Bón phân đúng cách giúp hạn chế rụng quả cà phê

16:22' - 10/08/2017
BNEWS Các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên đã tiến hành kiểm tra vườn cà phê và tùy theo mức độ tốt, xấu mà có kế hoạch đầu tư bón với lượng phân NPK thích hợp.
Bón phân đúng cách giúp hạn chế rụng quả cà phê. Ảnh minh họa: Xuân Tư – TTXVN

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, Tây Nguyên đã bước vào giữa mùa mưa nên các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên đã tập trung bón phân, chăm sóc hạn chế rụng quả cà phê trong mùa mưa nhằm phấn đấu đạt từ 1,3 triệu tấn cà phê nhân trở lên trong niên vụ 2017- 2018.
Các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên đã tiến hành kiểm tra vườn cà phê và tùy theo mức độ tốt, xấu, lượng quả trên cây mà có kế hoạch đầu tư bón với lượng phân NPK thích hợp.
Các đơn vị chức năng đã khuyến cáo, đầu mùa mưa, các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê đã bón cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, cân đối để cây phát triển cành, nhánh, trái lớn đồng đều, không bị chèn quả, rụng quả non thì ngay giữa mùa mưa cần bón thêm các loại phân chuyên dùng như NPK 16-8-16+TE hay NPK 16-8-16-6S+TE với lượng từ 600 đến 800kg/ha.

Khi bón phân, các nông hộ tiến hành cào sạch lớp lá chung quanh hố, bón phân rải quanh lớp tán lá rồi lấp nhẹ bề mặt lại nhằm hạn chế thất thoát phân đã bón.
Các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, các nông hộ cơ bản đã bón xong đợt 2 cho toàn bộ diện tích cà phê kinh doanh cho thu hoạch trong niên vụ này trong thời vụ tốt nhất nên tình trạng rụng quả cà phê ít hơn so với các năm trước đây.
Gia đình anh Y Thin Niê ở xã vùng sâu Ea Kiết, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) có 2 ha cà phê kinh doanh cho biết, năm nay, mưa nhiều, mưa sớm nên vườn cà phê phát triển khá tốt. Vừa rồi, gia đình đã đầu tư bón lần 2 cho mỗi ha hơn 800 kg NPK chuyên dụng để cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, cân đối cho cây nuôi trái, hạn chế rụng quả, cành phát triển đồng đều khỏe mạnh…có khả năng đạt năng suất gần 4 tấn cà phê nhân/ha.
Các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên cũng đã đầu tư phun phân bón lá chuyên dụng, với liều phun từ 800 đến 1.000 lít/ha, phun 2-3 lần, mỗi lần cách nhau từ 7 đến 10 ngày nhằm cung cấp thêm dinh dưỡng kịp thời cho cây để nuôi quả. Các nông hộ cũng tiến hành kiểm tra, phun thuốc trừ nấm kịp thời để đề phòng chống thối cuống quả cà phê ngay trong mùa mưa.
Các nông hộ cũng tổ chức làm vệ sinh phát dọn cỏ trong lô, vườn cà phê, rong tỉa cây che bóng, chắn gió, cắt tỉa cành tăm, chồi, cành cà phê mọc vượt, cành xương xương cá mọc yếu…để tập trung dinh dưỡng cho cành mang trái.
Ngoài ra, các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê ở các tỉnh Tây nguyên cũng đã sử dụng các loại thuốc đặc trị để phun trừ nấm, các loại tuyến trùng, rệp sáp, mọt đục cành, mọt đục trái, sâu đục quả, đục thân để góp phần hạn chế tình trạng rụng quả cà phê.
Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có tổng diện tích cà phê trên 582.149 ha, trong đó, diện tích cà phê kinh doanh cho thu hoạch niên vụ này là 548.533 ha, trong đó, Đắk Lắk là địa phương có diện tích cà phê nhiều nhất, với trên 203.455 ha, trong đó, diện tích cà phê kinh doanh cho thu hoạch 193.238 ha./.

>>> Nhiều hạn chế trong áp dụng công nghệ cao vào sản xuất cà phê ở Đắk Lắk

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục