Bức bách giải quyết ùn tắc giao thông tại Tp. Hồ Chí Minh

16:05' - 14/07/2017
BNEWS Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh cho biết, ùn tắc giao thông xảy ra do các tuyến đường đã trở nên quá tải, mật độ phương tiện đông và ngày càng gia tăng.
Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn đến 37 điểm ùn tắc. Ảnh minh họa: TTXVN

Kinh tế phát triển nhanh, vận tải hàng hoá nhiều, tốc độ di dân và phương tiện xe cá nhân gia tăng chóng mặt đang đè nặng lên hệ thống hạ tầng giao thông vốn dĩ quá tải tại Tp. Hồ Chí Minh. Vì thế, giải quyết ùn tắc giao thông tại trung tâm kinh tế của cả nước đang được đặt ra một cách bức bách hơn bao giờ hết.

Nhiều điểm ùn tắc thường xuyên

Theo Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh, thành phố vẫn còn 37 điểm ùn tắc, riêng khu trung tâm có nhiều điểm phức tạp như Tôn Đức Thắng – Nguyễn Hữu Cảnh, Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lê Thánh Tôn (quận 1), đường Nguyễn Tất Thành (quận 4), Ngã Sáu công trường Dân Chủ (quận 10). Xung quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất có 6 điểm thường xuyên ùn tắc gồm Vòng xoay Lăng Cha Cả, đường Hoàng Minh Giám, giao lộ Phan Thúc Duyện – Trần Quốc Hoàn, đường Trường Chinh, giao lộ Cộng Hoà – Hoàng Hoa Thám, vòng xoay Phạm Văn Đồng – Nguyễn Thái Sơn – Bạch Đằng – Hoàng Minh Giám – Nguyễn Kiệm.

Một điểm nóng khác là khu vực cảng Cát Lái cũng có tới 3 điểm ùn tắc gồm nút giao An Phú, đường Nguyễn Thị Định (từ vòng xoay Mỹ Thuỷ đến cảng Cát Lái) và nút giao Mỹ Thuỷ. Trong khi đó, cửa ngõ thành phố cũng không mấy “sáng sủa” khi có nhiều điểm thường xuyên ùn tắc như Xa lộ Hà Nội, giao lộ Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, ngã tư Tây Hoà, ngã tư An Sương, Quốc lộ 50, ngã tư Thủ Đức...

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh cho biết, ùn tắc giao thông xảy ra do các tuyến đường đã trở nên quá tải, mật độ phương tiện đông và ngày càng gia tăng.

Tính đến ngày 15/5/2017, thành phố đang quản lý hơn 8 triệu phương tiện, trong đó có gần 650.000 ô tô, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2016, chưa kể hàng ngày có hơn 1 triệu phương tiện từ các tỉnh lưu thông trên đường.

Tốc độ lưu thông trung bình khu vực trung tâm thành phố vào giờ cao điểm sáng chỉ đạt 19km/h, giờ cao điểm chiều 18km/h, giờ thấp điểm 20,9km/h. Việc di chuyển diễn ra khó khăn nên chỉ cần có sự cố nhỏ xảy ra trên đường, nếu không xử lý kịp thời sẽ gây ùn ứ khu vực.

Mới đây, thành phố đã xây dựng và đưa vào sử dụng cầu vượt thép vào sân bay Tân Sơn Nhất và cầu vượt thép tại nút giao Phạm Văn Đồng – Nguyễn Thái Sơn – Bạch Đằng – Hoàng Minh Giám – Nguyễn Kiệm (nhánh cầu Nguyễn Thái Sơn – Hoàng Minh Giám), bước đầu giải quyết khá lớn phương tiện lưu thông qua khu vực.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa, việc hoàn thành cầu vượt vào sân bay Tân Sơn Nhất cũng chỉ mới đem lại kết quả tạm thời do kết nối độc lập giao thông vào sân bay vẫn chưa làm được.

Anh Toàn, tài xế chạy xe ô tô Grab cho biết, kể từ khi làm cầu vượt vào sân bay Tân Sơn Nhất đã giúp xe ô tô vào ga quốc tế, quốc nội nhanh hơn, không còn xung đột nặng nề tại giao đường Trường Sơn – Hồng Hà – Bạch Đằng nhưng lại gây ùn tắc nặng hơn ở khu vực Lăng Cha Cả vì xe ô tô đi ra nhiều và nhanh hơn.

Tại khu vực cảng Cát Lái cũng xảy ra tỉnh trạng ùn tắc như Xa lộ Hà Nội, Mai Chí Thọ, Vành Đai 2, nhất là đường Nguyễn Thị Định. Đặc biệt, từ đầu tháng 6/2017 đến nay, do lượng hàng hóa qua cảng tăng mạnh, nên tái diễn cảnh ùn tắc kéo dài trên các tuyến đường dẫn vào cảng.

Còn tại dự án cầu vượt thép nút giao Phạm Văn Đồng – Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn – Hoàng Minh Giám, do chỉ mới thông xe nhánh Nguyễn Thái Sơn – Hoàng Minh Giám nên chỉ giải quyết được phương tiện hướng Nguyễn Thái Sơn đi Hoàng Minh Giám trong khi lưu lượng chính theo hướng Nguyễn Kiệm – Hoàng Minh Giám, Phạm Văn Đồng – Bạch Đằng (ra sân bay) vẫn ùn tắc kéo dài.

Dự án dang dở vì “đói” vốn

Hiện nay, việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông theo quy hoạch được duyệt trên địa bàn thành phố còn chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất là thiếu hụt nguồn vốn.

Tuyến metro số 1 đang đứng trước nguy cơ chậm tiến độ khi giải ngân vốn ODA chậm (quy hoạch có 8 tuyến metro và 3 tuyến xe điện mặt đất, đường sắt một ray), đến nay vẫn chưa thực hiện được dự án bãi đậu xe ngầm nào (quy hoạch có 7 vị trí bãi đậu xe ngầm, đáp ứng khoảng 12.000 chỗ đậu xe ô tô), chưa khép kín được tuyến Vành đai 2, chưa làm Vành đai 3, 4, chỉ mới có 2/6 tuyến cao tốc, chưa có tuyến đường trên cao (quy hoạch có 5 tuyến), chưa có tuyến xe buýt nhah BRT (quy hoạch có 6 tuyến)...

Về giao thông thủy, điểm hạn chế lớn nhất của hệ thống đường thủy nội địa thành phố là nhiều cầu trên các tuyến chính có tĩnh không, khẩu độ hạn chế nên chưa phát huy hiệu quả khai thác, dẫn đến hàng hoá phụ thuộc và gây áp lực rất lớn lên hạ tầng đường bộ vốn dĩ đang quá tải.

Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng, là cửa ngõ và là trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhưng hạ tầng giao thông kết nối liên vùng giữa thành phố với các tỉnh còn yếu do chưa cân đối được vốn đầu tư.

Ông Phong cho biết, giai đoạn 2006 – 2020, chỉ tính riêng lĩnh vực giao thông, môi trường, giải quyết tình trạng ngập nước (chưa tính đến chương trình chỉnh trang đô thị) vốn đầu tư đã chiếm hơn 500.000 tỷ đồng, nhưng ngân sách thành phố cũng chỉ mới đáp ứng được 31,8%.

Tại buổi làm việc với UBND Tp. Hồ Chí Minh mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa chia sẻ, với đô thị đặc thù, việc giải quyết giao thông cho Tp. Hồ Chí Minh cần phải được ưu tiên vì đây là cửa ngõ và là trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đại diện Sở Giao thông vận tải Tp. Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2017 thành phố tập trung hoàn tất các thủ tục đầu tư, để đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành đưa sử dụng 6 công trình khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (đã hoàn thành 1 công trình), khu vực cảng Cát Lái (15 công trình), khu vực trung tâm, cửa ngõ thành phố (48 công trình), phát triển giao thông đường thủy (3 công trình) cùng với 11 công trình cấp bách khác với nhu cầu vốn hơn 38.000 tỷ đồng.

Tp. Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải ưu tiên tìm kiếm, bố trí nguồn vốn để thực hiện đầu tư các dự án tuyến đường sắt; có phương án mở thêm các cổng kết nối sân bay trên đường Thống Nhất, Trường Chinh, đường Phạm Văn Bạch, Tân Sơn, Quang Trung; sớm đầu tư dự án nút giao thông An Phú, điều tiết việc phân luồng tàu biển và vận tải hàng hóa cho cảng Cát Lái (quận 2, Tp. Hồ Chí Minh) về khu vực cảng Cát Mép – Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhằm giảm áp lực giao thông ra vào khu vực cảng Cát Lái.

Thành phố cũng kiến nghị Bộ Quốc Phòng sớm bàn giao một số khu đất quốc phòng để thực hiện dự án nhằm kéo giảm ùn tắc, trong đó có khu đất để xây dựng cầu vượt nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm./.

>>> Chuyên gia đề xuất giải pháp giảm ùn tắc giao thông

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục