Bộ Y tế đề xuất cắt giảm nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm

20:17' - 15/11/2017
BNEWS Chiều 15/11, Bộ Y tế đã cung cấp thông tin về việc đề xuất Chính phủ cắt giảm nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Đoàn kiểm tra Bộ y tế Kiểm tra an toàn thực phẩm tại Công ty chế biến thực phẩm Phúc An, thành phố Tây Ninh. Ảnh: Lê Đức Hoảnh - TTXVN

Theo Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Trần Việt Nga, các thủ tục hành chính được đề xuất Chính phủ bãi bỏ gồm: điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo các quy định tại Nghị định số 67/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016; công bố sản phẩm thực phẩm, kiểm tra nhà nước về thực phẩm; chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; quảng cáo thực phẩm; xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm.

Theo đó, về điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo các quy định tại Nghị định số 67/2016/NĐ –CP ngày 1/7/2016, trong phần điều kiện chung gồm 50 điều kiện, Bộ sẽ đề xuất cắt giảm 8 điều kiện (chiếm 16%) gồm 5 điều kiện đối với cơ sở sản xuất thực phẩm; 3 điều kiện đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm.

Về điều kiện đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cho Bộ Y tế quản lý có 263 điều kiện, đề nghị cắt giảm 36 điều kiện (chiếm 13,7%).

Về công bố sản phẩm thực phẩm, quy định trong Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đề xuất sửa đổi 3 thủ tục hành chính.

Như vậy, so với Nghị định số 38, dự thảo Nghị định mới đã lược bỏ bớt giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối với sản phẩm nhập khẩu); giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (đối với sản phẩm nhập khẩu); kế hoạch kiểm soát chất lượng; kế hoạch giám sát định kỳ; bản thông tin chi tiết về sản phẩm; mẫu sản phẩm.

Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Trần Việt Nga cho biết, về phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định giao Sở Y tế quản lý an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm sản xuất trong nước của các tổ chức, cá nhân đóng trên địa bàn.

Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 38 đã thực hiện phân cấp triệt để cho địa phương, bao gồm cả thực phẩm nhập khẩu.

Bộ Y tế đề xuất đưa vào dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 38/2012/NĐ-CP cả lĩnh vực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương để thống nhất quy trình kiểm tra Nhà nước của ba Bộ và bổ sung thêm các đối tượng được miễn kiểm tra.

Bộ đề xuất kiểm tra chặt đối với mặt hàng không đạt yêu cầu nhập khẩu tại lần kiểm tra trước đó; có cảnh báo của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương hoặc của cơ quan có thẩm quyền tại nước ngoài hoặc của nhà sản xuất; kiểm tra hồ sơ và lấy đầy đủ mẫu để kiểm nghiệm các nhóm chỉ tiêu trong hồ sơ công bố đối với những mặt hàng không đạt tại lần kiểm tra trước đó.

Theo bà Nga, Bộ Y tế cũng đề xuất: bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc thẩm quyền Bộ Y tế đối với đối với cơ sở sản xuất, bao bì, dụng cụ chứa đựng thực phẩm.

Bãi bỏ cấp đổi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế, Sở Y tế.

Gộp thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc thẩm quyền Sở Y tế.

Bãi bỏ thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do Bộ Kế hoạch Đầu tư và Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc do Ủy ban nhân dân (hoặc cơ quan có thẩm quyền) quận, huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có quy mô kinh doanh từ 200 suất ăn/lần phục vụ trở lên.

Bãi bỏ thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống do Ủy ban nhân dân (hoặc cơ quan có thẩm quyền) quận, huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có quy mô kinh doanh dưới 200 suất ăn/lần phục vụ.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang cho biết, hiện nay, Bộ Y tế đang triển khai cơ chế một cửa quốc gia, liên thông Cổng Hải quan một cửa quốc gia. Hiện đã kết nối được 5 thủ tục chính thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm và trang thiết bị y tế với Cổng Hải quan một cửa quốc gia.

Dự kiến, trong năm 2018, Bộ Y tế sẽ hoàn thành và triển khai mở rộng trên phạm vi toàn quốc thông qua Cơ chế một cửa quốc gia đối với 5 thủ tục hành chính liên quan.

Các lĩnh vực thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia dưới hình thức là dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 hiện có 55 thủ tục hành chính liên quan đến công tác quản lý nhà nước của Bộ Y tế, trong đó lĩnh vực dược 35 thủ tục, y tế dự phòng 6 thủ tục, an toàn thực phẩm 5 thủ tục và trang thiết bị là 9 thủ tục hành chính.

“Dự kiến đến năm 2020, các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh sẽ được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia dưới hình thức dịch vụ công cấp độ 4 và sẽ được thu phí, lệ phí bằng phương pháp điện tử”, ông Quang thông tin.

>>>Sẽ có trung tâm kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục