Các quốc gia Đông Á nỗ lực thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực

19:29' - 05/08/2016
BNEWS Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Đông Á lần thứ 4 (EAS 4) vừa diễn ra vào ngày 5/8 trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) lần thứ 48 và các Hội nghị liên quan.
Hội nghị Bộ trường Kinh tế Đông Á tại thủ đô Viêng Chăn, Lào. Ảnh: Phạm Kiên – Phóng viên TTXVN tại Lào

Hội nghị có sự tham dự của các Bộ trưởng/Thứ trưởng Kinh tế đến từ 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga và Mỹ. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú làm trưởng đoàn.

Bộ trưởng các nước đối tác đã hoan nghênh sự ra đời của Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC), coi đây là một bước ngoặt tích cực cho sự hội nhập kinh tế của khu vực.

Tại hội nghị, các Bộ trưởng đã trao đổi quan điểm về diễn biến tình hình kinh tế khu vực; ghi nhận rằng Tổng sản phẩm nội khối (GDP) của EAS đạt 41.670 tỷ USD vào năm 2015, giảm nhẹ so với mức 42.020 tỷ USD vào năm 2014. Tổng kim ngạch trao đổi thương mại của ASEAN với 8 nước đối tác trong EAS trong năm 2015 là 1.050 tỷ USD so với 1.110 tỷ vào năm 2014.

Trao đổi thương mại của ASEAN với các nước khác trong EAS chiếm tới 46,3 tổng kim ngạch thương mại của ASEAN trong khi Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các nước trong EAS vào ASEAN trong năm 2015 lên tới 52,1 tỷ USD, chiếm tới 43,4% dòng vốn FDI của ASEAN.

Thảo luận về các quan hệ đầu tư và thương mại cũng như các diễn biến kinh tế toàn cầu, các Bộ trưởng ghi nhận nguy cơ suy giảm kinh tế toàn cầu vẫn hiện hữu. Kinh tế toàn cầu trong năm 2016 được dự báo chỉ tăng trưởng ở mức 3,1%, trước khi có thể đạt được 3,7% vào năm 2017.

Tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển dự kiến chỉ ở mức 1,8% năm 2016 trong khi ở các nước đang nổi và đang phát triển dự kiến chỉ khoảng 4,1% so với mức 4% trong năm 2014, do sự suy giảm tiếp tục của kinh tế Trung Quốc…

Các Bộ trưởng cho rằng việc kinh tế của các nước phát triển hồi phục chậm hơn dự kiến, cùng với các điều kiện tài chính bị thắt chặt trên toàn cầu, có thể đặt ra những thách thức đối với tăng trưởng của khu vực.

Các Bộ trưởng cũng lưu ý thêm rằng hậu quả cuộc trưng cầu ý dân ở Anh về việc rời Liên minh châu Âu (EU) đã làm tăng sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh tới vai trò của các chính sách thương mại mở và một hệ thống thương mại toàn cầu an toàn nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Hội nghị đã tái khẳng định các nỗ lực nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế tại khu vực Đông Á; ghi nhận việc ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và những tiến triển tiếp diễn trong các cuộc đàm phán hướng tới Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP);

Hoan nghênh các kết quả đạt được của Hội nghị cấp Bộ trưởng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) lần thứ 10 tổ chức tại Nairobi (Kenya) vào tháng 12/2015 và việc thông qua Tuyên bố cấp Bộ trưởng Nairobi bao gồm các Quyết định của Bộ trưởng về nông nghiệp, bông và các vấn đề liên quan tới các nước kém phát triển.

Các Bộ trưởng cũng đánh giá cao “Gói Nairobi”, coi đây là một trong những kết quả quan trọng nhất về nông nghiệp mà các thành viên của WTO đạt được, đem lại lợi ích to lớn cho tất cả các thành viên của WTO; bày tỏ sự ủng hộ việc triển khai các Quyết định đạt được tại Nairobi, cũng như những gì được thông qua tại Hội nghị cấp bộ trưởng WTO năm 2013 tại Bali, Indonesia.

Các Bộ trưởng ghi nhận rằng hàng loạt các vấn đề có lợi ích chung và quan trọng của nền kinh tế toàn cầu ngày nay có thể là những vấn đề hợp pháp để thảo luận tại WTO; cam kết tiếp tục làm việc để hướng tới kết quả thành công khác tại Hội nghị cấp bộ trưởng WTO lần thứ 11 vào năm 2017 tới.

Các Bộ trưởng cũng hoan nghênh sự thành công của Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G20 tại Thượng Hải (Shanghai, Trung Quốc); nhất trí rằng cuộc họp đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thông qua các biện pháp mạnh để thúc đẩy đầu tư và thương mại;

Khẳng định các bên liên quan sẵn sàng tăng cường hợp tác nhằm đóng góp cho sự thành công của Hội nghị cấp cao G20 Hàng Châu (Hangzhou, Trung Quốc)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục