Bulgaria bị Tòa án châu Âu xét xử về ô nhiễm không khí

14:11' - 09/04/2017
BNEWS Bulgaria là nước thành viên đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) bị tòa án châu Âu kết tội không tuân thủ các quy định về đảm bảo chất lượng không khí.
Nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất tại Bulgaria là từ hệ thống sưởi và giao thông đường bộ. Ảnh: reuters

Theo Le Monde, Chính phủ Bulgaria thanh minh là điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn khiến các giải pháp giảm khí thải gây ô nhiễm không khí không đạt kết quả như mong muốn.

Hai nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất tại Bulgaria là từ hệ thống sưởi và giao thông đường bộ.

Do đời sống khó khăn, vào mùa đông, than và củi là hai nhiên liệu chủ yếu được người dân Bulgaria dùng để sưởi ấm, nhưng lại phát thải nhiều khí độc hại.

Tuy nhiên, các lý lẽ này không thuyết phục được các thẩm phán của EU.

Tòa án châu Âu đã yêu cầu Bulgaria khẩn cấp đưa ra các giải pháp để cải thiện chất lượng không khí, nếu không Bulgaria sẽ phải chịu các án phạt nghiêm khắc về tài chính.

Năm 2015, Italy đã bị EU phạt 20 triệu euro liên quan đến xử lý rác thải và nếu chậm áp dụng luật xử lý rác thải sẽ bị phạt thêm 120.000 euro/ngày.

Cũng vào năm 2015, Hy Lạp đã phải nộp phạt 10 triệu euro cho châu Âu và nộp thêm 3,64 triệu euro mỗi quý vì áp dụng chậm quy định của châu Âu về xử lý nước thải sinh hoạt ở đô thị.

Phát ngôn viên phụ trách về môi trường của Ủy ban châu Âu (EC) cho biết là khoản tiền phạt được tính căn cứ vào ba yếu tố: mức độ vi phạm quy định, khoảng thời gian vi phạm và điều kiện kinh tế của quốc gia đó tính dựa theo tổng thu nhập quốc nội.

Ô nhiễm môi trường là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng suy giảm tuổi thọ của một bộ phận người dân sinh sống tại các đô thị châu Âu, trong đó giao thông được cho là tác nhân chính.

Năm 2013, trên toàn châu Âu, khí thải Oxit Nitơ - được chủ yếu được sinh ra do các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch được cho là đã gây ra 68.000 trường hợp tử vong sớm.

Chất ozone cũng góp phần cướp đi sinh mạng của 16.000 người và các hạt vật chất đặc biệt được cho là nguyên nhân làm 436.000 người chết cũng trong năm 2013.

Vì thế, việc Bulgaria bị Tòa án châu Âu xét xử đã làm các tổ chức bảo vệ môi trường rất hài lòng.

Theo Ủy viên phụ trách môi trường EU, ông Karmenu Vella, việc thực hiện nghiêm túc các luật về môi trường của EU có thể tiết kiệm cho nền kinh tế châu lục số tiền lên tới 50 tỷ euro mỗi năm do giảm được các chi phí chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng như các chi phí trực tiếp khác dành cho việc xử lý các hậu quả về môi trường.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục