Các ngân hàng trung ương sẽ làm gì để chèo lái nền kinh tế?

07:18' - 05/04/2016
BNEWS Kết thúc quý đầu tiên 2016 đầy khó khăn cũng là lúc những tranh luận diễn ra về việc phải làm thế nào để giải quyết những vấn đề khó khăn của nền kinh tế thế giới.
Các ngân hàng trung ương sẽ làm gì để chèo lái nền kinh tế? Ảnh: euroactiv.com

Tranh luận diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng trung ương ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương dự kiến sẽ công bố biên bản họp của mình trong tuần tới.

Tuần trước, thị trường thế giới đã đón nhận nhiều tín hiệu trái chiều từ các nền kinh tế lớn của thế giới. Trong khi Mỹ và Trung Quốc lần lượt đón nhận “tin mừng” về thị trường việc làm và lĩnh vực chế tạo, thì kinh tế Nhật Bản lại gây thất vọng với số liệu kém khả quan về hoạt động trong các nhà máy và Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng “chật vật với lạm phát đi ngang”.

Chỉ số lạm phát hàng năm của Eurozone, mặc dù tăng nhẹ lên -0,1% trong tháng 3/2016 từ mức -0,2% được ghi nhận trong tháng trước đó, song vẫn cách rất xa mức mục tiêu 2% mà ECB đặt ra.

Mọi sự chú ý giờ tập trung vào cách các ngân hàng trung ương phản ứng trước những diễn biến kinh tế trái chiều.

Biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), dự kiến công bố ngày 6/4, được cho là sẽ củng cố thêm những phát biểu trước đó của Chủ tịch Fed Janet Yellen về việc cơ quan này sẽ "hành động một cách thận trọng" trong việc nâng lãi suất bởi những nguy cơ đối với kinh tế toàn cầu vẫn đang hiện hữu.

Tháng trước, dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã được điều chỉnh hạ xuống và có khả năng Fed sẽ chỉ nâng lãi suất hai lần trong năm naý.

Đồng thời, những quan ngại của Chủ tịch Janet liên quan đến việc kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và giá dầu xuống thấp sẽ “đè nặng” lên nền kinh tế số một thế giới cũng được thị trường coi như một chỉ dấu rằng Fed có khả năng sẽ không nâng lãi suất vào tháng Sáu tới.

Trong khi đó, biên bản họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), dự kiến công bố ngày 7/4 tới, sẽ cung cấp manh mối về việc liệu ngân hàng này có còn “đất” để tiếp tục tung ra các biện pháp kích thích kinh tế hay không, sau khi Chủ tịch Mario Draghi cho hay lãi suất tại khu vực châu Âu đã “chạm đáy”.

Tại Trung Quốc, thị trường đang chờ đợi thông tin cập nhật về dự trữ ngoại tệ dự kiến được công bố ngày 7/4. Các chuyên gia phân tích thuộc ngân hàng Standard Chartered cho hay việc thực thi các biện pháp nhằm kiểm soát nguồn vốn hiện tại, đi kèm với tâm lý thận trọng của Fed đối với các biện pháp thắt chặt kinh tế Mỹ, sẽ giúp cải thiện dòng vốn của Trung Quốc và hạn chế tình trạng giảm dự trữ ngoại tệ của nước này trong thời gian tới.

Dự trữ ngoại tệ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ước giảm 10 tỷ USD xuống còn 3.192 tỷ USD vào cuối tháng 3/2016.

Cùng với đó, các ngân hàng trung ương khác của thế giới như Ngân hàng trung ương Australia và Ngân hàng trung ương Ba Lan dự kiến vẫn sẽ “trung thành” với chính sách lãi suất thấp kỷ lục, trong khi Ngân hàng trung ương Ấn Độ nhiều khả năng sẽ hạ lãi suất trong cuộc họp chính sách vào ngày 5/4 khi lạm phát giảm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục