Bồ Bát: Ước mơ phục dựng làng gốm hàng nghìn năm tuổi

11:30' - 05/03/2016
BNEWS Không nổi tiếng như làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), Chu Đậu (Hải Dương)... nhưng làng gốm Bồ Bát, làng Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô (Ninh Bình) những năm gần đây đã được nhiều người biết đến.

Trong xu thế phát triển kinh tế thị trường, người dân làng gốm Bồ Bát đã mạnh dạn đầu tư công nghệ mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất vừa để duy trì, phát triển làng nghề, vừa góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

Sản xuất sản phẩm gốm tại doanh nghiệp tư nhân gốm Bồ Bát, tỉnh Ninh Bình. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo nhiều cụ cao niên trong làng, nghề làm đồ gốm đã xuất hiện tại địa phương này cách đây hơn 3.000 năm. Trong nhiều tài liệu sử sách còn ghi lại, năm 1010, khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, các nghệ nhân tại làng Bồ Bát theo triều đình về xây dựng kinh đô mới, sản xuất các sản phẩm gốm sứ phục vụ triều đình và dân sinh. 

Những nghệ nhân này đã đến định cư tại vùng đất ven sông Hồng, nơi có đất sét tốt để sản xuất gốm sứ và thành lập nên làng nghề Bát Tràng ngày nay. 

Sau khi những nghệ nhân ra đất Thăng Long lập phường làm gốm mới, người dân Bồ Bát không còn giữ được nghề truyền thống, những người ở lại chủ yếu làm nghề nông để sinh sống và lãng quên đi cái nghề từng hưng thịnh một thời và nghề gốm Bồ Bát đã bị thất truyền từ đó. 

Tuy nhiên, những năm gần đây, nhằm bắt kịp xu thế thị trường, nhiều nghệ nhân trẻ tuổi trong làng đã mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật nhằm khôi phục và phát huy truyền thống làng nghề.

Có dịp về thăm làng gốm Bồ Bát vào một ngày giáp Tết, chúng tôi đã ghé cơ sở sản xuất của hộ gia đình nghệ nhân Phạm Văn Vang, 35 tuổi tại làng Bạch Liên, anh được coi là người đầu tiên mở xưởng gốm mang tên Bồ Bát với mong muốn gây dựng lại nghề gốm cổ truyền trên mảnh đất quê hương.

Một bộ ấm chén của làng gốm Bồ Bát. Ảnh: TTXVN

Giữa những tiếng mô tơ ro ro quay đều đặn, tiếng trộn đất đều đều trong tiết trời mùa Đông lạnh cóng những ngày cận Tết, anh Vang tâm sự, khi còn là học sinh, anh đã nhiều lần được nghe các nghệ nhân làm gốm từ Bát Tràng về quê ăn giỗ tổ chia sẻ kinh nghiệm, ôn lại lịch sử của tổ nghề nên đã cảm thấy rất phấn khích.

Ý nghĩ mong muốn trở thành một thợ gốm giỏi đã nhen nhóm trong đầu chàng trai thôn quê. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh Vang không thi đại học mà khăn gói ra Bát Tràng tìm gặp các nghệ nhân để học lại nghề cũ của làng Bồ Bát xưa.

“Ban đầu tôi chỉ nghĩ đơn thuần là học để trở thành một thợ gốm giỏi để thỏa mãn niềm đam mê của mình và để giữ lấy cái nghề cổ của làng mình. Nhưng trong thời gian học nghề và làm nghề, ý nghĩ khôi phục lại thương hiệu gốm của quê hương đã lóe lên trong đầu và tôi muốn thực hiện ngay lập tức”, anh Vang chia sẻ.

Sau nhiều năm lăn lộn học nghề, làm nghề và dày công đi khắp nơi tìm hiểu thị trường, giới thiệu sản phẩm, năm 2006 anh Vang đã trở về quê hương mở lò sản xuất gốm và lấy thương hiệu “Gốm Bồ Bát”. Từ đây, thương hiệu của làng gốm cổ hàng nghìn năm bắt đầu được “hồi sinh”.

Ghi nhận những thành công ban đầu của các hộ sản xuất, kinh doanh ngành nghề gốm Bồ Bát, năm 2014 Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã cấp bằng công nhận nghề gốm cổ Bồ Bát là nghề truyền thống tỉnh Ninh Bình.

Bản thân anh Vang cũng đã được tặng danh hiệu “Nghệ nhân gốm cổ truyền” của tỉnh. Một tin vui nữa đến với hộ sản xuất Phạm Văn Vang cũng như những người dân khác trong làng khi anh Vang được nhận giải thưởng sáng kiến cấp tỉnh năm 2015.

Hiện xưởng gốm của anh Vang tập trung vào mặt hàng gia dụng như: bình hoa, bát đĩa, ấm chén, chuông gió, đồ trang sức... Sản phẩm gốm Bồ Bát đã có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành phố ở miền Bắc và một số tỉnh ở miền Trung, miền Nam. 

Nối tiếp những thành công, gia đình anh Vang có dự định tới đây sẽ mở rộng quy mô xưởng sản xuất lên 5.000 m2 ngay tại làng. Dự kiến, xưởng mới của gia đình anh Vang sẽ thu hút từ

70 đến 100 thợ làm gốm của địa phương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục