BlaBlaCar: Chuyện một ngày Giáng sinh

17:06' - 21/09/2017
BNEWS Chỉ trong vài năm, BlaBlaCar đã thâu tóm được các đối thủ nhỏ hơn và tiến vào hàng chục thị trường mới.

Lựa chọn “im lặng” hay “tán gẫu” có lẽ là điểm đặc biệt nhất của BlaBlaCar – mô hình đi chung xe trực tuyến đến từ nước Pháp, với “sứ mệnh” kết nối những người muốn di chuyển từ thành phố này sang thành phố khác.

BlaBlaCar – mô hình đi chung xe trực tuyến đến từ nước Pháp. Ảnh: Isepstudyabroad

Tại thời điểm thành lập, hai trong số ba người sáng lập của BlaBlaCar là Nicolas Brusson và Frederic Mazzella đã từng có lúc cảm thấy bế tắc trong việc thuyết phục khách hàng và các nhà đầu tư về ý tưởng này.

Sự phổ biến và thành công của BlaBlaCar hiện nay có thể khiến các nhà đầu tư từng có cái nhìn thiếu tin tưởng vào BlaBlaCar tiếc nuối. Vòng gọi vốn mới nhất nâng giá trị của BlaBlaCar lên hơn 1,2 tỷ bảng Anh (1,5 tỷ USD). Hiện tại, BlaBlaCar có tới 4 triệu người sử dụng dịch vụ mỗi tháng.
Ý tưởng khai sinh ra BlaBlaCar bắt nguồn từ thực tế rất nhiều ô tô di chuyển từ thành phố này qua thành phố khác trong khi vẫn còn ghế trống. BlaBlaCar cho lái xe “gặp” hành khách và các bên chia sẻ chi phí chuyến đi. Đó là ngày 24/12/2003, Mazzella dán mắt vào trang mạng đặt vé tàu hỏa, đinh ninh rằng chắc phải có ít nhất một tấm vé còn sẵn. Mazzella, 27 tuổi, chưa từng bỏ lỡ một dịp Giáng sinh nào với gia đình và quyết tâm không để lỡ Giáng sinh năm 2003.

Song, thực tế không như kỳ vọng và ông buộc phải gọi em gái đến Paris đón về nhà cách thủ đô 500 km. Trên đường cao tốc, ông nhận thấy tàu hỏa thì kín người, trong khi hàng trăm ô tô chạy lướt qua xe của ông thì vẫn còn chỗ trống.

Fred nhớ lại thời kỳ “bùng nổ” của Thung lũng Silicon và kiến thức về khởi nghiệp học tại Stanford và hiểu rằng đây là một cơ hội khổng lồ. Tại mỗi ghế trống, ông đều thấy một khoảng trống trong thị trường và tin rằng mọi người được hưởng lợi từ giải pháp đi lại này.
Năm sau đó, Mazzella thành lập Covoiturage.fr, sau này đổi tên thành BlaBlaCar, song chưa thành công ngay tức thì. Trong giai đoạn 2006-2011, Mazella đã phải thử tới sáu mô hình kinh doanh trước khi tìm được đúng điều cần tìm. Hiện BlaBlaCar "sở hữu" hơn 600 nhân viên và hơn 35 triệu thành viên tại 22 quốc gia.
Bước chuyển lớn của BlaBlaCar là vào năm 2007 khi mạng lưới tàu hỏa tại Pháp bị đóng cửa bởi đình công và hành khách phải kiếm tìm các phương án di chuyển thay thế. BlaBlaCar đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ, nhận thấy đây là một động lực lớn.
Giai đoạn năm 2014-2015 chứng kiến sức tăng trưởng bùng nổ của BlaBlaCar. Tất cả tin tức phát đi về công ty đều nói về các thị trường quốc tế mới, các vòng gọi vốn bổ sung của BlaBlaCar. Chỉ trong vài năm, BlaBlaCar đã thâu tóm được các đối thủ nhỏ hơn và tiến vào hàng chục thị trường mới, mặc dù không phải thị trường nào cũng cần một mô hình như BlaBlaCar.
Tới nay, cứ năm người trưởng thành ở Pháp thì có một người là thành viên của BlaBlaCar. Tham vọng của công ty chưa dừng lại, thể hiện qua tuyên bố của người sáng lập Brusson rằng BlaBlaCar không chờ đợi thành công ở một thị trường trước khi chuyển đến một thị trường khác; rằng hoạt động được tại Pháp, BlaBlaCar có thể tung hoành khắp châu Âu.
BlaBlaCar tiến sang thị trường Tây Ban Nha vào năm 2009. Một năm sau đó, núi lửa Eyjafjallajokull tại Iceland "tỉnh giấc". Sự phun trào dữ dội của nó đã tạo nên một cột tro bụi bốc cao làm tê liệt mạng lưới hàng không châu Âu. Và ông Trời đã trao cho BlaBlaCar cơ hội thứ hai, thổi bùng lên tên tuổi của công ty.
Mặc dù là một công ty Pháp nhưng ngôn ngữ chính của BlaBlaCar là tiếng Anh. BlaBlaCar có trụ sở chính tại Paris và mở thêm một văn phòng tại London, kết nối mạng lưới nhân viên toàn cầu trải khắp châu Âu, từ Bồ Đào Nha tới Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ. Bắt đầu từ năm 2014, đội ngũ nhân viên của BlaBlaCar mở rộng sang Ấn Độ, Brazil và Mexico. Nga và Ấn Độ được đánh giá là hai thị trường đặc biệt, chứng kiến tốc độ tăng trưởng phi thường của BlaBlaCar.
BlaBlaCar được coi là một dịch vụ chia sẻ đúng nghĩa. Lái xe của BlaBlaCar không phải thay đổi bảo hiểm hoặc trả thuế đối với khoản tiền nhận được từ hành khách vì xét về "mặt kỹ thuật" không tạo ra lợi nhuận. Nếu như Uber cung cấp dịch vụ kinh doanh cho khách hàng, thì BlaBlaCar cung cấp dịch vụ chia sẻ giữa khách hàng với khách hàng.
BlaBlaCar hiện là cộng đồng chia sẻ xe chặng dài lớn nhất thế giới. Các hành khách dự định giữ im lặng trong hành trình có thể ra dấu trong hồ sơ bằng từ “bla”, muốn tán gẫu sẽ đổi sang “blablabla”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục