Các chính sách nhập cư châu Âu và hệ lụy

12:38' - 08/08/2016
BNEWS Quyết định chấp nhận đơn xin tị nạn của những người chạy trốn cuộc xung đột tại Syria của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khiến nhiều người bày tỏ lo ngại về những tác động "xấu" của chính sách này.
Nhiều người bày tỏ lo ngại về các chính sách tiếp nhận người nhập cư những người chạy trốn cuộc xung đột tại Syria của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh minh họa: TTXVN

Các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào người dân vô tội tại châu Âu, mà mới đây nhất là cuộc xả súng tại trung tâm thương mại Olympia gần sân vận động Olympic (Munich), đang gây ra tâm lý hoảng loạn và làm dấy lên quan ngại về các chính sách của Thủ tướng Đức Angela Merkel “mở cửa” tiếp nhận người nhập cư sau một thời gian tạm lắng dịu.

Trong nửa cuối năm 2015, quyết định của Thủ tướng Đức Angela Merkel chấp nhận đơn xin tị nạn của những người chạy trốn cuộc xung đột tại Syria đã dẫn đến làn sóng người tị nạn ồ ạt đổ vào Đức, khiến nhiều người bày tỏ lo ngại về những tác động kinh tế, xã hội và chính trị của chính sách đó.

Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Chính phủ Đức và làm gia tăng căng thẳng trong Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo của bà Merkel, cũng như trong nội bộ châu Âu. Để giải quyết tình trạng trên, bà Merkel đã siết chặt các quy định xin tị nạn vào Đức và chấp nhận áp dụng biện pháp kiểm soát đường biên giới dọc tuyến đường di cư từ Balkan, cũng như ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về việc hạn chế số người vào Liên minh châu Âu (EU).

Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN

Tuy nhiên, việc nước Đức vừa trải qua hai cuộc tấn công liên tiếp trong vòng một tuần, và một trong số đó được gây ra bởi một thiếu niên tị nạn trên chiếc xe lửa ở Wuerzburg hôm 19/7 đã một lần nữa kích động những người phản đối vốn cho rằng người nhập cư là mối đe dọa lớn đối với quốc gia đầu tàu châu

lục.

Trong khi tại một số nước châu Âu như Pháp hay Bỉ, những lo ngại về an ninh đang khiến cộng đồng người Hồi giáo và nhập cư bị xa lánh, dễ khiến những thanh niên trẻ trở nên cực đoan và bị tiêm nhiễm những tư tưởng hận thù hoặc có những hành động quá khích.

Trước đó, thành phố Nice của nước Pháp cũng đã trải qua một đêm quốc khánh kinh hoàng (14/7) sau khi một chiếc xe tải lao vào đám đông vừa xem xong pháo hoa với tốc độ cao, khiến hàng trăm người thương vong. Một nghiên cứu mới đây do Văn phòng ForwardKeys tiến hành cho thấy Paris là thành phố bị ảnh hưởng nhất châu Âu vì các vụ tấn công khủng bố.

Trong khoảng thời gian từ tháng 11/2015 đến tháng 3/2016, lượng du khách quốc tế đến Pháp giảm 22% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù số lượng đặt phòng khách sạn tại Paris có sự phục hồi nhẹ, tăng khoảng 4% nhờ EURO 2016, nhưng lượng đặt chỗ trong tháng Tám, tháng cao điểm của mùa du lịch, đã giảm 10%.

Rất nhiều khách du lịch Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ đã hủy đặt phòng trước đó. Một nghiên cứu khác của MKG Hospitality cho biết doanh thu ngành khách sạn giảm 270 triệu euro trong thời gian kể trên, tương đương với 1,7% tổng doanh thu hàng năm của lĩnh vực khách sạn.

Những bất đồng liên quan đến tương lai của chính sách mở cửa tiếp nhận người nhập cư vào châu Âu mà Thủ tướng Merkel áp dụng đang ngày càng "nóng"; khi trên thực tế, châu Âu đã không còn được coi là mảnh đất bình yên từ năm ngoái sau loạt vụ khủng bố tại Pháp, mà đỉnh điểm là vụ tấn công đẫm máu vào “kinh đô ánh sáng” Paris hồi tháng 11/2015 cướp đi sinh mạng của 130 người.

Điểm đáng lưu ý là thủ phạm các vụ tấn công đều là người gốc nhập cư hoặc đang xin tị nạn. Theo số liệu của giới chức Đức, trong năm 2015 đã xảy ra 1.029 vụ tấn công nhằm vào các khu trại của người tị nạn, tăng so với con số 199 hồi năm 2014. Riêng trong quý I/2016 đã xảy ra gần 300 vụ tấn công vào các trại tị nạn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục