Các tập đoàn lỗ có phải vì không lường trước được biến động tỷ giá?

14:18' - 10/09/2015
BNEWS Trước việc EVN, PVN và TKV kêu lỗ vì tỷ giá tăng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đặt câu hỏi: Liệu có phải các tập đoàn này "quên" không ký hợp đồng mua ngoại tệ kỳ hạn, tỷ giá cố định với các NHTM?

Ba tập đoàn lớn thuộc Bộ Công Thương (gồm Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) khẳng định việc điều chỉnh tỷ giá khiến họ "lỗ nặng".

Bình luận về thông tin này, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói các doanh nghiệp kinh doanh có sử dụng nguồn ngoại tệ lớn muốn tránh rủi ro về tỷ giá, họ đều hợp đồng mua ngoại tệ với tỷ giá cố định có kỳ hạn với các ngân hàng thương mại. Phải chăng, các tập đoàn EVN, TKV, PVN không lường được sự biến động tỷ giá nên “quên” việc này.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu. Ảnh: Thành Chung

Theo Tiến sĩ Trần Trí Hiếu, xét về mặt kinh doanh, việc rủi ro về nhiều mặt dẫn đến kinh doanh thua lỗ là chuyện bình thường mà mọi doanh nghiệp phải chấp nhận. Nếu lấy vị thế “độc quyền” về mặt hàng mình kinh doanh để “đòi” người dân phải chấp nhận là không hợp lý.

Trước khi đòi tăng giá, các tập đoàn này cần làm hai việc để lấy lại niềm tin của người dân.

Thứ nhất là yêu cầu một đơn vị kiểm toán độc lập có uy tín thực hiện việc kiểm toán kết quả kinh doanh và công bố một cách rộng rãi cho dư luận.

Thứ hai, đối với lý do thua lỗ do biến động tỷ giá, các tập đoàn này cần giải trình công khai về kết quả kinh doanh. Cụ thể, thua lỗ về mặt nào, lãi về mặt nào; khi vay ngoại tệ để kinh doanh vay với tỷ giá bao nhiêu, hiện tại tỷ giá bao nhiêu… chứ thông tin kêu lỗ hơn nghìn tỷ vì tỷ giá rât chung chung, khó thuyết phục.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đề xuất, trong giai đoạn 40 năm trở lại đây, các ngành điện, than, dầu đều là các ngành ‘trụ cột” của cả nước, là đầu tàu phát triển kinh tế, cần sự quản lý của Nhà nước.

Nhưng giai đoạn hiện nay, nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường nên đối với ngành điện, Chính phủ cần xem xét việc để các doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia cung cấp điện, từ đó sẽ dẫn đến sự cạnh tranh, hướng đến dịch vụ cung cấp điện cho người dân được minh bạch và hợp lý hơn.

Về phần mình, ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu đánh giá, việc gia tăng tỷ giá hối đoái tất yếu làm tăng nợ gốc của các doanh nghiệp khi chuyển đổi số ngoại tệ này sang VND; làm gia tăng chi phí sản xuất kinh doanh, làm giảm lợi nhuận, thậm chí đưa các doanh nghiệp có số vay ngoại tệ lớn vào tình trạng thua lỗ.

Ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu. Ảnh: Quang Toàn/BNews.

Việc hạch toán của mọi doanh nghiệp phải bảo đảm nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí phát sinh theo quy định của pháp luật.

Vì vậy, việc hạch toán cả phần chênh lệch tỷ giá của các doanh nghiệp (PVN, EVN,TKV) này là đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, để ổn định sản xuất kinh doanh, bảo đảm hoạt động có hiệu quả, ông Thụ đề nghị khi Nhà nước điều chỉnh tăng tỷ giá hối đoái, cần đánh giá toàn diện các tác động đến các mặt của đời sống xã hội như tác động đến xuất khẩu, đến thị trường chứng khoán, đến hoạt động của các doanh nghiệp có số dư nợ ngoại tệ lớn... để có giải pháp điều chỉnh cho hợp lý.

Các doanh nghiệp phải dự báo những biến động của kinh tế thị trường, kể cả khi cung cầu ngoại tệ thay đổi buộc Nhà nước phải điều chỉnh tỷ giá hối đoái, nhất là đối với các khoản đầu tư lớn, dài hạn từ nguồn vốn ngoại tê, đồng thời có phương án xử lý, trích lập dự phòng rủi ro... để xử lý những vấn đề đặt ra.

Ông Bùi Đức Thụ cho rằng việc hạch toán đầy đủ chi phí sản xuất kinh doanh, trong đó có chênh lệch tỷ giá để phản ánh đúng hiệu quả hoạt động là cần thiết.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội, cho hay khi Nhà nước điều chỉnh kinh tế vĩ mô, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng (Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Than – Khoáng sản) sẽ có kiến nghị.

Kiến nghị này chính là sự phản ánh thực tế tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị tác động do chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Ảnh: Quang Toàn/BNews.

Đây là thông tin hai chiều của những người bị tác động từ chính sách điều hành vĩ mô vào kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Việc có thật ở đây là doanh nghiệp mất thêm tiền, còn tiền đó ai chịu thì cứ theo luật. Còn việc cơ quan chủ sở hữu của các doanh nghiệp xử lý việc này như thế nào thì đó là việc của cơ quan chủ sở hữu.

Các doanh nghiệp bị thiệt hại do điều chỉnh tỷ giá là một sự thật trong kinh tế. Khi điều chỉnh tỷ giá, những doanh nghiệp nào vay ngoại tệ thì doanh nghiệp đó bị thiệt hại. Vì vậy, các doanh nghiệp này kiến nghị là đúng

Nhà nước vừa với tư cách là người quản lý, vừa với tư cách là chủ sở hữu của ba doanh nghiệp này xử lý thế nào là việc của nhà nước không phải việc của doanh nghiệp.

Mặt khác, việc quy đổi VND sang USD là do quy định của nền kinh tế. “Nếu anh quy định đồng tiền của anh là đồng tiền không chuyển đổi thì phải có chênh lệch tỷ giá. Ví dụ như Trung Quốc còn có sự chênh lệch tỷ giá ngay trong một nước giữa thị trường Hồng Kông và thị trường Thượng Hải còn có sự chênh lệch tỷ giá giữa đồng Nhân dân tệ với USD”- ông Kiên nói.

Ông Nguyễn Đức Kiên khẳng định các tập đoàn trên có kiến nghị là đúng vì thực chất theo sổ sách kế toán họ phải trả thêm tiền.

Ví dụ, trước họ đi vay 100 USD quy ra tiền đồng có 2.100.000 đồng, nhưng hiện giờ, họ muốn mua 100 USD từ ngân hàng để trả tiền vay đó họ phải trả 2.160.000 đồng, nghĩa là họ mất thêm 60.000/100 USD.

Về việc xử lý vấn đề trên ra sao, Phó Cục trưởng Cục điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) Đinh Thế Phúc cho biết, với việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá thì các doanh nghiệp có hợp đồng vay vốn ngoại tệ để đầu tư, mua sắm nguyên vật liệu phục vụ sản xuất kinh doanh đều bị ảnh hưởng do biến động tỷ giá.

Ông Đinh Thế Phúc, Cục phó Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương). Ảnh: Đức Dũng/BNews.

Cục Điều tiết điện lực đã yêu cầu các đơn vị phát điện trong đó có EVN và TKV tính toán mức độ ảnh hưởng của tác động chênh lệch tỷ giá.

Khi các đơn vị có báo cáo, Cục sẽ cân đối xem khả năng chịu đựng của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới chi phí bán lẻ như thế nào. Sau đó, Cục sẽ có họp bàn, đề xuất cụ thể với lãnh đạo, có đưa vào giá điện hay không.

“Nếu có chênh lệch tỷ giá lớn sẽ đề xuất với lãnh đạo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính về hướng giải quyết chênh lệch tỷ giá này như thế nào. Chênh lệch tỷ giá lớn sẽ ảnh hưởng tới giá bán lẻ điện, việc này cũng sẽ ảnh hưởng nhiều tới sản xuất kinh doanh và người dân, do vậy phải cân nhắc kỹ.”- ông Đinh Thế Phúc cho hay.

Nhóm phóng viên

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục