Các phương án thuế giá trị gia tăng với hàng hoá phục vụ sản xuất nông nghiệp

10:14' - 16/09/2017
BNEWS Nếu phải chịu thuế giá trị gia tăng, cơ sở sản xuất máy móc, thiết bị, cơ sở đóng tàu không được khấu trừ thuế đầu vào mà phải hạch toán vào chi phí.

Bộ Tài chính đang dự thảo sửa đổi thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ nhằm mục tiêu giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng và nhóm chịu thuế suất 5% ở khâu trung gian để bảo đảm tính liên hoàn của thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp được khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào qua đó giảm giá thành sản phẩm tiêu dùng cuối cùng.

Các phương án thuế giá trị gia tăng với hàng hoá phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN

Đồng thời, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, bảo đảm phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và tàu đánh xa bờ sản xuất trong nước cạnh tranh bình đẳng với hàng hóa nhập khẩu cùng loại

Theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành, do “phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ” thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này gặp khó khăn do không được kê khai, khấu trừ và hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào mà phải tính vào chi phí, khiến giá thành tăng, bất lợi trong cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Lý do nhiều loại máy móc, thiết bị vừa sử dụng được cho sản xuất nông nghiệp, vừa dùng được vào mục đích khác, như rơ moóc, đèn (để sưởi), quạt (để thông gió làm mát)... nên dẫn đến vướng mắc trong thực hiện.

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp kiến nghị xác định linh kiện, cụm linh kiện, phụ tùng thay thế để lắp thành các loại máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, để đóng tàu đánh bắt xa bờ không chịu thuế giá trị gia tăng, kể cả trường hợp nhập khẩu về bán lại cho cơ sở khác sản xuất lắp ráp.

Nếu phải chịu thuế giá trị gia tăng, cơ sở sản xuất máy móc, thiết bị, cơ sở đóng tàu không được khấu trừ thuế đầu vào mà phải hạch toán vào chi phí.

Trường hợp xác định không chịu thuế giá trị gia tăng thì sẽ tạo kẽ hở để lợi dụng do những linh kiện, cụm linh kiện, phụ tùng thay thế này có thể lắp vào máy móc, thiết bị không phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, lắp vào tàu không dùng cho đánh bắt xa bờ.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp và đóng tàu đánh bắt xa bờ, Bộ Tài chính đề nghị 2 phương án.

Phương án 1 là chuyển phân bón, tàu đánh bắt xa bờ và một số loại máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, bao gồm: máy cày, máy bừa, máy cấy, máy gieo hạt, máy tuốt lúa, máy gặt, máy gặt đập liên hợp, máy thu hoạch sản phẩm nông nghiệp, máy hoặc bình bơm thuốc trừ sâu sang đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với thuế suất 5%;

Đối với loại máy móc, thiết bị không chỉ sử dụng trong nông nghiệp mà còn dùng cho nhiều ngành sản xuất khác sang đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất thông thường 10% (đề xuất sửa đổi thuế suất tại điểm 1.2 trong dự thảo).

Theo phương án này, doanh nghiệp sản xuất phân bón, đóng tàu và những máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.

Do số thuế giá trị gia tăng đầu ra tính theo mức thuế suất 5% trong khi máy móc, thiết bị, sắt, thép, nguyên vật liệu khác, điện, nước sản xuất... đầu vào chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất 10% nên những doanh nghiệp này cơ bản được hoàn thuế giá trị gia tăng.

Phương án 2, chuyển phân bón, tàu đánh bắt xa bờ và máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp sang đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất phổ thông 10% (đề xuất sửa đổi thuế suất tại điểm 1.2 trong dự thảo).

Phương án này khiến giá cả phân bón, tàu đánh bắt xa bờ, máy cày, máy bừa, máy cấy, máy gieo hạt, máy tuốt lúa, máy gặt, máy gặt đập liên hợp, máy thu hoạch sản phẩm nông nghiệp, máy hoặc bình bơm thuốc trừ sâu tăng lên do phải trả thuế giá trị gia tăng (tăng thêm 5% khi mua sản phẩm, hàng hóa này).

Số thu ngân sách nhà nước tăng nhưng doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và người nông dân đều không được hưởng lợi trực tiếp.

Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc phương án 1./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục