Brexit gây hại không nhỏ cho kinh tế Đức (Phần II)

06:32' - 25/07/2016
BNEWS Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) là một sự kiện lớn có tác động nhiều mặt tới kinh tế Đức ở cả góc độ vĩ mô cấp quốc gia và vi mô cấp doanh nghiệp và các ngành kinh tế.
Đức bừng tỉnh khá muộn trước nguy cơ Brexit. Ảnh: politico.eu

Doanh nghiệp gặp khó

Brexit còn đe doạ sự tồn tại của chi nhánh nhiều doanh nghiệp Đức tại Anh hoạt động theo hình thức công ty “hữu hạn” (Ltd hoặc PLC), mà con số chi nhánh này ở Anh hiện lên tới 10.000.

Các nước EU thừa nhận lẫn nhau quyền tự do lập chi nhánh của các doanh nghiệp mỗi nước ở nước khác. Nếu Brexit xảy ra, các công ty Đức và châu Âu có thể sẽ mất đi quyền này và mô hình hoạt động của họ ở Anh buộc phải thay đổi hoặc tạm dừng.

Giống như ngành cơ khí hay xe ôtô, ngành ngân hàng của Đức cũng phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa từ Brexit bởi London được xem là trung tâm tài chính số 1 của châu Âu trong nhiều năm qua.

Deutsche Bank hiện có 8.000 nhân viên làm việc tại Anh, các ngân hàng lớn khác của Đức cũng có hàng nghìn lao động làm việc tại London, trong khi Sở giao dịch chứng khoán Đức đang có kế hoạch sáp nhập với Sở giao dịch chứng khoán London. Brexit làm cho hoạt động của ngành ngân hàng Đức trở nên thiếu ổn định và nhiều dự án tạm thời bị đình trệ.

Nhưng vẫn có cơ hội

Tuy nhiên, về mặt trung và dài hạn, trung tâm tài chính Frankfurt có thể được hưởng lợi nếu Anh rời khỏi EU. Hiện tại Frankfurt có khoảng 62.000 làm việc cho các ngân hàng, trong khi tại London con số này lên tới 144.000 người.

Trung tâm tài chính Frankfurt có thể được hưởng lợi nếu Anh rời khỏi EU. Ảnh: Reuters

Một khi Anh rời khỏi EU, các chi nhánh ngân hàng quốc tế mở tại Anh sẽ không còn được quyền tự do tiến hành các hoạt động kinh doanh ở các nước EU khác. Điều đó có nghĩa là các ngân hàng này sẽ phải tính toán đến việc rời trụ sở về các trung tâm tài chính khác thuộc EU, trong đó ưu tiên hàng đầu là Frankfurt, tiếp đến có thể là Paris hoặc Dublin.

Các ước tính cho thấy ở Frankfurt sẽ có thêm 10.000-20.000 việc làm mới trong lĩnh vực ngân hàng một khi Brexit thực sự diễn ra. Một ngành kinh tế khác của Đức cũng có thể được hưởng lợi từ Brexit, đó là ngành công nghiệp hoá chất.

Theo Viện Bertelsmann của Đức, do ngành hoá chất của Anh khá mạnh nên nếu Anh rời khỏi EU, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Đức trong ngành này ở khu vực EU sẽ được tăng lên đáng kể và tăng trưởng của công nghiệp hoá chất Đức có thể đạt thêm từ 0,5-1%.

Rõ ràng là trước phần lớn những thách thức đặt ra như trên, lợi ích của Đức là làm sao duy trì được mối quan hệ kinh tế - thương mại với Anh không quá khác biệt sau Brexit, tức là phải đảm bảo nguyên tắc được quyền tiếp cận không hạn chế thị trường của nhau, điều có ý nghĩa quyết định đối với thương mại giữa Anh với các nước EU như Đức.

Việc Anh thực sự rời khỏi thị trường EU đồng nghĩa rằng các hàng rào thuế quan có thể sẽ được dựng lên trở lại. Sự mạnh lên rõ rệt của đồng euro so với đồng bảng Anh sẽ làm hàng hoá Đức trở nên đắt đỏ và kém hấp dẫn hơn ở Anh. Đó thực sự là những viễn cảnh tồi tệ cho các hàng hoá xuất khẩu của Đức. Các tổ chức tài chính như Deutsche Bank cũng sẽ không thể tiếp tục hoạt động ở London để phục vụ các khách hàng của mình ở lục địa như trước đây.

Có thể nói, Anh không chỉ là đối tác liên minh chính trị gần gũi của Đức mà đồng thời còn là một trong những đối tác kinh tế quan trọng bậc nhất của Đức ở châu Âu và trên thế giới. Là hai nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ hai trong EU, Đức và Anh chia sẻ nhiều quan điểm, chủ trương chung trong hàng loạt chủ đề như thuế, chính sách tài chính, trợ cấp nông nghiệp, thương mại tự do, chính sách cho các tập đoàn đa quốc gia hay phát triển kinh tế số v.v...

Chính vì thế, Brexit thực sự là điều mà Đức không hề mong muốn. Sự không chắc chắn mà Brexit tạo ra đối với các thị trường và các doanh nghiệp hiện là một liều “thuốc độc” cho nền kinh tế Đức.

Quay lại phần I

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục