuất khẩu cao.
Tuy vậy, Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề và tiếp tục đe dọa lớn đến sản xuất và đời sống của người dân trong vùng. Từ năm 2014 đến nay, do tác động của hiện tượng El Nino nên mùa khô nơi đây kéo dài, mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm.

Đầu năm 2015 dòng chảy thượng nguồn sông Mê Công bị thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua và không còn khả năng đẩy mặn, dẫn đến tình trạng mặn trên sông đã xuất hiện sớm hơn gần hai tháng so với cùng kỳ và xâm nhập mặn sâu về phía thượng lưu, nơi xa nhất hơn 90 km.
Theo số liệu quan trắc của Cục Quản lý tài nguyên nước những tháng đầu năm 2016 cho thấy, độ mặn lớn nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long đều cao hơn so với trung bình nhiều năm và vượt quá độ mặn lớn nhất cùng kỳ đã từng quan trắc được trong lịch sử. Bởi ranh giới độ mặn 4g/l đã lấn sâu tới 90 – 95 km trên sông Vàm Cỏ, 45 – 65km trên sông Tiền, 55 – 60km trên sông Hậu và 60 – 65km ở khu vực ven biển Tây (sông Cái Lớn).

Phạm vi xâm nhập mặn nêu trên vượt so mức trung bình nhiều năm từ ít nhất 5 – 10km đối với khu vực ven biển Tây; 10 – 15km ở khu vực sông Vàm Cỏ và sông Hậu đến lớn nhất 20 – 25km đối với sông Tiền. Kết quả quan trắc cũng cho thấy độ mặn lớn nhất cũng cao hơn so với mức lớn nhất cùng kỳ trong lịch sử.
Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nêu trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các tỉnh ven biển Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau có nhiều diện tích cây trồng bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn.

Tổng diện tích thiệt hại là 126.798ha; trong đó, 78.137ha thiệt hại trên 70% năng suất (chiếm 62%), 45.740ha thiệt hại từ 30 - 70% năng suất (chiếm 36%), 2.921 ha thiệt hại dưới 30% năng suất (chiếm 2%). Các tỉnh bị thiệt hại nhiều là Cà Mau 49.343 ha, Kiên Giang 34.093 ha, Bạc Liêu 11.456 ha và Bến Tre 10.755 ha. Ước tính toàn vùng có khoảng 500.000 ha lúa vụ hè-thu không xuống giống đúng thời vụ do thiếu nước.
Hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô 2015-2016 cũng đã ảnh hưởng lớn đến việc cấp nước sinh hoạt tại một số khu vực sử dụng nước mặt, nhất là các vùng chưa có công trình cấp nước, tập trung ở các khu vực cửa sông, ven biển, như: Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu. Khoảng 250.000 hộ gia đình (khoảng 1,3 triệu người) bị thiếu nước ngọt sinh hoạt. Do nguồn nước cạn kiệt, rừng ở nhiều khu vực cũng thường nằm trong mức độ cảnh báo cháy cao (cấp 4, cấp 5), đặc biệt là hai cánh rừng lớn U Minh Thượng và U Minh Hạ.
Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng của Bộ Tài nguyên và Môi trường, với kịch bản trung bình, trong tương lai xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long còn lấn sâu hơn nhiều so với mùa cạn vừa rồi. Khả năng tới 67 – 70km trên sông Cửu Long, 125km trên sông Vàm Cỏ Tây đối với giai đoạn 2020 - 2039 và 70 – 75km trên sông Cửu Long, 129km trên sông Vàm Cỏ Tây vào giai đoạn 2040 - 2059.
Biến đổi khí hậu gây nên thời tiết bất thường, không theo quy luật và rất khó dự báo một cách chính xác. Chẳng hạn như 3 tháng đầu năm 2017, mặc dù đang là cao điểm mùa khô, nhưng phần lớn các nơi trên toàn khu vực Nam Bộ đều có mưa trái mùa. Tổng lượng mưa trong 3 tháng đầu năm hầu hết vượt trung bình nhiều năm.

Hơn một nửa số trạm khí tượng thủy văn ở khu vực này đo được lượng mưa trên 50mm, cao gấp nhiều lần so với trung bình nhiều năm. Một số trạm tổng lượng mưa đo được trong 3 tháng vượt rất cao như: Rạch Giá (Kiên Giang) 253mm; Sở Sao (Bình Dương) 144mm; Vĩnh Long 127mm; Biên Hòa 125mm...Dự báo mưa chuyển mùa có khả năng xuất hiện trong tháng 4 đến đầu tháng 5, với vài ba đợt kéo dài trên diện rộng. Khả năng Nam Bộ có thể đón mùa mưa vào khoảng thời gian từ ngày 5-15/5, nhưng các tỉnh ven biển như Kiên Giang, Cà Mau… có khả năng mùa mưa đến sớm hơn.
* Những giải pháp cấp bách
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển cho rằng, để giảm thiểu hậu quả của hạn, mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, giải pháp trước mắt là cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc, khẩn trương các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là kết luận của Tổng Bí thư, của Chính phủ tại các buổi làm việc với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long về công tác phòng, chống xâm nhập mặn trong năm 2016 vừa qua.

Theo đó, c ần tuyên truyền rộng rãi, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, nhất là trong tưới tiêu, chống lãng phí nguồn nước. Tăng cường giám sát, dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn để thông tin kịp thời cho các cơ quan, địa phương và nhân dân biết, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã chủ động đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thông qua các kênh ngoại giao đề nghị Trung Quốc, Lào xả nước nhằm giảm thiểu tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của hiện tượng El Nino, khí tượng, thủy văn và nhận định, dự báo sớm về dòng chảy, xâm nhập mặn, cung cấp thông tin kịp thời để các địa phương chủ động chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống.
Các cơ quan chức năng của Bộ đã theo dõi chặt chẽ tình hình xả nước của các hồ chứa thủy điện trên dòng chính sông Mê Công, các hồ chứa trên các dòng nhánh để có giải pháp xử lý kịp thời bổ sung nguồn nước đẩy mặn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thiếu nước ngọt. Lập tổ công tác để hỗ trợ các địa phương tìm kiếm, khai thác nguồn nước dưới đất để kịp thời cấp nước sinh hoạt cho nhân dân các vùng bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng; hỗ trợ kinh phí cho 8 địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất về hạn, mặn để góp phần cứu trợ các vùng bị thiếu nước sinh hoạt.
Về lâu dài, việc giải quyết vấn đề về tài nguyên nước, bảo đảm khai thác, sử dụng bền vững đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường. Đặc biệt là khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ mang tính nội bộ trong nước mà trên phạm vi toàn lưu vực, bao gồm cả 6 quốc gia có chung dòng sông Mê Công. Mặt khác tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo, nhất là dự báo hạn 10 ngày, theo tháng, theo mùa.
Các tỉnh, thành phố thuộc Đồng bằng sông Cửu Long chủ động rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, các quy hoạch ngành, lĩnh vực. Nhất là quy hoạch thủy lợi, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên cơ sở khả năng thực tế của nguồn nước và những dự báo về biến động nguồn nước, xâm nhập mặn do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng theo các kịch bản đã được công bố; kinh nghiệm, khuyến cáo của phía Hà Lan trong Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long, lấy thích ứng làm trọng tâm.
Tập trung xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu và tác động do các hoạt động khai thác sử dụng nước của các quốc gia ở thượng nguồn sông Mê Công. Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất, nhất là các tầng chứa nước nằm sâu để phục vụ cấp nước sinh hoạt ở các vùng thường xuyên bị xâm nhập mặn. Xây dựng các công trình khai thác nước ngầm để kết hợp dự phòng sẵn sàng ứng phó với xâm nhập mặn khi cần thiết.
Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại Đồng bằng sông Cửu Long cần phải được đặt trong mối quan hệ tổng thể chung toàn vùng và bảo đảm tính thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng; có sự phân kỳ, xác định mức độ ưu tiên dựa trên nhu cầu thực tiễn, nguồn lực trong từng giai đoạn để lựa chọn phương án phù hợp nhất cho địa bàn. Tăng cường chia sẻ thông tin, dữ liệu toàn vùng; xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp dùng chung cho cả vùng về khí tượng thủy văn, tài nguyên nước, đất đai và cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa trung ương, địa phương và các ngành.
Bên cạnh việc tích cực, chủ động hợp tác trong khuôn khổ Ủy hội sông Mê Công quốc tế để giải quyết hài hòa các vấn đề về các công trình thủy điện trên dòng chính. Trong thời gian tới cần huy động nguồn lực của quốc gia cho việc tập trung đàm phán, thuyết phục, đấu tranh để các quốc gia có các hồ chứa thủy điện lớn, kể cả ở dòng chính và dòng nhánh, cùng hợp tác trong việc vận hành phát điện, xả nước xuống hạ du, bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông ở mức phù hợp, ít nhất cũng bằng mức trung bình như Việt Nam đã và đang làm khi vận hành các hồ trên lưu vực sông Sê San, Srêpok để bảo đảm nguồn nước cho Campuchia./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục