Brazil dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp do virus Zika

10:36' - 12/05/2017
BNEWS Bộ Y tế Brazil tuyên bố dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp do virus Zika trên cả nước sau khi số ca nhiễm virus nguy hiểm này thời gian gần đây giảm hơn 95% so với năm 2016 - thời điểm dịch Zika bùng phát.

Trong thông báo gửi Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế Brazil cho biết trong 4 tháng đầu năm nay, số trường hợp nhiễm Zika ở nước này là 7.911 ca, giảm 95,3% so với 170.535 ca vào cùng kỳ năm 2016.

Cũng theo thống kê của bộ trên, trong năm 2017, Brazil ghi nhận 230 trường hợp trẻ mắc bệnh đầu nhỏ và các bệnh liên quan đến thần kinh do nhiễm virus Zika. Tính từ năm 2015 đến nay, con số này là 2.653 trường hợp.

Điều này cho thấy chương trình hành động của Chính phủ Brazil nhằm tiêu diệt loại muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) truyền virus Zika phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, Bộ Y tế Brazil khẳng định chính phủ nước này sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp diệt muỗi và hỗ trợ người nhiễm bệnh đề phòng nguy cơ tái phát dịch bệnh.

Dịch bệnh Zika bùng phát mạnh mẽ ở Brazil, không ngừng lan rộng và lên đến đỉnh dịch vào đầu năm 2016 - trước khi diễn ra Đại hội thể thao thế giới Olympic 2016 ở thành phố Rio de Janeiro, trong khi nhiều nước trên thế giới cũng thông báo các ca nhiễm bệnh Zika.

Sau khi bùng phát tại các nước Nam Mỹ từ năm 2015, dịch bệnh do virus Zika đã xuất hiện tại hơn 70 quốc gia trên thế giới.

Tháng 2/2016, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về virus Zika do tốc độ lây truyền nhanh chóng của loại virus này. Virus Zika chủ yếu lây truyền qua vết cắn của loại muỗi Aedes aegypti nhưng cũng có thể lây qua đường tình dục.

Người nhiễm virus này có những triệu chứng nhẹ hơn bị sốt xuất huyết hoặc bệnh sốt phát ban do muỗi truyền bệnh, gồm viêm kết mạc, nhức đầu, đau cơ, đau khớp và phát ban.

Bệnh không nguy hiểm đối với người bình thường, nhưng những phụ nữ mang thai bị nhiễm Zika có thể sinh con mang dị tật đầu nhỏ - một khiếm khuyết đặc trưng của não nhỏ bất thường và kém phát triển, hoặc các vấn đề về thị giác, thính giác và di chuyển chân tay. Cho tới nay các nhà khoa học vẫn chưa bào chế được vaccine (vắc-xin) hay thuốc đặc trị phòng chống virus Zika./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục