Bộ Công Thương đề ra 4 mục tiêu thực hiện năm 2017

14:49' - 06/01/2017
BNEWS Bộ Công Thương đưa ra 4 mục tiêu thực hiện để ngành công thương góp phần đưa tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2017 đạt 6,7%.
Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 ngành công thương tổ chức ngày 6/1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, năm 2017, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam.

Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển.

Đặc biệt, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ đưa ra 4 mục tiêu thực hiện để ngành công thương góp phần đưa tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2017 đạt 6,7%. Theo đó, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp đặt mục tiêu tăng 8 - 9%; xuất khẩu phấn đấu tăng cao hơn mức 6- 7% được giao; nhập siêu phấn đấu ở mức thấp hơn chỉ tiêu 3,5% kim ngạch xuất khẩu được giao; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng khoảng 10 - 11%.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định trong năm tới và những năm tiếp theo tình hình kinh tế có nhiều diễn biến khó lường. Làn sóng tự động hóa, robot hóa có thể thay đổi cả kết cấu kinh tế thế giới. Do đó, trước mắt trong năm 2017, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam.

Cùng với việc bỏ hàng loạt các thủ tục hành chính năm 2016, Bộ cho biết năm nay sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển.

Bộ sẽ khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, Bộ đưa ra chủ trương tiếp tục hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam; đồng thời cam kết cùng các bên liên quan giảm bớt các thủ tục hải quan; trợ giúp các doanh nghiệp về thông tin và cách phòng tránh, xử lý các tranh chấp thương mại...

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, thương mại toàn cầu năm 2017 được dự báo sẽ cải thiện so với năm 2016, ở mức 3,8%, giá cả năng lượng và hàng hóa sẽ tăng trở lại và ổn định hơn nên sẽ có tác động tích cực đối với công nghiệp và thương mại Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam cũng được dự báo có nhiều yếu tố thuận lợi, đầu tư nước ngoài và kim ngạch xuất nhập khẩu dự báo sẽ tiếp tục tăng từ kết quả của một số FTA đã ký và đi vào thực thi, cơ hội tiếp nhận dòng đầu tư FDI dịch chuyển ra khỏi một số quốc gia trong khu vực, trong đó có Trung Quốc.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời phỏng vấn báo chí.Ảnh:Thống Nhất-TTXVN

Tuy vậy, giá dầu và lương thực có xu hướng tăng gây sức ép lạm phát tăng trở lại. Việc ổn định tỷ giá và lãi suất cũng sẽ gặp khó khăn do áp lực điều chỉnh theo sự tăng giá của đồng ngoại tệ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Hơn nữa, khi tham gia Cộng đồng ASEAN và việc ký kết, triển khai các FTA mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng tạo ra những thách thức rất lớn, nhất là việc phát triển thị trường, tăng khả năng cạnh tranh cả ở thị trường quốc tế và trong nước.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định phê duyệt cơ chế đặc thù thực hiện các dự án điện cấp bách trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh; Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giai đoạn 2016 - 2020; Đề án Chiến lược phát triển ngành Điện lực Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040; Phê duyệt khung giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2017 - 2020; Quyết định tăng vốn điều lệ của EVN.

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý ưu đãi thuế nhập khẩu sản phẩm theo cam kết của Chính phủ (GGU) đối với Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (hỗ trợ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thay mặt Chính phủ thực hiện cam kết ưu đãi thuế nhập khẩu sản phẩm cho Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn trong thời gian 10 năm sau ngày vận hành thương mại).

Bộ Công Thương cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét một số giải pháp hỗ trợ cho ngành dầu khí, ngành than, phân bón...; rà soát các mức thuế, phí hiện đang áp dụng đối với ngành than; xem xét, điều chỉnh Nghị định số 203/2013/NĐ-CP về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xem xét, đề xuất đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng ở mức 0%; Hỗ trợ lãi vay khi doanh nghiệp đầu tư vào trung tâm xử lý nước thải ở các khu công nghiệp dệt may... ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục