Bình Định giảm áp lực phát triển hệ thống giao thông liên hoàn

17:42' - 18/07/2018
BNEWS Để giảm bớt áp lực, đáp ứng nhu cầu phát triển hệ thống giao thông, Bình Định đang triển khai xây dựng 3 tuyến đường trọng điểm.
Thi công tuyến dẫn cầu bắc qua song Hà Thanh trên tuyến đường phía Tây tỉnh, nối thành phố Quy Nhơn với Khu đô thị - công nghiệp – thương mại Becamex Bình Định và huyện Vân Canh. Ảnh: Phạm Kha – TTXVN.

Bình Định là một trong những tỉnh có vị trí quan trọng trên hệ thống phát triển giao thông khu vực miền Trung – Tây nguyên.

Ngoài đường huyết mạch quốc lộ 1, Bình Định nối với các tỉnh Tây nguyên, Nam Lào, Đông bắc Campuchia, Thái Lan bằng tuyến đường quốc lộ 19.

Lượng hàng hóa, hành khách lưu thông trên các tuyến đường qua địa bàn tỉnh Bình Định và xuất, nhập vào ra cảng biển Quy Nhơn mỗi năm đều tăng mạnh.

Do đó, áp lực về phát triển đồng bộ hệ thống giao thông liên hoàn của vùng đất duyên hải miền Trung này chưa bao giờ vơi.

Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ về các lĩnh vực vận tải đường bộ, đường biển, đường hàng không và cả đường sắt suốt thời gian qua, hầu hết những tuyến đường bộ trên địa bàn tỉnh Bình Định vừa được đầu tư mở rộng, nâng cấp thì gần như ngay lập tức bị rơi vào tình trạng quá tải.

Để giảm bớt áp lực, đáp ứng nhu cầu phát triển hệ thống giao thông, Bình Định đang triển khai xây dựng 3 tuyến đường trọng điểm.

Đó là tuyến đường quốc lộ 19 mới, đoạn từ cảng Quy Nhơn đến giao quốc lộ 1; tuyến đường phía Tây tỉnh, ở hai đoạn từ km130 – km137+580 và đoạn từ km137+580 – km143+787; tuyến đường trục nối Khu kinh tế Nhơn Hội đến sân bay Phù Cát.

Đây là 3 dự án giao thông quan trọng nhất của tỉnh hiện nay. Hoàn thành xong các tuyến đường này, hệ thống giao thông đường bộ của Bình Định sẽ tương đối đồng bộ.

Đồng thời, giảm được áp lực lưu lượng xe dày đặc trên các tuyến đường, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông cao.

Cầu Hà Thanh 7 được xây dựng mới trên tuyến đường quốc lộ 19 mới nối cảng Quy Nhơn đến quốc lộ 1. Ảnh: Phạm Kha – TTXVN.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng nhận định, các dự án giao thông quan trọng này có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian tới.

Tuyến quốc lộ 19 mới được đầu tư làm mới từ cảng Quy Nhơn đến điểm giao quốc lộ 1 (cầu Bà Di) có tổng mức đầu tư gần 4.411 tỷ đồng, dài hơn 17,4 km theo tiêu chuẩn đường cấp 1 và thiết kế đô thị.

Tuyến đường quan trọng này nối Tây Nguyên đến cảng biển Quy Nhơn - một trong 3 cảng biển quan trọng và có lượng hàng hóa xuất, nhập cảng lớn nhất cả nước.

Trong thời gian qua, việc thi công tuyến đường này có khó khăn về nguồn vốn.

"Tuy nhiên, sau chuyến làm việc tại tỉnh Bình Định, Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương sử dụng nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương đầu tư công, giai đoạn 2016 – 2020 để hỗ trợ tỉnh Bình Định hoàn thành tuyến đường này", Chủ tịch tỉnh chia sẻ.

Trước mắt, Bình Định ứng trước vốn ngân sách, yêu cầu các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo thông tuyến sớm nhất và hoàn thành tuyến đường vào năm 2019.

Cùng đó, trục dọc phía Tây tỉnh Bình Định được dầu tư xây dựng cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, đô thị cho tỉnh.

Đoạn trục phía Tây từ thành phố Quy Nhơn đi huyện Vân Canh đang kết nối Khu đô thị - công nghiệp - dịch vụ Becamex Bình Định (VSIP Bình Định).

Khu đô thị này là dự án quan trọng bậc nhất của tỉnh Bình Định hợp tác với Tập đoàn Becamex Bình Dương thực hiện để thu hút những lĩnh vực kinh tế tri thức, phát triển đô thị.

Đoạn đường này dài 7,67 km (từ km130+00 – km137+580) sẽ rút ngắn cự ly vận chuyển và lưu thông hàng hóa từ khu đô thị VSIP, khu công nghiệp Long Mỹ đến thành phố Quy Nhơn, cảng Quy Nhơn.

Tuyến đường được thiết kế bề rộng mặt đường 19 m, vận tốc thiết kế 80 km/h có tổng kinh phí đầu tư 613,8 tỷ đồng.

Đoạn trục dọc phía Tây tỉnh từ km137+580 – km143+787 với mục địch hoàn thiện trục giao thông kết nối chính, rút ngắn cự ly vận chuyển và lưu thông hàng hóa các khu công nghiệp Nam Phú Tài, Khu công nghiệp Long Mỹ, Khu đô thị - công nghiệp – dịch vụ Becamex Bình Định (VSIP), Khu đô thị Long Vân – Long Mỹ và trung tâm thành phố Quy Nhơn.

Đơn vị thi công đang gấp rút hoàn thành mặt đường tuyến đường phía Tây tỉnh, nối thành phố Quy Nhơn với Khu đô thị - công nghiệp – thương mại Becamex Bình Định và huyện Vân Canh. Ảnh: Phạm Kha – TTXVN.

Đoạn tuyến này có chiều dài 6,027 km, vận tốc thiết kế 60 km/h với tổng mức đầu tư gần 941 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và vốn ngân sách tỉnh.

Tuyến đường quan trọng không kém là tuyến trục dọc từ Khu kinh tế Nhơn Hội đến sân bay Phù Cát, dài 18,5km được thiết kế vận tốc 80 km/h, có tổng vốn đầu tư gần 769,5 tỷ đồng từ vốn ngân sách tỉnh và hỗ trợ từ trung ương.

Đây là tuyến đường được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của Khu kinh tế Nhơn Hội, Khu đô thị du lịch FLC Quy Nhơn và những vùng lân cận.

Việc đầu tư phát triển công nghiệp trong Khu kinh tế Nhơn Hội từ trước tới nay vẫn được cho là thiếu tuyến đường quan trọng nên làm e ngại các nhà đầu tư.

Khi tuyến đường này hoàn thành sẽ tạo động lực mới cho Khu kinh tế rộng lớn này.

Vấn đề hiện nay là các dự án giao thông này chuẩn bị đón mùa mưa lũ miền Trung chỉ trong khoảng hơn 2 tháng tới.

Trong khi đó, vẫn còn một số vướng mắc làm chậm tiến độ thi công và hoàn chỉnh các hạng mục quan trọng.

Trên hai đoạn tuyến thuộc trục dọc phía Tây tỉnh vẫn còn 68 hộ dân bị ảnh hưởng chưa nhận được phương án bồi thường.

Tuyến từ Khu kinh tế Nhơn Hội đến sân bay Phù Cát còn 6 hộ bị ảnh hưởng chưa đồng ý phương án đền bù.

Tỉnh đã yêu cầu thành phố Quy Nhơn, các sở, ngành liên quan gấp rút hoàn chỉnh các phương án bồi thường cũng như cơ sở pháp lý để giải phóng hoàn toàn mặt bằng phục vụ thi công.

Với một số nhà thầu thi công ì ạch, chậm tiến độ, UBND tỉnh Bình Định sẽ tập trung xử lý vì thời gian hiện đang rất gấp, trước khi vào mùa mưa.

Tỉnh sẽ tập trung các nguồn lực để hoàn thành những tuyến đường này vào năm 2019 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và chào mừng đại hội Đảng các cấp – ông Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục