Các biện pháp phòng vệ thương mại đã áp dụng phổ biến ở nhiều nước

15:46' - 21/06/2016
BNEWS Sáng nay, ngày 21/6 tại Tp. Hồ Chí Minh đã diễn ra hội thảo "Biện pháp phòng vệ thương mại trong bối cảnh hội nhập và vai trò của hệ thống cảnh báo sớm".

Tại hội thảo "Biện pháp phòng vệ thương mại trong bối cảnh hội nhập và vai trò của hệ thống cảnh báo sớm", tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, ngày 21/6, bà Phạm Hương Giang, Phó trưởng Phòng Xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại của doanh nghiệp nước ngoài (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, các biện pháp phòng vệ thương mại đang được nhiều nước áp dụng phổ biến; trong đó nền kinh tế kiện nhiều nhất là Mỹ, EU, Ấn Độ, Brazil... 

Thủy, hải sản là một trong nhiều ngành của Việt Nam bị kiện bán phá giá nhất. Ảnh minh họa: TTXVN

Cụ thể, chống bán phá giá là công cụ được các quốc gia sử dụng nhiều nhất trong các biện pháp phòng vệ thương mại, trong 5.448 vụ phòng vệ thương mại trên thế giới thì chống bán phá giá chiếm 4.757 vụ.

Riêng thống kê số vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam tính đến tháng 5/2016, có 12 vụ lẩn tránh thuế chống bán phá giá, 20 vụ tự vệ, 7 vụ chống trợ cấp, 64 vụ chống bán phá giá. Từ đó, có thể thấy vấn đề lớn nhất mà hàng hóa Việt Nam đã và đang đối mặt tại các thị trường xuất khẩu là bị áp dụng chống bán phá giá.

Thông qua các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), những thị trường rộng lớn đang mở cửa cho các nhà sản xuất, nhà xuất khẩu, nhưng tình hình thực tế của doanh nghiệp Việt Nam là quy mô xuất khẩu còn nhỏ, chất lượng tăng trưởng chưa cao, cơ cấu chuyển dịch ngành còn hạn chế.

Mặt khác, hàng hóa Việt Nam liên tục đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại, không chỉ tăng về số lượng mà còn số lượng thị trường khởi kiện hàng hóa Việt Nam ngày càng mở rộng. Hệ quả là hàng hóa Việt Nam bị áp thuế cao tại các thị trường xuất khẩu, tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Đánh giá về hệ quả của các vụ kiện chống bán phá giá, các chuyên gia khác cho rằng, hệ quả nghiêm trọng nhất là doanh nghiệp bị suy giảm lợi nhuận, giảm lợi ích đáng lẽ được nhận từ các cam kết mở cửa của FTA. Bên cạnh đó, doanh nghiệp buộc phải chuyển hướng tìm kiếm các thị trường xuất khẩu khác hoặc đối mặt với khả năng bị kiện "domino" từ các nước khác.

Ngoài ra, nhiều công ty FDI Việt Nam sau khi bị áp thuế, đã chấm dứt hoạt động và chuyển hướng xây dựng nhà máy tại các nước khác, còn cản trợ sự phát triển của ngành công nghiệp, giảm nguồn thu ngoại tệ.

Trước tình hình trên, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã xây dựng hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá, nhằm cung cấp thông tin về các biện pháp phòng vệ thương mại đang được áp dụng ở nhiều thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam và hỗ trợ doanh nghiệp phòng tránh các rủi ro bị kiện chống bán phá giá.

Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh, hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá là công cụ trợ giúp doanh nghiệp, hạn chế thiệt hại của các vụ kiện chống bán phá giá, cảnh báo nguy cơ bị kiện tại những thị trường xuất khẩu, hỗ trợ thông tin điều tra và rà soát. Song song đó, hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá cũng cập nhật dữ liệu xuất nhập khẩu, thông tin thị trường, quy định pháp lý.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục