Bốc thăm mua nhà: Nhu cầu thật hay chiêu kích cầu

17:35' - 21/09/2016
BNEWS Năm 2016, thị trường bất động sản được đánh giá là đã ổn định và thanh khoản tốt. Tuy nhiên, ở một vài phân khúc đang được các chuyên gia cảnh báo về nguy cơ dư nguồn cung.
Các tòa chung cư khu vực đường Trần Duy Hưng, Hà Nội. Ảnh: Hoàng Lâm/TTXVN

Dù đã ngoạn mục vượt qua giai đoạn đóng băng kéo dài tới khoảng 4 năm nhưng thị trường cũng khó trở lại giai đoạn hoàng kim như trước đây.

Thế nhưng, những hiện tượng mua căn hộ chung cư phải trả tiền chênh giá, thậm chí khách hàng phải bốc thăm để được quyền mua đã đặt ra nghi vấn nhu cầu nhà ở thật sự tăng cao hay chỉ là chiêu kích cầu của doanh nghiệp trong bán hàng.

Chị Trần Huyền ở Thanh Trì (Hà Nội) phải vượt qua vài vòng thủ tục mới hoàn chỉnh được hồ sơ đúng quy định để nộp mua nhà ở xã hội tại dự án 622 Minh Khai do Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển nhà ở số 5 (Handico 5) là chủ đầu tư.

Theo chị Huyền, cơ hội “trúng” khi bốc thăm là quá thấp bởi nếu tính theo lượng hồ sơ nộp tại chủ đầu tư thì tỷ lệ “chọi” phải là 1 trên 4, thậm chí còn cao hơn nữa. Đáng tiếc, may mắn đã không “mỉm cười” với khách hàng này bởi cả dự án cũng chỉ có khoảng 100 căn hộ mà hồ sơ thì lại quá nhiều. Điều này cho thấy, nhu cầu về loại nhà ở xã hội vẫn rất cao.

Cùng tham gia bốc thăm tại khu nhà ở xã hội 622 Minh Khai, gia đình chị Thúy ở quận Hai Bà Trưng chia sẻ, để xin được đủ các giấy tờ xác nhận hợp lệ đã khó nhưng hôm đến tận dự án trực tiếp bốc thăm mới thấy sức “nóng” của nhu cầu.

Vì dự án nằm ở nội đô, lại khá thuận tiện giao thông nên ngay khi có thông tin về dự án đã rất nhiều người tìm hiểu và có chung đích ngắm. Đặc biệt với gia đình chị Thúy thì nếu được mua nhà tại đây thì quá may mắn bởi trong cùng địa bàn quận và không bị xáo trộn việc học hành của các con cũng như sinh hoạt của gia đình.

Sức nóng của nhà ở xã hội có thể dễ hiểu bởi loại hình nhà này có mức giá hợp lý do đã được Nhà nước hỗ trợ. Thế nhưng, tại các dự án nhà ở thương mại mà phải tổ chức bốc thăm mới được quyền mua cũng đang là câu chuyện khá hiếm hoi, nhất là giai đoạn thị trường bất động sản vừa trải qua giai đoạn khó khăn kéo dài.

Nằm trên đất Hưng Yên nhưng dự án Ecopark lại có sức hút đặc biệt với khách hàng Thủ đô bởi chỉ mất khoảng 30 phút di chuyển là vào đến nội đô với các tuyến xe buýt riêng phục vụ vận chuyển cư dân rất tiện lợi. Hơn nữa, cái chất “xanh” của một khu đô thị sinh thái cũng là điểm nhấn giúp Ecopark hút khách.

Thời điểm tháng 4, hàng trăm khách hàng đã phải xếp hàng từ nửa đêm và tờ mờ sáng để chờ mua chung cư West Bay Sky Residences tại Ecopark.

Lý giải duy nhất về sức nóng của dự án nằm khá xa trung tâm thành phố là mức giá lại rất hấp dẫn. Chỉ cần bỏ ra 700 triệu đến 1,2 tỷ đồng là khách hàng có thể sở hữu căn hộ tại dự án này và hưởng một không gian sống được đánh giá là rất tốt.

Theo chị Lê Hà (Cầu Giấy), gia đình chị bỏ khoản tiền chỉ tương đương mua nhà xã hội để sở hữu căn hộ hơn 60 m2 tại đây. Mặc dù đã có nhà ở nhưng chị Hà vẫn thích mua thêm căn hộ này như một nơi nghỉ cuối tuần vì không gian hấp dẫn với hạ tầng đồng bộ, từ bể bơi đến sân chơi cho trẻ em.

Bốc thăm mua nhà: Nhu cầu thật hay chiêu kích cầu. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Quan trọng hơn nữa là vị trí dự án khá thuận lợi về giao thông nên dễ dàng quản lý nếu cho thuê chứ không như đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng tại các thành phố xa như Đà Nẵng. Đặc biệt, khoản đầu tư cũng hợp lý với túi tiền tích lũy của gia đình – chị Hà chia sẻ.

Ít tiền đầu tư nhỏ, nhiều hơn thì đầu tư lớn và điều này cũng được kiểm chứng ngay tại dự án Ecopark khi mở bán lô biệt thự nhà phố. Với các bất động sản hàng tỷ đồng này, nhu cầu người mua vẫn rất cao.

Hàng trăm khách hàng đã đổ xô đặt cọc để bốc thăm quyền mua. Đợt đầu, mỗi khách hàng chỉ phải đặt cọc 50 triệu để được tham gia bốc thăm. Muốn chắc chắn, có nhà làm hồ sơ đăng ký tên vài người trong gia đình để tăng cơ hội may mắn.

Bởi vậy đã có những khách hàng may mắn như chị Ngọc Linh ở phố Bà Triệu khi trúng liền quyền mua 1 căn biệt thự và 1 căn nhà phố.

Nhu cầu chỉ cần sở hữu 1 căn biệt thự trong khi “lộc” cho lại là 2 căn đã khiến các khách hàng “linh hoạt” tính cách chuyển đổi. Ngay sau buổi bốc thăm, các phiếu trúng quyền mua được định giá cả vài trăm triệu.

Cũng khó để nói đây là nhu cầu ảo nhưng việc giao dịch bán “phiếu may mắn” đã diễn ra khá tấp nập. Như trường hợp chị Linh, nếu nhượng bớt 1 suất quyền được mua là coi như gia đình mua được căn biệt thự rẻ hơn giá của chủ đầu tư.

Phân tích về các hiện tượng này, một số chuyên gia bất động sản cho rằng cũng có những dự án nhà ở xã hội “nóng” thật sự do nhiều người mua có nhu cầu thực sự. Tuy nhiên, việc tổ chức bốc thăm tại một số dự án thời gian qua cũng phải xem xét thêm yếu tố kích cầu của chủ đầu tư và các đơn vị phân phối bán hàng.

Điều này thực sự đã tác động tới tâm lý của hành hàng. Sợ khan hàng không tới lượt mua và bốc thăm trượt, nhiều người đã tự nguyện bỏ ra số tiền chênh từ vài chục đến cả trăm triệu đồng để có được “quyền mua”. Mối lo về một thị trường “sốt ảo” như giai đoạn 2009 đang hiện hữu.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh Hoàng Lê Châu nhận định, sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản chỉ có thể đạt được khi giải quyết được cơ bản nhu cầu nhà ở của số đông người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp tại đô thị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục