Brazil: Bất ổn tiếp nối khủng hoảng

07:19' - 17/05/2016
BNEWS Brazil đang ở trong năm suy thoái thứ hai và các dự báo đều cho thấy nước này sẽ không thể phục hồi trước năm 2018.
Tổng thống Dilma Rousseff sẽ phải đối mặt với phiên luận tội tại Thượng viện khi chỉ mới nắm quyền điều hành đất nước từ ngày 1/1/2015. Ảnh: EPA/TTXVN

Theo đánh giá của Tổng biên tập trang mạng Nodal, Piedro Brieger, một giai đoạn mới đang mở ra tại Brazil. Sau cuộc tranh đấu kéo dài hơn một năm qua, lực lượng cánh hữu bảo thủ đã thành công trong việc đình chỉ chức vụ của Tổng thống hợp hiến Dilma Rousseff, người sẽ phải đối mặt với phiên luận tội tại Thượng viện khi chỉ mới nắm quyền điều hành đất nước từ ngày 1/1/2015 sau khi tái cử nhiệm kỳ thứ hai.

Hiện tại, ông Michel Temer, người đồng hành cùng bà Rousseff trong chiến dịch tranh cử năm 2014, đã nhậm chức Tổng thống lâm thời tại quốc gia Nam Mỹ này. Trong trường hợp, được tuyên bố trắng án trong phiên luận tội, bà Rousseff sẽ quay lại nắm quyền, nhưng ông Temer cũng như lực lượng cánh hữu lại muốn kết thúc nhiệm kỳ hiến pháp này vào ngày cuối cùng của năm 2018.

Điều thú vị là đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMDB) của ông Temer lại là tác nhân chính dẫn đến việc phế truất bà Rousseff sau nhiều năm đồng hành cùng cựu Tổng thống Lula da Silva và bà Rousseff. Rõ ràng là PMDB đã chấm dứt việc đóng vai trò như một phao cứu sinh cho dự án chính trị của ông Lula và bà Rousseff.

Cả ông Lula và bà Rousseff đều cần tới sự ủng hộ của PMDB để lãnh đạo đất nước bởi vì nếu vắng PMDB, chính phủ của họ sẽ không chiếm được đa số ghế tại Thượng viện. Tuy nhiên, lần này PDMB đã quyết định rời bỏ liên minh và kết quả tất yếu là con thuyền được ông Lula và bà Rousseff chèo lái đã chìm.

Có thể nhận thấy rõ rằng khi lên nắm quyền ông Temer sẽ áp dụng các chính sách hoàn toàn trái ngược với những gì bà Rousseff từng làm. Mục tiêu của Tổng thống lâm thời Temer đó là thực hiện một bước ngoặt 180º trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội, và nhiều khả năng chính sách đối ngoại của một Chính phủ Brazil mới sẽ rời xa “dòng chảy” tiến bộ tại Mỹ Latinh.

Một số tờ báo Brazil đã có bài viết và phản ánh rõ nét con đường mà ông Temmer lựa chọn, mặc dù trong diễn văn nhậm chức Tổng thống lâm thời khẳng định sẽ tiếp tục duy trì các chương trình xã hội có lợi cho người nghèo.

Theo bài xã luận đăng trên tờ O Estado de Sao Paulo, ông Temer nhấn mạnh sẽ “giải cứu đất nước từ sự thống trị của chủ nghĩa dân túy vô trách nhiệm” và thẳng thắn khẳng định rằng đủ can đảm để đưa ra các “biện pháp khẩn cấp tuy không được lòng dân nhưng giải quyết được những khó khăn của nền kinh tế, như làm trong sạch các tài khoản công”.

Trong những bước ngoặt mới của chính trị Brazil, đồng hành cùng ông Temer là PMDB - đảng đã thất bại trong cuộc tổng tuyển cử năm 2014. Điều đó có nghĩa rằng một đảng đã thất bại trên các hòm phiếu trở thành đảng cầm quyền bởi vì Tổng thống bị phế truất và người đồng hành trong êkíp tổng thống đã chuyển sang phe đối lập và nhiều chuyên gia đánh giá điều này không bình thường.

Rất khó để chính phủ của ông Temer sẽ đem lại hòa bình và đoàn kết dân tộc như đã hứa hẹn. Ảnh: Reuters

Ông Temer sẽ đứng đầu một chính phủ bảo thủ và tự do mới được môt tả như “cuộc đảo chính” và bất hợp pháp. Thật khó thuyết phục rằng chính phủ của ông Temer sẽ đem lại hòa bình và đoàn kết dân tộc như đã hứa hẹn mà thay vào đó, là một thời kỳ bất ổn chính trị sâu sắc tại Brazil.

Trong động thái liên quan, ngày 15/5, trường Luật Brazil yêu cầu các bộ trưởng được bổ nhiệm trong thành phần chính phủ mới của Tổng thống lâm thời Temer có cáo buộc dính líu tới tham nhũng phải từ chức. Thông cáo của trường Luật Brazil khẳng định “những người đang trong quá trình bị điều tra sẽ không thể trở thành bộ trưởng của một chính phủ” bởi điều này đe dọa đất nước.

Chủ tịch trường Luật Brazil Claudio Lamachia, một luật sư rất có danh tiếng tại nước này, khẳng định sẽ sử dụng công cụ của cơ quan tư pháp để ngăn cản những người đang bị điều tra tham gia nội các. Theo ông Lamachia, chính phủ mới phải là một “tấm gương đạo đức để đáp ứng đòi hỏi của xã hội và chứng thực sự hợp pháp của mình”.

Trường Luật Brazil là một trong những tổ chức ủng hộ tiến trình đưa Tổng thống Rousseff ra xét xử tại Quốc hội để bãi nhiệm người đứng đầu đất nước. Ngay khi lên cầm quyền ngày 13/5, Tổng thống lâm thời Temer đã bổ nhiệm thành phần nội các mới gồm 22 bộ trưởng, đa phần là doanh nhân giàu có.

Cùng ngày, tờ “O Estado de Sao Paulo” đưa tin 12 trong số các bộ trưởng của ông Temer đã nhận tiền tài trợ của các công ty đang bị dính líu tới vụ tham nhũng khổng lồ của Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras. Các khoản tiền này đã được khai báo trước Cơ quan bầu cử quốc gia trong chiến dịch tranh cử, Tuy nhiên, hiện Viện kiểm sát tối cao Brazil đang điều tra về khả năng đây là những khoản tiền hối lộ được trá hình.

Ngoài ra, các Bộ trưởng Du lịch Henrique Eduardo Alves, Thể thao Leonardo Picciani, Phát triển Xã hội và Ruộng đất Osmar Terra, Y tế Ricardo Barros; Nông nghiệp Blairo Maggi, Giao thông Mauricio Quintella, Quốc phòng Raul Jungmann, Giáo dục Mendona Filho và Khoáng sản Fernando Coelho Filho cũng bị cáo buộc tham nhũng.

Trong khi đó, ông Aurelio Garcia, cố vấn của cựu Tổng thống Lula da Silva, tố cáo việc đình chỉ bà Rousseff trong vòng 6 tháng là một “cuộc đảo chính chính trị” và cảnh báo sự việc này sẽ trở thành một tiền lệ xấu và ảnh hưởng vô cùng tiêu cực đối với sự ổn định và nền dân chủ của các quốc gia Mỹ Latinh.

Brazil đang ở trong năm suy thoái thứ hai và các dự báo đều cho thấy nước này sẽ không thể phục hồi trước năm 2018. Là một quốc gia có sự phân hóa giàu nghèo rất lớn trong nhiều thập kỷ, Brazil đã có một sự chuyến biến đáng kể trong vòng 13 năm cầm quyền của Đảng Lao động (PT) với Tổng thống Rousseff và người tiền nhiệm Lula da Silva, với các chương trình xã hội giúp hàng chục triệu người thoát khỏi đói nghèo. Nhiều chuyên gia lo ngại chính phủ mới của Tổng thống lâm thời Temer có thể đẩy lùi những tiến bộ này.

Khủng hoảng chính trị tại Brazil xảy ra đúng lúc nước này đang chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế. Năm 2015, kinh tế Brazil tăng trưởng âm 3,8%, mức tồi tệ nhất trong vòng 25 năm qua. Bên cạnh đó, nền kinh tế đầu tàu Mỹ Latinh này phải đối mặt với thâm hụt ngân sách cao, chi tiêu tiêu dùng sụt giảm, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 6,9%, đồng nội tệ real mất giá gần 50%, lạm phát ở mức hơn 10%, nợ công tương đương 65% GDP.

Dự kiến năm nay, kinh tế Brazil sẽ lại tiếp tục suy thoái và tăng trưởng ở mức âm 3,6%. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là đợt suy thoái tồi tệ nhất của Brazil trong gần chín thập niên, kể từ cuộc Đại Suy thoái hồi thập niên 1930.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục