Bùng phát tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi lợn

10:44' - 01/09/2015
BNEWS Theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, Bộ đã thành lập đoàn công tác vào các tỉnh phía Nam. Công tác thanh, kiểm tra cho thấy tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi lợn đang bùng phát ở khu vực này.

Tình trạng sử dụng chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi tiếp tục quay trở lại ở các tỉnh, thành phía Nam và diễn biến ngày càng phức tạp là vấn đề nóng được báo chí quan tâm tại cuộc họp báo thường kỳ về kết quả công tác tháng 8 và một số nhiệm vụ trọng tâm tháng 9 năm 2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 31/8, tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, giá lợn đang cao rất dễ gây hám lợi cho người chăn nuôi, thương lái. Có thể do áp lực của thương lái ép người chăn nuôi phải sử dụng chất cấm để nâng cao tỷ lệ nạc. Thương lái mua lợn chuẩn bị xuất chuồng rồi sử dụng chất cấm trong thời gian vỗ béo.

Trước tình trạng phát hiện việc sử dụng chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi gia tăng, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ đã thành lập đoàn công tác vào các tỉnh phía Nam. Qua thanh kiểm tra cho thấy, hiện đang bùng phát chất cấm trong chăn nuôi lợn.

Ông Trần Quốc Tuấn,Quyền Chánh Văn phòng Bộ thông báo về kết quả công tác tháng 8. Ảnh: Bích Hồng/TTXVN

Đoàn công tác đã làm việc với Chi cục Thú y Tp. Hồ Chí Minh về việc phát hiện tồn dư chất cấm trong các lô lợn giết mổ. Qua kiểm tra của Chi cục Thú y Tp. Hồ Chí Minh đã phát hiện 31 mẫu dương tính với hàm lượng Salbutamol cao từ 80 đến 1.300 ppb (trong quy định chỉ cho phép 2 ppb) thuộc 7 lô lợn có nguồn gốc xuất xứ từ Đồng Nai, Tiền Giang và Long An. Chi cục Thú y Tp. Hồ Chí Minh đã có công văn tới các chi cục trên để phối hợp xử lý.

Theo ông Phạm Tiến Dũng, làm việc tại Đồng Nai cho thấy, Chi cục Thú y Đồng Nai chỉ tiến hành lấy mẫu kiểm tra và dừng lại ở đó. Tại tỉnh Long An và Tiền Giang, việc vào cuộc của địa phương để truy xuất nguồn gốc rất chậm; việc thông tin cơ quan quản lý nắm được là qua báo đài chứ không phải theo ngành dọc

Liên quan đến truy xuất về nguồn gốc lô lợn của Công ty ANCO chứa chất cấm cho thấy, Công ty chưa có biện pháp theo dõi hay kiểm soát việc xuất bán cho thương lái. Công ty chưa nắm được một số thương lái mua lợn của Công ty về nuôi vỗ béo sau đó mới xuất bán. Làm việc với Công ty CP về nguồn gốc lô lợn có chứa chất cấm, Công ty đã cung cấp hồ sơ liên quan đến 2 trang trại. Hiện cơ quan công an đang đề nghị công ty hợp tác, cung cấp tài liệu để sớm làm rõ những hành vi vi phạm về việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Ông Phạm Tiến Dũng cho rằng, hành vi sử dụng chất cấm thường ở những trang trại chăn nuôi nhỏ. Một số thương lái mua lợn xuất chuồng của các công ty rồi sử dụng chất cấm nuôi thúc, vỗ béo. Bên cạnh đó, cũng tồn tại một số kiểm dịch viên chưa làm hết trách nhiệm trong việc thực hiện quy trình kiểm dịch heo, không kiểm soát được nguồn lợn được kiểm dịch, tạo kẽ hở cho lợn sử dụng chất cấm vẫn được kiểm dịch.

Đoàn thanh tra đã đề nghị các công ty phải tăng cường việc giám sát trang trại cũng như đàn lợn khi xuất chuồng. Chi cục Thú y địa phương phải tăng cường công tác kiểm dịch cũng như phối hợp với cơ quan công an.

Tại cuộc họp báo, liên quan đến sự sụt giảm trong xuất khẩu thủy sản, theo ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, nguyên nhân chính là do thời tiết bất thuận nên thời vụ thả nuôi tôm năm nay chậm gần 2 tháng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng. Sản lượng tôm năm nay khó đạt được 700.000 tấn như kế hoạch đặt ra, vì vậy ngành đang chỉ đạo các biện pháp phấn đấu đạt mục tiêu bằng năm ngoái là 640.000 tấn.

Xuất khẩu tôm thường tăng cao vào thời điểm cuối năm do nhu cầu nhập khẩu của các nước tăng phục vụ cho các ngày lễ và hy vọng, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ được đẩy mạnh trong những tháng cuối năm./.

Bích Hồng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục