Bộ trưởng Bộ Công Thương: Làm rõ trách nhiệm liên quan đến dự án nghìn tỷ không hiệu quả

20:16' - 30/12/2016
BNEWS Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Cần phải tìm giải pháp để thu hồi tài sản về cho nhà nước, làm rõ và xử lý những sai phạm, vi phạm của cá nhân, tập thể liên quan đến những dự án nghìn tỷ không hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời báo chí về một số vấn đề liên quan đến ngành Công Thương chiều 30/12. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Chiều 30/12 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có buổi gặp mặt các phóng viên báo đài để trao đổi, đánh giá những kết quả đạt được trong lĩnh vực công thương năm 2016 và kiến nghị giải pháp trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, 2016 là năm vô cùng khó khăn đối với ngành Công thương bởi tình hình khó khăn trong nước và thế giới. Chính vì vậy, liên tục trong 6 tháng đầu năm, những mục tiêu đặt ra đều gặp trở ngại, tối đa tăng trưởng chỉ dao động ở mức 5,6-5,7% (trong khi mục tiêu tăng trưởng cả năm là 10%).

Không những thế, sản xuất công nghiệp cũng tăng trưởng âm, hàng loạt lĩnh vực khác trong sản xuất công nghiệp cũng như thương mại nội địa đều thấp. Bên cạnh những khó khăn khách quan còn có những khó khăn mang tính chủ quan. Đặc biệt, những dự án nghìn tỷ đắp chiếu đã lộ ra nhiều bất cập, nhất là trong công tác cán bộ, chính sách cán bộ.
Trong bối cảnh đó, ngành công thương đã nỗ lực thực hiện hàng loạt Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và các lực lượng sản xuất. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm 2016 vẫn đạt 8,6% trong bối cảnh suy giảm và mất cân bằng của thị trường thế giới,nhiều nước có mức tăng trưởng âm.
Tốc độ tăng trưởng của thương mại và dịch vụ nội địa năm 2016 cũng đạt được mức 10,7% so với mức 9,5% của năm 2015. Sản xuất công nghiệp cũng đạt tốc độ tăng trưởng tích cực, nhất là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực quan trọng đóng góp vào tốc độ tăng trưởng chung của ngành công nghiệp.
Thành công tiếp theo là những kết quả đạt được trong hợp tác quốc tế như Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (VN-EAEU FTA) chính thức có hiệu lực...

Những kết quả đó đã đưa Việt Nam vào nhóm những nước dẫn đầu về mức độ tham gia sâu rộng trong toàn cầu hóa thông qua các khuôn khổ hội nhập song phương và đa phương. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi để các ngành hàng của Việt Nam tiếp cận với thị trường quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới kỹ thuật công nghệ, mô hình sản xuất.
Trong năm 2016, ngành công thương tuy mới tái cơ cấu bước đầu nhưng đã nhận diện ra bất cập, tồn tại về năng lực thể chế, bộ máy của ngành; những hạn chế trong thủ tục hành chính ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp; những khuyết điểm trong công tác cán bộ...
Hiện Bộ Công Thương đang đẩy mạnh chương trình cải cách hành chính tổng thể, tái cơ cấu bộ máy hành chính gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ. Đồng thời thực hiện tốt các Nghị quyết của Chính phủ về hoàn thiện thể chế, tạo dựng môi trường thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư, trong xuất nhập khẩu, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển và hội nhập quốc tế.
Năm 2017, Bộ Công Thương phấn đấu tiếp tục đổi mới cải cách theo tinh thần Chính phủ kiến tạo liêm chính.

Ngoài việc thu gọn tinh giản bộ máy đầu mối, chương trình tái cơ cấu của Bộ Công Thương còn bao hàm nội dung quan trọng, giải pháp cụ thể để xây dựng đội ngũ công chức, quản lý, người lao động tinh thông kỹ năng nghề nghiệp, có phẩm chất chính trị, cải cách hành chính làm rõ và cụ thể hóa chức năng nhiệm vụ của ngành công thương trong điều hành và thực hiện chính sách.

Tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý cho đầu tư kinh doanh và quan niệm cải cách hành chính đi đôi với kiện toàn thể chế, hướng tới phẩm chất chính trị là yếu tố then chốt.
Liên quan đến câu hỏi của phóng viên về việc những dự án nghìn tỷ nhưng hoạt động kém hiệu quả hoặc đang thua lỗ và những giải pháp khắc phục của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Trước tiên, cần có giải pháp, hành động quyết liệt để tránh lãng phí, thất thoát hơn nữa các nguồn đầu tư của Nhà nước cho những dự án này. Bởi các dự án đó đã đầu tư dàn trải nhiều năm, hiệu quả kinh tế-xã hội không còn như quy hoạch ban đầu và thậm chí có nguy cơ mất mát thêm tài sản nhà nước, xã hội.
Do đó, theo Bộ trưởng, cần phải tìm giải pháp đồng bộ, phù hợp để thu hồi tài sản về cho nhà nước, làm rõ và xử lý những sai phạm, vi phạm của cá nhân, tập thể liên quan đến những dự án này.

Từ những dự án thua lỗ, điều quan trọng nhất là phải rút ra những kinh nghiệm về cơ chế, chính sách, khuôn khổ pháp lý liên quan đến công tác quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp nhà nước, quy trình quản lý đầu tư, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch về kinh tế.
Các dự án nghìn tỷ không còn là câu chuyện mới vì nhiều diễn đàn đã đề cập và trong phiên họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã báo cáo 5 dự án, sau đó bổ sung thêm 2 dự án và hiện là 12 dự án trong lĩnh vực Công Thương. Các dự án này diễn ra trong thời gian dài, thậm chí từ trước khi các Tập đoàn được giao về Bộ Công Thương làm chủ quản. Hơn nữa, khung khổ pháp lí lúc đó còn rất sơ sài, bộc lộ nhiều thiếu sót, sơ hở.
Bộ Công Thương cũng đã nêu rõ quan điểm chống thất thoát. Trước tiên nghiên cứu các tồn tại,bất cập nguy cơ của dự án từ đó xác định… làm sao thu hồi lại tài sản của các dự án để giảm thiệt hại của Nhà nước, đồng thời để các dự án tiếp tục được khai thác tốt nhất, hiệu quả cao nhất, phù hợp xu thế chung.

Đồng thời, kiên quyết triệt để làm rõ nguyên nhân của những tồn tại đó cả về mặt thể chế, chính sách con người và trách nhiệm tập thể cá nhân trong lúc phê duyệt chủ trương đầu tư đến lúc phê duyệt dự án./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục