Các thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm sau ba phiên tăng

17:39' - 14/02/2017
BNEWS Mặc dù các thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên 14/2 nhưng giới phân tích cho rằng thị trường sẽ tăng mạnh hơn khi Tổng thống Mỹ Donald Trump triển khai giải pháp thúc đẩy kinh tế.
Các thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm sau ba phiên tăng. Ảnh: EPA

Chỉ số Nikkei 225 giảm 1,13%, hay 220,17 điểm, xuống 19.238,98 điểm. Chỉ số này giảm do hoạt động chốt lời và đồng yen tăng giá so với đồng USD, sau khi Cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, Michael Flynn, từ chức do các mối liên hệ với Nga.

Theo người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu của Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ, Minori Uchida, sự kiện này đã ít nhiều khiến các thị trường lo ngại về việc Chính phủ Mỹ sẽ triển khai các chính sách một cách thuận lợi.

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng những kỳ vọng của thị trường đặt vào ông Trump là về các chính sách kinh tế và vị trí cố vấn của ông Flynn là quan trọng, nhưng không có liên quan trực tiếp.

Thị trường Hong Kong phiên này bị cầm chân khi hoạt động chốt lời lấn át tác động tích cực từ số liệu về lạm phát của Trung Quốc. Chỉ số Hang Seng giảm 7,97 điểm, xuống 23.703,01 điểm. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 1,09 điểm, lên 3.217,93 điểm.

Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,2%, hay 4,08 điểm, xuống 2.074,57 điểm.

Thị trường Sydney đảo ngược đà tăng trong buổi sáng, chốt phiên giảm 0,1%.

Các thị trường chứng khoán trên khắp thế giới phục hồi đà tăng nhờ "nhân tố Trump" kể từ sau khi ông cam kết vào ngày 9/2 về việc công bố chi tiết kế hoạch cải cách thuế, trong khi cũng dịu giọng hơn trong những chỉ trích nhằm vào hai đối tác thương mại chủ chốt là Trung Quốc và Nhật Bản.

Trong khi hầu hết các thị trường châu Á phiên này chìm trong sắc đỏ, vẫn có yếu tố có tác động tích cực là số liệu cho thấy giá của nhà sản xuất ở Trung Quốc tăng mạnh, dấu hiệu về sự tăng tốc mạnh hơn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo số liệu chính thức, lạm phát giá của nhà sản xuất ở nước này trong tháng Một chạm mức 6,9%, cao nhất kể từ năm 2011. Chỉ số này được đặc biệt chú ý bởi là số liệu đi trước của lạm phát giá tiêu dùng trong thời gian tới.

Trong khi đó, lạm phát giá tiêu dùng trong cùng tháng của Trung Quốc cũng tăng 2,5%. Có hy vọng rằng lạm phát ở Trung Quốc tăng sẽ làm tăng sức ép giá cả trên toàn cầu, từ đó kéo lạm phát lên, điều đang rất cần để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Sự chú ý của thị trường hiện đang được hướng tới cuộc điều trần của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Janet Yellen trước Quốc hội Mỹ trong hai ngày 14-15/2, để thăm dò các kế hoạch trong chính sách tiền tệ, với hy vọng bà sẽ đề cập tới thời điểm nâng lãi suất lần tới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục