Bộ Công Thương: Cụ thể hóa Nghị quyết 35 thành Chương trình hành động

05:07' - 22/07/2016
BNEWS Bộ Công Thương cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính công trong lĩnh vực Bộ quản lý ...
Bộ Công Thương cam kết tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, phấn đấu cụ thể hóa Nghị quyết 35 thành Chương trình hành động. Ảnh minh họa: TTXVN

Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 (gọi tắt là Nghị quyết 35), Bộ Công Thương sẽ phải sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ các quy định hiện hành trong việc cấp phép xuất nhập khẩu, quản lý thị trường, cạnh tranh, công nghiệp hỗ trợ theo hướng tạo điều kiện giảm chi phí cho doanh nghiệp theo đúng cam kết quốc tế.

Đồng thời, xây dựng đề án tổ chức lại thị trường trong nước và thị trường biên mậu cũng như đẩy mạnh Chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam...

Xung quanh về những giải pháp để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 35, phóng viên BNEWs đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.
BNEWS: Nghị quyết 35 của Chính phủ được ban hành chỉ sau hơn 2 tháng Chính phủ mới được kiện toàn với nhiều nội dung rất sát thực. Là ngành có lực lượng khá đông doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực, Bộ Công Thương đón nhận Nghị quyết này thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Bên cạnh các Nghị quyết hàng năm về "Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước", việc xem xét, ban hành Nghị quyết này cho thấy sự nhạy bén chiến lược của Chính phủ trong việc xác định và xử lý những vấn đề mang tính lâu dài cho cả giai đoạn 2016 – 2020.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng mang tính cấp thiết trong bối cảnh doanh nghiệp trong nước bắt đầu phục hồi sau giai đoạn gặp nhiều khó khăn bởi tác động từ quốc tế và trong nước.
Mặc dù ban hành chỉ sau hơn 2 tháng khi Chính phủ mới được kiện toàn, nhưng nội dung của Nghị quyết cho thấy Chính phủ đã có những sự chuẩn bị, nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng đối với những nội dung được đề cập. Trước đó, Chính phủ đã có nhiều cuộc họp bàn cụ thể về những nội dung xung quanh vấn đề tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Việc xem xét, ban hành Nghị quyết này cho thấy sự nhạy bén chiến lược của Chính phủ trong việc xác định và xử lý những vấn đề mang tính lâu dài cho cả giai đoạn 2016 – 2020. Ảnh: TTXVN

Đặc biệt, tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2016 mới đây nhiều ý kiến phản ánh, đề xuất của doanh nghiệp trong cả nước đã được tổng hợp, đánh giá, nghiên cứu và tiếp thu để thể hiện bằng những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể trong Nghị quyết 35.
Qua đó, Bộ Công Thương cũng cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính công trong lĩnh vực Bộ quản lý và sẽ tham mưu với Chính phủ xây dựng các khung khổ chính sách mới đáp ứng yêu cầu hội nhập.
BNEWS: Triển khai Nghị quyết 35, Bộ Công Thương được giao 4 nhiệm vụ theo chức năng của mình. Vậy theo Bộ trưởng, Bộ sẽ có những hành động cụ thể nào để sớm hoàn thành nhiệm vụ?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Với 4 nhóm nhiệm vụ được giao trực tiếp vừa có tính trọng tâm vừa có tính bao quát, đề cập tới các vấn đề, các lĩnh vực trọng yếu của ngành công thương, qua đây sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp phát triển.
Bộ Công Thương cũng đã nghiên cứu, cụ thể hóa thành những nội dung công việc cụ thể và ban hành trong Chương trình hành động của Bộ.
Theo đó, Bộ tập trung thúc đẩy cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp với trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, rà soát, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Cùng với đó, tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh với trọng tâm là hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ mới, cải tiến qui trình sản xuất, quản lý nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh.
Đặc biệt, Bộ tăng cường quản lý, phát triển lành mạnh thị trường hàng hóa, dịch vụ trong nước để có biện pháp điều hành, điều tiết kịp thời, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu.

Bộ Công Thương Bộ Công Thương đã nghiên cứu, cụ thể hóa thành những nội dung công việc cụ thể và ban hành trong Chương trình hành động của Bộ. Ảnh: TTXVN

Đồng thời, tập trung xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển thị trường trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Mặt khác, đi vào chiều sâu Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Cuối cùng là tăng cường công tác thông tin truyền thông về hội nhập kinh tế quốc tế với trọng tâm là đẩy mạnh công tác thông tin và hướng dẫn thực thi cam kết trong khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế (ASEAN, WTO, APEC, ASEM...) và các hiệp định kinh tế thương mại, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (TPP, RCEP, EVFTA...) để nâng cao năng lực hội nhập cho doanh nghiệp tiếp cận, mở rộng thị trường xuất khẩu và đầu tư, vượt qua thách thức hội nhập.
Bộ Công Thương sẽ thể hiện quyết tâm cao nhất và thông qua các hoạt động chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ nêu trên một cách thường xuyên liên tục trong quá trình triển khai thực hiện của các đơn vị trong Bộ.

Trực tiếp là Bộ trưởng và các đồng chí Thứ trưởng được phân công theo dõi sẽ đôn đốc, chỉ đạo triển khai từng mảng công việc cụ thể. Với tinh thần và hành động cụ thể theo chương trình đã được đề ra như trên, tôi có thể tin tưởng rằng, Bộ Công Thương sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Chính phủ giao.
BNEWS: Cải cách chính sách cấp phép xuất nhập khẩu, quản lý thị trường, cạnh tranh, công nghiệp hỗ trợ thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp với mong muốn được tạo thuận lợi, giảm chi phí. Xin Bộ trưởng cho biết việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ các qui định hiện hành liên quan đến vấn đề này sẽ được Bộ triển khai theo hướng nào?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Nghị quyết 35 mang tính toàn diện, tập trung vào xử lý một cách tổng thể các vấn đề liên quan nhằm hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước một cách mạnh mẽ và bền vững hơn trong những giai đoạn phát triển tiếp theo.
Để triển khai nhanh chóng và thực chất các yêu cầu nhiệm vụ, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, cụ thể hóa các nội dung nhiệm vụ, giải pháp được xác định theo Nghị quyết 35 thành một hệ thống các công việc, nhiệm vụ cụ thể và phân giao các đơn vị chức năng thuộc Bộ.

Theo đó, triển khai thực hiện hàng tuần, hàng tháng là một trong những nội dung đầu tiên được tập thể lãnh đạo Bộ và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ xem xét, thảo luận trong các hội nghị giao ban công tác tuần, giao ban công tác tháng của Bộ Công Thương.
Quan điểm chỉ đạo của tôi đối với việc này là nhất thiết phải bảo đảm được nguyên tắc: kiểm tra, theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo một cách liên tục, thường xuyên theo từng công việc cụ thể đã được giao cho các đơn vị chức năng trong Bộ. Có như vậy mới có thể kịp thời điều chỉnh, điều hành kịp thời, tạo hiệu quả và chuyển biến một cách thực chất trong quá trình thực hiện.
Tới thời điểm này, Bộ Công Thương đã rà soát hơn 20 văn bản qui phạm pháp luật có các qui định về cấp phép xuất nhập khẩu, quản lý thị trường, cạnh tranh, công nghiệp hỗ trợ và nhiều lĩnh vực khác như quản lý phân bón, hóa chất, khoáng sản, an toàn thực phẩm... thuộc chức năng, phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
Trên cơ sở đó, đã xác định gần 50 nội dung sửa đổi, đơn giản hóa, loại bỏ để đưa vào Dự thảo Nghị định do Bộ Công Thương soạn thảo trình Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số qui định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương cũng như một số văn bản pháp luật khác có liên quan.
BNEWS: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục