Các nước Bắc Âu tỏ ra “lạnh nhạt” hơn đối với người nhập cư

10:22' - 10/11/2015
BNEWS Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan và Thụy Điển đã bắt đầu thắt chặt các chính sách dành cho người tị nạn.
Lượng người di cư đổ về các nước Bắc Âu ngày càng đông. Ảnh: Reuters/TTXVN

Giới phân tích cho rằng những người tìm kiếm tị nạn đổ về Scandinavia đang cảm nhận được sự chào đón lạnh nhạt hơn bởi số lượng người tới đây đã tăng vọt và các đảng cực hữu ngày càng có ảnh hưởng đến chính sách nhập cư.

Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan, cũng như Thụy Điển - những nước từ trước đến nay đặc biệt chào đón người nhập cư - đã bắt đầu cắt giảm những hỗ trợ mà họ cung cấp cho những người mới đến, đồng thời thắt chặt các chính sách về người tị nạn.

Asle Toje - chuyên gia người Na Uy về quan hệ quốc tế - nói: “Dường như đang có một sự phản đối rất lớn nhằm cắt giảm những trợ cấp xã hội tối ưu nhất cho những người tìm kiếm tị nạn”.

Chính sách về người nhập cư của Đan Mạch đã được thắt chặt hơn kể từ năm 2001, khi đảng Nhân dân Đan Mạch (DPP) cực hữu bắt đầu gây ảnh hưởng đến quá trình hoạch chính sách.

Tháng 7/2015, ngay sau khi DPP trở thành đảng lớn thứ hai trong nước sau các cuộc bầu cử, Đan Mạch bắt đầu cắt giảm hỗ trợ cho những người tìm kiếm tị nạn để giảm bớt dòng người đổ về đây.

Theo luật mới, có hiệu lực từ tháng 9/2015, một người nhập cư mới đến không tính kèm trẻ em hiện được nhận 5.945 krone (797 euro/897 USD) mỗi tháng, so với con số 10.849 krone mà họ được nhận trước đó. Động thái này có vẻ đã mang lại hiệu quả như mong muốn, bởi số người tìm kiếm tị nạn trong tháng 9/2015 đã giảm so với năm trước, mặc dù vẫn ở mức cao kỷ lục tại những nơi khác ở châu Âu.

Những người Syria, Afghanistan và Eritrea vẫn đang ồ ạt đổ về Đan Mạch, nhưng nhìn chung họ cũng đang di chuyển đến những nơi khác được cho là “hiếu khách” hơn.

Lãnh đạo đảng DPP Kristian Thulesen Dahl nói: “Nhiều người trong số đó nói rằng các điều kiện dành cho họ ở những nước khác tốt hơn, có thể như Thụy Điển, bởi vậy họ di chuyển tới đó”. DPP, một đồng minh vô cùng quan trọng của chính phủ thiểu số dưới sự lãnh đạo của đảng Tự do ở Đan Mạch, đang làm tất cả có thể để khiến nước này trở nên kém hấp dẫn hơn với người tị nạn.

Na Uy và Phần Lan, hai nước đều nằm dưới sự lãnh đạo của các chính phủ gồm những nhân vật phản đối người nhập cư, cũng đang thực hiện cắt giảm các dịch vụ an sinh xã hội và thắt chặt điều kiện cho việc xin visa đoàn tụ gia đình, cấp quyền công dân hoặc visa thường trú.

Joran Kallmyr - Bộ trưởng Tư pháp Na Uy và là thành viên của đảng Tiến bộ cánh hữu theo chủ nghĩa dân túy - nói: “Rõ ràng, các nước Bắc Âu có hệ thống phúc lợi xã hội hào phóng, nhưng chúng ta phải tự hỏi rằng liệu chúng ta có nên chia sẻ với những người nhập cư hay không”.

Các nước Bắc Âu bắt đầu thắt chặt chính sách nhập cư. Ảnh: Reuters/TTXVN

Na Uy, một hòn đảo thịnh vượng nhờ vào sản xuất khí hydrocarbon, đang trở nên khó có thể duy trì cuộc sống sung túc của họ bởi giá dầu sụt giảm.

Thậm chí Thụy Điển, một quốc gia theo chủ nghĩa tự do, mặc dù đang tiếp nhận nhiều người tị nạn hơn bất cứ quốc gia EU nào khác nếu tính theo đầu người - dự đoán khoảng 190.000 người trong năm 2015 so với dân số chưa đầy 10 triệu dân - đã quyết định giảm bớt các chính sách hào phóng.

Cùng với việc nổi lên của đảng Dân chủ Thụy Điển cực hữu, vương quốc này đang đề nghị rằng các đối tác châu Âu phải chia sẻ thêm gánh nặng, đồng thời có kế hoạch thắt chặt các điều kiện cho visa đoàn tụ gia đình.

Magnus Hagevi - nhà khoa học chính trị tại Đại học Linnea - nói: “Các thành viên của đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển đang lo sợ về việc mất đi số phiếu ủng hộ về tay các thành viên đảng Dân chủ Thụy Điển - những người đang lợi dụng mối lo sợ của người dân về lượng người nhập cư ồ ạt đổ về Thụy Điển.

Chúng tôi đã chứng kiến các vụ đốt phá nhằm vào các cơ sở tiếp nhận người nhập cư ở khắp Thụy Điển - người dân cũng đang lo ngại về cái giá của việc tiếp nhận người nhập cư. Nhiều người lo sợ về tương lai và ảnh hưởng của người nhập cư với hệ thống an sinh xã hội”.

Các nước Bắc Âu cũng đang cố gắng sử dụng truyền thông để giúp ngăn chặn dòng người tị nạn ngay từ điểm xuất phát. Tháng 9/2015, Đan Mạch tiến hành chiến dịch tuyên truyền trên báo chí Liban để cảnh báo về các luật lệ mới liên quan đến người tị nạn, với hy vọng sẽ làm nhụt chí những người tị nạn Syria.

Na Uy và Phần Lan đã cố gắng tìm hiểu các thông điệp đang lan truyền trên mạng xã hội Facebook, nơi một loạt người di cư tìm hiểu thông tin để so sánh các điểm đến khả thi.

Bộ trưởng Tư pháp Na Uy Kallmyr nói: “Những kẻ buôn người đang lan truyền tin đồn trên các mạng xã hội để rao bán các suất đi, với việc thuyết phục người dân để họ tin rằng họ nên rời châu Âu ngay bây giờ bởi biên giới các nước đang mở rộng. Chúng ta nên cải chính các tin đồn này… và giải thích rõ về những gì đang đón chờ họ - viện trợ bị cắt giảm, khó khăn trong việc đoàn tụ gia đình và rất nhiều yêu cầu bị từ chối”.

Chuyên gia Toje có quan điểm khác biệt hơn. Ông nói: “Những người tị nạn không phải tới đây chỉ để tận dụng hệ thống an sinh xã hội. Họ bỏ trốn khỏi những nước đang diễn ra chiến tranh, xung đột và độc tài. Bởi vậy, nếu chúng ta cắt giảm các dịch vụ an sinh xã hội, tôi không cho rằng điều đó sẽ giúp giảm bớt số lượng người tìm kiếm tị nạn”.

TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục