Bức tranh thương mại của Trung Quốc u ám hơn tiên lượng

07:41' - 09/08/2016
BNEWS Theo thống kê vừa công bố của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GAC), hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu của cường quốc này trong tháng 7/2016 giảm sâu hơn dự kiến.
Bức tranh thương mại của Trung Quốc u ám hơn tiên lượng. Ảnh: reuters

Theo thống kê vừa công bố của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GAC), hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu của cường quốc này trong tháng 7/2016 giảm sâu hơn dự kiến, phản ánh thực trạng nhu cầu toàn cầu tiếp tục suy yếu sau sự kiện cử tri nước Anh bỏ phiếu rút khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng Bảy giảm 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi dấu tháng giảm thứ 21 liên tiếp, xuống còn 132,4 tỷ USD.

Trong khi đó, xuất khẩu giảm 4,4% xuống còn 184,7 tỷ USD.

Kết quả trên dẫn tới việc Trung Quốc thặng dư thương mại 52,31 tỷ USD trong tháng Bảy – mức cao nhất kể từ tháng 1/2016, so với con số 48,11 tỷ USD ghi nhận trong tháng Sáu.

Trước đó, giới chuyên gia dự đoán nhập khẩu và xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng Bảy giảm lần lượt ở mức 7% và 3%.

Tính trong bảy tháng đầu năm nay, nhập khẩu và xuất khẩu của Trung Quốc giảm lần lượt 10,5% và 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Ma Xiaoping, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng HSBC, nhập khẩu của Trung Quốc giảm chủ yếu do nhu cầu nội địa nước này suy yếu, bất chấp việc Bắc Kinh đã tung ra nhiều biện pháp kích thích nền kinh tế.

Theo chuyên gia này, trong thời gian tới, nhu cầu nội địa của Trung Quốc còn có thể bị ảnh hưởng hơn nữa khi chính phủ nước này đang nỗ lực cắt giảm công suất dư thừa.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ và EU – hai thị trường lớn nhất của nước này - trong tháng Bảy giảm lần lượt 2% và 3,2%.

Mặc dù tình hình xuất khẩu sang EU trong tháng Bảy đã cải thiện hơn so với tháng Sáu, các chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng ANZ cho rằng sự kiện Brexit vẫn sẽ tác động tới xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Âu trong những tháng tới.

Hiện chưa rõ Bắc Kinh đã sẵn sàng cho kế hoạch hạ lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng thương mại trong năm nay hay chưa.

Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia phân tích đều cho rằng trong thời gian tới, Chính phủ Trung Quốc sẽ tập trung vào cải cách cơ cấu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục