Bộ Công Thương sẽ giải quyết những điểm nghẽn lớn trong phát triển công nghiệp

18:19' - 09/01/2017
BNEWS Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ sẽ tập trung tái cơ cấu trong phát triển ở các lĩnh vực dầu khí, điện, than, phân bón hóa chất...
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN.

Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương mới đây cho biết, để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao cho năm 2017, Bộ sẽ tập trung thẳng vào những vấn đề được coi là điểm nghẽn, là hạn chế lớn trong phát triển công nghiệp.
Mặc dù sản xuất công nghiệp của Việt Nam vấp phải sự sụt giảm mạnh của ngành khai khoáng, nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn được duy trì.

Do vậy, để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao cho năm 2017, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ sẽ tập trung tái cơ cấu trong phát triển ở các lĩnh vực dầu khí, điện, than, phân bón hóa chất; đồng thời thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng gắn kết và tham gia chặt chẽ hơn vào chuỗi giá trị của khu vực và thế giới.
Cùng với đó là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong dài hạn gắn với môi trường; xử lý các vấn đề về an toàn thủy điện và an toàn xả lũ.
Với các dự án thua lỗ lớn, kém hiệu quả, lãnh đạo Bộ Công Thương sẽ trực tiếp cùng lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiêp đang quản lý những dự án tồn đọng đó tổ chức kiểm tra đánh giá toàn bộ dự án về giá trị tài sản, tính khả thi, hiệu quả của dự án… để tìm ra giải pháp thu hồi lại tài sản nhà nước, giảm bớt mất mát về nguồn lực xã hội. Nếu dự án còn khả thi, có cơ hội hồi phục và phát triển, sẽ có các giải pháp để thực hiện.
Bộ Công Thương cũng đưa ra chương trình hành động cho năm 2017; trong đó, tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Từng bước thực hiện các giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam.

Đồng thời, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển; Thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, tận dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp mới.
Về phía các doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết, trong năm 2017, ngoài việc ưu tiên chỉ đạo thực hiện các dự án đầu tư tìm kiếm thăm dò, phát triển có tính hiệu quả cao, rủi ro ít, có tính nhạy cảm bắt buộc phải thực hiện, tập trung phát triển các dự án: mỏ Cá Rồng Đỏ, Lô B, Cá Voi Xanh…; Tập đoàn cũng sẽ tổ chức thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phê duyệt và đôn đốc các đơn vị thành viên thực hiện công tác tái cơ cấu giai đoạn 2016 - 2020 theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra.
Ngoài ra, PVN đẩy mạnh thu xếp vốn và giải ngân các dự án đầu tư. Giám sát chặt chẽ tiến độ các dự án đầu tư khởi công và hoàn thành trong năm 2017.
Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, thực tế năm 2017 tình hình thị trường sẽ tương tự như năm 2016 hoặc có những tín hiệu sáng hơn một chút khi mà kinh tế Hoa Kỳ có chiều hướng tăng trưởng tốt hơn và mức độ tiêu thụ, tiêu dùng của thị trường này cũng hy vọng cải thiện hơn so với năm 2016.

Chính vì vậy, ngành dệt may đặt ra kế hoạch của năm 2017 là tốc độ tăng trưởng 6,5-7%, đạt trên 30 tỷ USD trong năm 2017. Tuy nhiên, để có được kết quả này rất cần sự nỗ lực tổng hợp cả về phía doanh nghiệp, quản lý nhà nước và hạ tầng kinh tế xã hội nói chung; trong đó, đặc biệt tập trung vào năng suất, cải thiện chi phí lao động trên một sản phẩm và rút ngắn thời gian giao hàng dịch vụ đến các nơi. Ngoài ra, tập trung củng cố mạng lưới phân phối logistics đối với các nước.
Báo cáo tổng kết năm 2016 của Bộ Công Thương cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành năm 2016 tăng 7,5% (thấp hơn so với mức tăng 9,8% của cùng kỳ năm trước); trong đó, chỉ số sản xuất của ngành khai khoáng năm 2016 đã giảm sâu ở mức 5,9%, làm giảm 1,3 điểm phần trăm trong mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp IIP chung.

Đây cũng là ngành duy nhất có chỉ số IIP giảm so với cùng kỳ năm 2015 chủ yếu do giá dầu thô giảm, dẫn đến sản lượng dầu thô khai thác giảm mạnh (năm 2016 giảm 8,1% trong khi đó cùng kỳ năm 2015 tăng 7,8%).
Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã ghi nhận những nỗ lực rất đáng khích lệ, là đầu kéo quan trọng cho tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.

Trong bối cảnh khó khăn của tình hình trong nước và thế giới, chỉ số IIP của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2016 đã duy trì được ở mức 11,2% (đây là mức thậm chí còn cao hơn mức tăng của năm 2015 là 10,5%) và đóng góp 7,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, về xu hướng phát triển của các ngành sản xuất trong nước năm 2016, chỉ số tổng hợp về tình hình sản xuất - PMI của Việt Nam các tháng trong năm 2016 luôn ở mức cao hơn 50 điểm và có xu hướng tăng tích cực trong các tháng cuối năm.

Đây là tín hiệu tốt cho thấy khả năng phục vụ hồi và mở rộng của sản xuất trong nước, đặc biệt là ở những tháng tới đây của năm 2017./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục