Brexit và triển vọng bấp bênh của châu Âu

06:03' - 12/07/2016
BNEWS Sau sự kiện người dân Vương quốc Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), được gọi là "Brexit", nhiều tín hiệu báo động liên tiếp được đưa ra trên thị trường tài chính.
Brexit và triển vọng bấp bênh của châu Âu.Ảnh: reuters

Tại London, sáu quỹ đầu tư bất động sản đã phải ngừng hoạt động do lượng tiền rút ra ồ ạt, các ngân hàng suy yếu, còn giá đồng bảng Anh trượt xuống mức thấp nhất trong 31 năm qua. Đây là nội dung chính của bài viết trên báo Le Figaro (Pháp) số ra mới đây.

Theo bài báo, trong "ngày thứ Sáu đen tối" (24/6), hơn 2.000 tỷ USD đã bị quét sạch khỏi các thị trường chứng khoán toàn cầu. Đây là hậu quả của "cơn địa chấn Brexit". Tuy nhiên, vài ngày sau đó, thị trường tài chính đã có dấu hiệu bình ổn trở lại.

Thị trường chứng khoán Phố Wall và các thị trường chứng khoán trên toàn cầu dần lắng dịu với sắc xanh xuất hiện trên các bảng điện tử. Song đây chỉ là một khoảng lặng rất ngắn, bởi thị trường chứng khoán châu Âu lại ngập tràn sắc đỏ vào ngày 6/7.

Trước tình hình đó, Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Vitor Constancio đã ngay lập tức trấn an rằng sẽ không có chuyện phá sản của một ngân hàng "Lehman Brothers" mới, nhằm giải tỏa các mối lo ngại rằng sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu như năm 2008 sau sự sụp đổ của Lehman Brothers. Tuy nhiên, ngày 6/7, tròn 10 ngày sau khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, các dấu hiệu trên các thị trường lại trở nên đáng lo ngại.

Việc sáu quỹ đầu tư bất động sản phải ngừng hoạt động để hạn chế việc các nhà đầu tư rút tiền ồ ạt đã làm tất cả mọi người hoang mang, lo lắng. Do không đoán được những gì sẽ xảy ra, nên các nhà đầu tư đang tìm kiếm những tài sản "dự trữ an toàn" và buộc phải chấp nhận cả trái phiếu chính phủ.

Tuy nhiên, ngân hàng mới là lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất do tác động của "Brexit". Ngân hàng Trung ương Anh ngay lập tức đã triển khai các biện pháp khẩn cấp. Một ngày sau cuộc trưng cầu dân ý, Thống đốc Mark Carney công bố Ngân hàng Trung ương Anh đã chuẩn bị 250 tỷ bảng tiền mặt để bơm ra thị trường. Năm ngày sau, ông đã quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để các ngân hàng có thể cung cấp cho thị trường 150 tỷ bảng, tạo điều kiện để các hộ gia đình và doanh nghiệp có thể vay vốn.

Theo chuyên gia tài chính Sylvain Broyer, rất khó để đánh giá mức độ rủi ro vì sự bất ổn phụ thuộc vào các cuộc đàm phán giữa EU và nước Anh. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là hội chứng bất ổn "hậu Brexit" lây lan rất nhanh tại các thị trường khác ở châu Âu.

Thực tế cho thấy "Brexit" đã khơi mào cho một cuộc khủng hoảng đe dọa Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). "Brexit" cũng là đòn giáng mạnh vào hệ thống ngân hàng của Italy, hệ thống vốn có nguồn lực tài chính khá thấp, có tỷ lệ nợ xấu cao lên đến hàng trăm tỷ euro.

Cụ thể, giá cổ phiếu của ngân hàng Banca Monte dei Paschi di Siena đã sụt giảm mạnh trên thị trường chứng khoán. Điều này là không thể ngăn chặn được cho dù từ nhiều tháng nay, Rome và Brussels đã tiến hành các bước cần thiết để tìm cách cứu những ngân hàng yếu kém của Italy, đồng thời tránh tình trạng lây lan sang các nước châu Âu khác.

Phát biểu với báo giới, ông Vitor Constancio khẳng định sẽ không có sự phá sản tồi tệ giống như năm 2008. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, tác động cũng như hậu quả về kinh tế đối với Vương quốc Anh và châu Âu là rất khó dự báo.

EU đã phản ứng trước cú sốc Brexit bằng cách thể hiện sự thống nhất, song những bất đồng sâu sắc về tương lai phía trước đã nhanh chóng xuất hiện, nhất là về việc nên tiếp tục “mở rộng” hay “thu hẹp” phạm vi. Trong số những nhà lãnh đạo muốn thúc đẩy một EU hội nhập hơn nữa có Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, các nhà lãnh đạo Pháp và nhiều nước thành viên phía Nam cũng như phe Dân chủ Xã hội ở châu Âu với hy vọng sẽ có thêm những chính sách thúc đẩy tăng trưởng và bớt đi các định chế tài chính.

Trong khi đó, một phe khác, muốn lãnh đạo các nước EU kiểm soát các vấn đề của châu Âu chặt chẽ hơn, gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel và các đồng minh theo hướng bảo thủ cùng nhiều nhà lãnh đạo Đông Âu.

Họ cho rằng việc cử tri Anh lựa chọn Brexit phản ánh thực tế là những người dân châu Âu đang cảm thấy thất vọng muốn giành lại quyền lực về cho đất nước trước sự chi phối của một Brussels xa cách và thiếu sâu sát. Các nhà lãnh đạo này coi những người chủ trương xây dựng EU theo cơ chế liên bang như ông Juncker là một phần của vấn đề.

Theo chuyên gia phân tích Rosa Balfour thuộc Quỹ German Marshall của Mỹ, mối đe dọa chung từ chủ nghĩa hoài nghi châu Âu ngày càng tăng đã khiến tất cả các lãnh đạo phải nỗ lực tìm câu trả lời. Bà Balfour nhận xét: “Không chỉ nước Anh suy yếu mà là cả châu Âu đang rạn vỡ. Rõ ràng là những gì xảy ra ở Anh có thể xảy ra ở nhiều nước thành viên khác.

Không chỉ Anh, cả châu Âu đang đững trước triển vọng bấp bênh. ẢNh minh họa: TTXVN

Tất cả đều cho rằng chúng ta cần phải tăng trưởng và có thêm nhiều việc làm hơn. Vấn đề là ai sẽ cầm lái? Điều này đã dẫn tới những chia rẽ về việc mở rộng hay thu hẹp châu Âu”. Câu hỏi về việc phải làm thế nào để ổn định được nền kinh tế châu Âu đang suy thoái, tạo thêm việc làm và giành lại được niềm tin của người dân là điều đang gây chia rẽ Bắc và Nam EU, và cả các phe cánh tả và cánh hữu.

Sự ra đi của Vương quốc Anh có thể sẽ khiến Thủ tướng Đức Merkel và các đồng minh bảo thủ phải tìm cách chống chọi với những ý tưởng tốn kém này. Với bà Merkel, nước Anh đã là một đồng minh then chốt trong cuộc chiến chống lại các chính sách tài chính rườm rà và lỏng lẻo của EU, và trong các nỗ lực nhằm hiện thực hóa những chính sách giúp phát triển EU thành một nền kinh tế mạnh mẽ.

Trong khi bà Merkel kêu gọi EU cho nước Anh thêm thời gian và có thể thậm chí còn lặng lẽ hi vọng Brexit sẽ không xảy ra, thì ông Juncker, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Italy Matteo Renzi liên tiếp thúc giục Vương quốc Anh khẩn trương tiến hành thủ tục chia tách.

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgan Schaeuble, một phụ tá đáng tin cậy của bà Merkel, cho rằng EU phải bỏ ngay những thái độ cao ngạo và nhanh chóng giải quyết những vấn đề cấp bách để giành lại niềm tin của người dân.

Vị Bộ trưởng đã 73 tuổi này, người rất ủng hộ dự án hội nhập châu Âu, nói: “Đây không phải lúc để có những kế hoạch xa xôi. Về nguyên tắc, tôi là người ủng hộ hội nhập sâu rộng hơn. Song giờ chưa phải thời điểm để thúc đẩy tiến trình này, nhất là khi các chiêu trò mị dân và làn sóng hoài nghi hội nhập châu Âu đang trỗi dậy”.

Rõ ràng đã có những rạn nứt trong nội các của bà Merkel và trong mối quan hệ mật thiết Pháp-Đức, hai đầu máy song hành của châu Âu. Tuần báo “Die Zeit” của Đức bình luận: “Mặc dù tất cả các bên đều công khai thể hiện sự thống nhất, song đằng sau đó lại là một cuộc xung đột cơ bản về những định hướng cho châu lục này”.

Tờ báo này cũng cho rằng vấn đề then chốt là “phải định rõ ranh giới giữa thị trường và quốc gia”. Bài viết trên tờ “Die Zeit” có đoạn: “Phe của Pháp – được hậu thuẫn bởi Italy, Ủy ban châu Âu và đa số thành viên đảng Dân chủ Xã hội Đức – muốn nắm lấy cơ hội biến khu vực đồng euro từng bước trở thành một liên minh chính trị chặt chẽ hơn, với dòng chảy tiền tệ mạnh mẽ hơn”.

Ông Jean-Dominique Giuliani, người đứng đầu tổ chức tư vấn Schumann, cho rằng những căng thẳng này, cùng thực tế là cả ông Hollande và bà Merkel sẽ phải đối mặt với các cuộc bầu cử vào năm tới khiến người ta khó có thể hy vọng vào những thay đổi đáng kể mang tính tích cực. Ông nói: “Chưa có bất kỳ ý tưởng thực tế nào được nhắc tới. Tôi e là sẽ chẳng có gì xảy ra và đó mới là vấn đề”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục