Cảnh báo của WHO về thịt đỏ tác động đến 180.000 lao động Italy

14:52' - 31/10/2015
BNEWS Báo chí Italy đưa thống kê cho thấy lượng tiêu thụ thịt đỏ đang có xu hướng giảm do cảnh báo các sản phẩm từ thịt đỏ có thế gây ung thư.

Những cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về việc ăn thịt đỏ và các sản phẩm từ thịt đỏ có thể gây ung thư đang tiếp tục gây ra những lo ngại lớn trong ngành nông nghiệp Italy (I-ta-li-a). Báo chí Italy đưa ra các thống kê cho thấy, lượng tiêu thụ thịt đỏ đang có xu hướng giảm do cảnh báo này. 

Ảnh minh họa. Ảnh: gettyimages.com

Theo Hiệp hội những người làm nông nghiệp Italy (Coldiretti), Italy đã thiệt hại ước chừng 12 tỷ euro trong vòng 15 năm qua do lượng tiêu thụ nông phẩm giảm, sau khi người tiêu dùng bị tác động từ những cảnh báo bệnh dịch. 

Coldiretti cho rằng, các cảnh báo về tác hại đối với sức khỏe sau khi xảy ra các bệnh dịch đã khiến người tiêu dùng hoảng hốt và ngưng hoặc giảm mua các nông phẩm có liên quan, nhưng việc các cơ quan hữu quan không có hoặc chậm trễ trong việc cung cấp các thông tin cần thiết cho người tiêu dùng về bệnh dịch, cũng như làm rõ nguồn gốc của các sản phẩm còn gây tác hại lớn hơn, bởi điều này ảnh hưởng đến cả những sản phẩm không dính dáng gì đến bệnh dịch. 

Coldiretti cho rằng, cảnh báo của WHO có thể làm giảm 20% lượng tiêu thụ thịt đỏ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến 180.000 người làm trong lĩnh vực liên quan đến các loại thịt đỏ, với doanh thu mỗi năm 32 tỷ euro, chiếm 20% tổng doanh thu của toàn ngành nông nghiệp Italy hàng năm. Coldiretti hối thúc Bộ Y tế và Bộ Chính sách nông nghiệp Italy cũng như các cơ quan truyền thông phải có những chiến dịch thông tin để người tiêu dùng hiểu rằng, thịt đỏ của Italy có "chất lượng tốt" và "ít béo". 

Nhật báo kinh tế và tài chính hàng đầu Il Sole 24 Ore cho rằng, còn quá sớm để ước tính lượng tiêu thụ thịt đỏ ở Italy đã giảm bao nhiêu phần trăm trong những ngày qua, sau khi WHO xếp thịt đỏ (thịt bò, cừu) cũng như các sản phẩm chế biến (xúc xích, dăm bông, thịt hun khói) vào hạng mục đồ có thể dẫn đến ung thư. 

Ngành nông nghiệp Italy đã từng chịu thiệt hại nặng nề vì các đợt dịch trước đây liên quan đến gia cầm và gia súc. Dịch bò điên năm 2001, cúm gà các năm 2003 và 2005 đã khiến Italy lao đao, khi ngành nông nghiệp đình đốn. Đợt dịch bò điên ở châu Âu năm 2001 đã khiến tiêu thụ thịt bò ở Italy giảm mạnh, làm nông nghiệp Italy thiệt hại hơn 2 tỷ euro, mặc dù bệnh dịch này xảy ra chủ yếu ở các nước Bắc Âu chứ không ở Italy.

Các thông tin liên tiếp về đợt dịch này, cùng với cảnh báo bò điên đã khiến người tiêu dùng lo ngại, dù Italy là một trong những thị trường tiêu thụ nhiều thịt bò nhất châu Âu và thế giới. Trong dịch cúm gà 2005, tiêu thụ thịt gà ở Italy đã giảm 60%, bất chấp việc các cơ quan hữu quan đã tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt hơn chất lượng và nguồn gốc sản phẩm.

Italy còn bị ảnh hưởng bởi những cảnh báo liên quan đến thịt bò có thể có chất dioxin vào năm 2008, khi người ta lo ngại rằng, bò ăn cỏ có chất dioxin ở một số vùng miền Nam Italy bị ô nhiễm nặng có thể làm cho thịt có dư chất này cao hơn nhiều lần mức cho phép. Hai năm sau, tiêu thụ mozzarella, phó mát từ sữa trâu có xuất xứ từ miền Nam Italy, cũng giảm sút vì những cáo buộc trâu ăn cỏ có dioxin. 

Trương Anh Ngọc (P/v TTXVN tại Roma) 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục