Bộ Giao thông Vận tải chậm giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ

18:47' - 20/12/2016
BNEWS Bộ Giao thông Vận tải luôn là đơn vị đứng đầu trong công tác giải ngân nguồn vốn được giao. Tuy nhiên, năm nay, Bộ này lại đang gặp khó khăn trong việc giải ngân nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Một đoạn đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Ảnh: Quang Huy/TTXVN

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, tổng số kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) năm 2016 Bộ Giao thông Vận tải được giao 27.425 tỷ đồng, bao gồm 9.869,5 tỷ đồng kế hoạch năm 2015 kéo dài; 948,6 tỷ đồng thu hồi ứng trước kế hoạch; 1.687 tỷ đồng vốn đối ứng ODA; 14.920 tỷ đồng cho các dự án mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và các dự án vốn TPCP giai đoạn 2012 - 2015, bổ sung giai đoạn 2014 - 2016.

Nhưng đến nay, các đơn vị thuộc Bộ Giao thông Vận tải mới chỉ giải ngân được 8.649 tỷ đồng, đạt 33% kế hoạch được giao.

Ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, theo kế hoạch được giao, 8 Ban quản lý dự án (QLDA) của Bộ là các Ban 1, 6, 7, 85, Thăng Long, An toàn giao thông, Đường Hồ Chí Minh và Ban Hàng hải chiếm tỷ trọng khoảng 70% mức vốn kế hoạch TPCP được giao của Bộ.

Nhưng, tình hình giải ngân vốn của các Ban này rất chậm, kéo theo kết quả giải ngân chung của Bộ cũng chậm theo. Đến nay, kết quả giải ngân của 8 Ban đều đạt tỷ lệ rất thấp, cơ bản chưa đạt 50% so với kế hoạch đăng ký. Trong khi đó, giá trị giải ngân còn lại từ nay đến cuối năm tính theo số đăng ký còn rất lớn.

Về nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, ông Nguyễn Hoằng cho rằng, do năm cuối của kế hoạch vốn TPCP giai đoạn 2012-2015 và bổ sung giai đoạn 2014-2016 nên các dự án đã được giao kế hoạch theo đúng mức vốn TPCP giai đoạn.

Rất nhiều dự án có vốn dư, điển hình như dự án luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu; dự án mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên… do là năm cuối nên được giao hết vốn với mức cao, vượt khả năng giải ngân.

Ngoài ra, các chi phí để quyết toán dự án không thể chi trả ngay trong năm 2016 mà phải kéo dài sang năm 2017, như tiền bảo hành công trình 5% phải giữ lại đã làm tiến độ giải ngân bị chậm. Còn nguyên nhân chủ quan dẫn tới tình trạng giải ngân bị chậm tiến độ do các chủ đầu tư, Ban QLDA chậm quyết toán dự án.

Là một trong các Ban QLDA có tỷ lệ giải ngân vốn lớn hàng năm của Bộ, tuy nhiên năm nay tình hình giải ngân vốn của Ban QLDA 1 cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ông Hoàng Đình Phúc, Tổng giám đốc Ban QLDA 1 cho biết, hiện tại Ban đã giải ngân được gần 500 tỷ đồng trong số 800 tỷ đồng vốn TPCP đăng ký năm 2016 cho hai dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa - Diễn Châu và đoạn qua tỉnh Bình Thuận.

Tuy nhiên, Ban đã phải xin chuyển 100 tỷ đồng sang kế hoạch giải ngân năm 2017, còn lại 700 tỷ đồng sẽ giải ngân trong năm 2016.

“Đến nay, ngoại trừ số vốn xin điều chuyển sang năm 2017, từ giờ đến hết năm 2016, Ban chỉ còn phải giải ngân hơn 100 tỷ đồng và chắc chắn sẽ giải ngân xong vì số vốn này đã xong thủ tục quyết toán”, ông Phúc khẳng định.

Thi công tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn-Túy Loan thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Còn theo lãnh đạo Ban QLDA 6, vốn đăng ký kế hoạch giải ngân cho 3 dự án: Quốc lộ 279 đoạn Tuyên Quang - Bắc Kạn; dự án mở rộng Quốc lộ 1 qua Quảng Bình và qua Quảng Trị với số vốn TPCP lên tới 935 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Ban đã phải xin điều chỉnh kéo dài kế hoạch 2016 sang năm 2017 là 210 tỷ đồng.

Tương tự, ông Vũ Ngọc Dương, Phó tổng giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, năm 2016, đơn vị đăng ký vốn kế hoạch TPCP là 449 tỷ đồng. Nhưng, đơn vị đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xin giảm 200 tỷ đồng, còn lại 249 tỷ đồng giải ngân trong 2016.

Hiện nay, Ban QLDA Thăng Long đã tích cực thực hiện giải ngân số tiền còn lại phấn đấu hoàn thành hết trong năm nay.

Về vấn đề này, ông Hoàng Đình Phúc, Tổng giám đốc Ban QLDA1 cho hay, việc giải ngân cần phải phân biệt là tiền giải ngân khối lượng thi công và tiền bảo hành công trình 5%. Hiện tại số tiền giải ngân về khối lượng của các nhà thầu của Ban không còn nhiều, chắc chắn từ giờ đến cuối năm, Ban sẽ hoàn thành việc này cho các nhà thầu.

“Số tiền lớn còn lại chưa được giải ngân chính là 5% tiền bảo hành đang được Ban giữ lại, điều này có thể đang gây bức xúc cho doanh nghiệp. Mặc dù việc giữ lại số tiền này bản thân các Ban QLDA cũng bị “mang tiếng”, vì các nhà thầu cho rằng khi đã có chứng thư bảo lãnh ngân hàng, thì các ban quản lý phải thanh toán số tiền này” - ông Phúc nói và cho hay.

Theo ông Phúc, số tiền bảo hành, sau khi Bộ Giao thông Vận tải cho phép, Ban QLDA1 cũng như các Ban khác của Bộ đã chuyển về một tài khoản tạm gửi tại kho bạc chưa thể trả ngay được cho các nhà thầu. Bởi, trên thực tế một số đoạn của Quốc lộ 1 vẫn đang trong tiềm ẩn nguy cơ hằn lún phải sửa chữa trong thời gian tới nên việc giữ lại số tiền bảo hành này là cần thiết.

Một lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, cho biết, để đảm bảo kết quả giải ngân phản ánh đúng nhu cầu thực tế, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh giảm kế hoạch vốn TPCP năm 2016 khoảng 6.000 tỷ đồng; số vốn chưa thực hiện hết trong năm 2016 đề nghị được kéo dài giải ngân sang năm 2017.

Xét góc độ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế khi hoạt động giải ngân vốn chậm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá, nếu giải ngân chậm bất kể nguồn vốn nào thì đều ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế. Chính phủ đã khẳng định một trong những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là cần tăng cường xuất khẩu và đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn.

Còn theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong, bất kỳ hoạt động đầu tư nào; trong đó, có vấn đề giải ngân vốn bị chậm thì đều ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, đến sự tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, cần phải lưu ý các nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân vốn.

Nếu do nguyên nhân chính đáng thì có thể chấp nhận được bởi nếu làm nhanh mà không hợp lệ sẽ không tốt, thậm chí còn dẫn đến những lãng phí, vi phạm pháp luật, có thể bị phạt nặng hơn.

“Đặc biệt cần phải xem xét cụ thể lỗi của các bên, trường hợp nếu do các Ban QLDA chậm thì cần phải có chế tài quy trách nhiệm để đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp đã tham gia dự án”- TS. Nguyễn Minh Phong đề xuất.

Xét dưới góc độ những ảnh hưởng trực tiếp cho doanh nghiệp khi không được giải ngân sớm, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, nếu doanh nghiệp tham gia dự án đã hoàn thành công việc nhưng không được trả tiền sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp như công việc của họ sẽ bị đình trệ, hậu quả nặng nề hơn có thể làm doanh nghiệp bị phá sản.

Điều này ảnh hưởng ngay đến đời sống người lao động của các doanh nghiệp này, thậm chí nguồn thu thuế của nhà nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục