Các nước xuất khẩu nguyên liệu loay hoay với bài toán tăng trưởng

07:32' - 09/09/2016
BNEWS Các nước xuất khẩu nguyên liệu nhìn chung thoát ra khỏi khủng hoảng kém hơn các nước nhập khẩu.
Các nước xuất khẩu nguyên liệu loay hoay với bài toán tăng trưởng. Ảnh: TTXVN

Báo "Le Monde" (Pháp) số ra mới đây cho biết đã có một sự trùng lặp về thời gian biểu đáng chú ý: Ngày 31/8 Quốc hội Brazil bỏ phiếu phế truất nữ Tổng thống Dilma Rousseff đồng thời cũng là ngày công bố số liệu tăng trưởng chính thức của quý II/2016 với một kết quả xấu là Tổng sản lượng quốc nội (GDP) của Brazil giảm 0,6% và là quý thứ sáu liên tiếp nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh có tăng trưởng âm.

Vài giờ sau, Nigeria cũng thông báo các số liệu thống kê đáng lo ngại: Nền kinh tế quốc gia co lại tới 2% trong quý II/2016 so với cùng kỳ năm trước, đẩy nước này chìm sâu vào cơn suy thoái.

Giữa hai nước nói trên có một điểm chung là đều là các quốc gia xuất khẩu nguyên liệu lớn của thế giới. Và họ không phải là hai quốc gia riêng rẽ đang phải đương đầu với làn gió "ngược chiều". Trên thực tế, nhiều nước có nền kinh tế mới nổi và đang phát triển hiện đang ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng yếu hơn nhiều so với thời điểm trước khủng hoảng 2008.

Các nước này chia làm hai nhóm gồm xuất khẩu và nhập khẩu. Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu xuất bản tháng 6/2016, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định: "Các nước xuất khẩu nguyên liệu nhìn chung thoát ra khỏi khủng hoảng kém hơn các nước nhập khẩu".

WB mới đây cũng đã hạ dự báo triển vọng tăng trưởng của nhóm nước thứ nhất: Năm 2016, tỷ lệ tăng trưởng của các nước này sẽ chỉ đạt khoảng 0,4%, nhỉnh hơn một chút so với mức 0,2% của năm 2015. Một bức tranh trái ngược đối với nhóm nước nhập khẩu, dự báo sẽ tăng 5,8% năm nay.

Ngoài Nigeria và Brazil, kinh tế Nga nhiều khả năng sẽ bị sụt giảm tới 1,2% trong năm nay, theo nhận định của WB. Nam Phi - quốc gia xuất khẩu vàng, bạch kim và than hàng đầu thế giới - cũng bị ảnh hưởng rất mạnh, với tăng trưởng có thể chỉ đạt 0,6%. Trong khi kinh tế Argentina sẽ giảm 0,5%, Azerbaidjan là -1,9%. Đặc biệt, Venezuela sẽ suy giảm tới 10,7%.

Tăng trưởng yếu chủ yếu bắt nguồn từ nguyên nhân nhu cầu của Trung Quốc, nước tiêu thụ than đá, khoáng sản và phân bón nông nghiệp, giảm sút mạnh từ hai năm nay.

Tuy vậy, đây không phải là nguyên nhân duy nhất. "Họ (các nước xuất khẩu nguyên liệu) đã không tranh thủ được những năm tháng huy hoàng trước khủng hoảng để đa dạng hóa nền công nghiệp, nâng cấp trình độ sản xuất và tăng sức cạnh tranh", ông Christopher Dembik, kinh tế gia của Ngân hàng Saxo tóm tắt.

Sự phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu kim loại hoặc ngũ cốc không chỉ làm suy yếu các doanh nghiệp và việc làm trong các lĩnh vực liên quan mà còn nhấn chìm ngân sách công. Lý do là trước khi giá dầu sụt giảm, tiền thu từ dầu khí chiếm 70% nguồn thu ngân sách của Angola và Nigeria, khoảng 50% của Nga. Do không thể tìm được khoản tiền đủ bù đắp, các nước buộc phải cắt giảm chi tiêu.

Ngoài ra, việc "tài chính hóa" các loại nguyên liệu trao đổi trên thị trường cũng là một yếu tố tác động. Hiện nay, nguyên liệu trên thực tế được giới đầu tư quốc tế coi như là một sản phẩm tài chính, giống như các loại cổ phiếu hay trái phiếu. Với việc tránh xa Brasilia, Luanda và Pretoria, giới đầu tư quốc tế trên thực tế đã khởi động chảy máu dòng vốn khỏi các thị trường đó.

Xu hướng này, càng mạnh hơn kể từ năm 2013 khi họ dự báo Mỹ sẽ tăng lãi suất chủ đạo, kích thích nhiều quỹ đầu tư thu hồi dòng vốn chuyển về Mỹ. "Trên bức tranh đã tương đối phức tạp này còn có thêm nhiều vấn đề chính trị rắc rối khác, như tại Brazil, hay địa chính trị tại châu Phi, khiến cho dòng vốn phải tháo chạy", ông Subran nói.

WB cảnh báo nếu xu hướng này tiếp tục kéo dài, tăng trưởng chậm hoặc suy thoái kinh tế sẽ quét sạch những nỗ lực mà các nước xuất khẩu nguyên liệu đã cố gắng tiến hành từ nhiều năm nay để đuổi kịp mức sống của các quốc gia công nghiệp phát triển. Giá nguyên liệu tới đây được dự báo có thể sẽ tiếp tục duy trì ở mức đáy trong nhiều tháng, thậm chí trong nhiều năm.

"Điều đó phụ thuộc một phần vào Trung Quốc, nước đang tiến hành điều chỉnh mô hình tăng trưởng. Nhưng không ai có thể khẳng định liệu nhu cầu của Trung Quốc một ngày nào đó có thể quay trở lại mức như trước khủng hoảng hay không", Philippe Waechter, chuyên gia của Quỹ quản lý đầu tư Natixis, cho biết.

Trước mắt, sức bật của Trung Quốc sẽ không thể giải quyết được các vấn đề cơ cấu. Để củng cố nền kinh tế, Brazil sẽ phải đầu tư ồ ạt vào cơ sở hạ tầng, Nigeria đặt cược vào đổi mới sáng tạo còn Nam Phi phải tăng cường cho hệ thống đào tạo đồng thời khắc phục tình trạng bất bình đẳng xã hội.

Tuy nhiên, những vấn đề này không thể thực hiện "một sớm một chiều", mà ít nhất cần cả một thập niên. Ngược lại, giá nguyên liệu thấp sẽ mở ra cơ hội cho nhiều nước.

Theo ông Subran, điều đó "sẽ làm cho nền kinh tế châu Âu ‘thở phào nhẹ nhõm’, cho phép họ nối lại tăng trưởng nhanh hơn. Các nền kinh tế mới nổi không sản xuất nguyên liệu cũng được hưởng lợi, nhất là ở châu Á".

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục