BIS cảnh báo các ngân hàng trung ương về rủi ro trên thị trường tài chính

14:14' - 04/12/2017
BNEWS Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) nhận định các ngân hàng trung ương lớn phải đảm bảo các nỗ lực dần tăng lãi suất của họ đủ hiệu quả để hạ nhiệt một số thị trường tài chính đã bắt đầu “sủi bọt".

Claudio Borio, người đứng đầu bộ phận tiền tệ và kinh tế của BIS, cảnh báo xu hướng "chấp nhận" rủi ro càng kéo dài thì bảng cân đối kế toán càng đối mặt với nhiều nguy hiểm.

BIS cảnh báo các ngân hàng trung ương về rủi ro trên thị trường tài chính. Ảnh: Risk

Lợi suất trái phiếu chuẩn, yếu tố chi phối chi phí đi vay toàn cầu, hiện đứng ở mức thấp ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang thu hẹp bảng cân đối kế toán và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) bắt đầu giảm dần các biện pháp kích thích kinh tế.

Nguyên nhân của hiện tượng này, theo BIS, có lẽ là do triển vọng tăng trưởng toàn cầu đang cải thiện, Nhật Bản đang in thêm tiền và Fed cũng như ECB đều gửi đi thông điệp họ sẽ “bước đi” cẩn trọng.

Lợi suất trái phiếu có một giai đoạn khoảng năm 2005 duy trì ở mức thấp bất chấp việc Mỹ tăng lãi suất.
Kể từ tháng 3/2015, ECB đã chi hơn 2.000 tỷ euro để mua trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp. Kết hợp với mức lãi suất thấp và khoản tín dụng ưu đãi dành cho các ngân hàng, chương trình mua trái phiếu này nhằm bơm tiền vào hệ thống tài chính, khuyến khích chi tiêu và đầu tư, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

ECB mới đây thông báo sẽ thu hẹp quy mô chương trình mua trái phiếu xuống 30 tỷ euro (36 tỷ USD)/tháng kể từ tháng 1/2018, giữa bối cảnh kinh tế Eurozone phục hồi mạnh mẽ hơn.
Trong khi đó, số liệu tăng trưởng kinh tế lạc quan có thể là yếu tố thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lần thứ ba trong năm nay, có thể trong tháng 12 này. Trong một phát biểu mới đây trước Quốc hội Mỹ, Chủ tịch Fed Janet Yellen dự đoán kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục đà tăng trưởng và thị trường việc làm sẽ còn cải thiện hơn nữa, từ đó đẩy tiền lương tăng lên sau một khoảng thời gian tăng trưởng “ì ạch”.
BIS là một tổ chức quốc tế của các ngân hàng trung ương, có vai trò thúc đẩy sự hợp tác giữa các ngân hàng trung ương và các cơ quan khác để ổn định tiền tệ và tài chính.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục