Các tỉnh tập trung kiểm tra việc giết mổ gia súc không rõ nguồn gốc

08:26' - 15/03/2019
BNEWS Mặc dù là các địa phương chưa có dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn nhưng các tỉnh như Ninh Thuận, Bình Dương, Kon Tum cũng đang gấp rút triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Theo đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận tập trung kiểm tra việc giết mổ gia súc không rõ nguồn gốc tại các lò giết mổ.

Việc làm này nhằm kiểm soát chặt chẽ việc mua bán, vận chuyển thịt lợn có mầm bệnh đưa ra thị trường tiêu thụ, phòng chống hiệu quả dịch tả lợn châu Phi xâm nhập, xảy ra tại địa bàn.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, địa phương hiện có 63 cơ sở giết mổ gia súc, nhiều nhất là thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.

Ngoài số ít cơ sở đủ điều kiện giết mổ gia súc, đảm bảo an toàn (cơ sở đạt loại A), còn đến 40 cơ sở giết mổ xếp loại B và 5 cơ sở xếp loại C chưa được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, hoạt động giết mổ lén lút, khó kiểm soát.

Tại lò giết mổ gia súc tập trung Đức Hòa, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, công suất giết mổ một ngày/đêm 130 - 140 con lợn và các loại gia súc khác.

Hàng ngày, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Thuận bố trí nhân viên trực tại cơ sở kiểm tra phương tiện vận chuyển lợn vào lò giết mổ, giám sát nhập hàng, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của lợn cũng như dấu hiệu lâm sàng…

Việc tiến hành tiêu độc khử trùng thực hiện ngay từ khi đưa lợn vào vào lò mổ theo quy trình chặt chẽ.

Ông Trương Khắc Trí, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Thuận cho biết, nhân viên thú y cơ sở phải theo dõi, kiểm tra kỹ dấu hiệu lâm sàng trên đàn lợn để biết lợn đưa vào lò giết mổ có hoặc không ủ mầm bệnh.

Vệ sinh an toàn thực phẩm được giám sát chặt chẽ trước khi tiến hành giết mổ gia súc. Lợn được giết mổ đảm bảo theo quy trình 1 chiều, khép kín. Sản phẩm thịt sau đó được đóng dấu xác nhận và đưa ra thị trường tiêu thụ bằng xe chuyên dụng.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo cơ sở giết mổ gia súc phải thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng cơ sở bằng vôi bột hoặc hóa chất sau giết mổ theo đúng quy trình kỹ thuật, vệ sinh phòng dịch, tránh tình trạng gây ô nhiễm bị xử lý vi phạm theo quy định.

Các cơ sơ chăn nuôi có nhu cầu giết mổ lợn phải trình báo, được phép giết mổ dưới sự giám sát của cán bộ thú y với điều kiện kết quả xét nghiệm âm tính với dịch tả lợn châu Phi.

Trong khi đó, các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình vận chuyển, kinh doanh động vật sản phẩm động vật trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là mặt hàng thịt lợn, xử lý nghiêm theo đúng quy định đối với các trường hợp vi phạm.

Đoàn kiểm tra kiểm tra đối tượng vận chuyển sản phẩm lợn nhập vào các cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Ảnh: Nguyễn Văn Việt - TTXVN 

Theo đó, các Trạm chăn nuôi và thú y huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Bình Dương tăng cường giám sát, kiểm tra tình hình dịch bệnh trên địa bàn đảm bảo phát hiện sớm các trường hợp lợn bệnh, chết bất thường. Đồng thời tăng cường kiểm tra việc kinh doanh, vận chuyển heo, thịt heo.

Ngoài ra, để tăng cường kiểm tra phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, Đội kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Dương tăng cường kiểm tra nguồn gốc lợn nhập vào các cơ sở giết mổ, và việc vận chuyển sản phẩm lợn từ các tỉnh lân cận vào địa bàn tỉnh Bình Dương.

Kết quả kiểm tra cho thấy 6 cơ sở giết mổ trên địa bàn thị xã Dĩ An và Thị xã Tân Uyên, gia súc nhập lò có nguồn gốc chủ yếu từ Đồng Nai, Bình Phước và các huyện, thị trên địa bàn tỉnh có nguồn gốc rõ ràng và giấy chứng nhận kiểm dịch đầy đủ.

Kiểm tra, phát hiện và xử lý 10 trường hợp vận chuyên sản phẩm heo không đảm bảo vệ sinh thú y, xử phạt số tiền hơn 30,3 triệu đồng.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum, hiện nay đàn lợn trên địa bàn tỉnh có hơn 131.470 con; trong đó, chủ yếu tập trung tại thành phố Kon Tum (37.184 con với 3 trang trại); Ngọc Hồi (13.099 con với 4 trang trại) và Đăk Hà (hơn 14.500 con).

Trước tình hình đó, tỉnh Kon Tum đang triển khai nhiều biện pháp đối phó với Dịch tả lợn Châu Phi.

Tại tỉnh Kon Tum, ngay sau khi có thông tin từ Cục Thú y về việc đã phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Việt Nam, Chi cục Chăn nuôi và Thú Y tỉnh Kon Tum đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các huyện, thành phố và các sở, ban ngành có liên quan triển khai các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ngành chức năng tỉnh Kon Tum cũng đã xây dựng kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên toàn tỉnh.

Theo ông Đặng Thanh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum cho biết, hiện tỉnh đã hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn; nếu phát hiện lợn bệnh hoặc nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, lợn chết không rõ nguyên nhân.

Đối với lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chi cục sẽ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm để chấn đoán, xét nghiệm bệnh trước khi tiến hành tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

Tập trung giám sát các đàn lợn tại các địa phương giáp biên giới, tại các địa phương có nhiều khách du lịch và có phương tiện vận chuyển đến từ các nơi đang có dịch tả lợn châu Phi.

Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum cũng sẽ phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông chốt chặn, kiểm tra, phun hóa chất khử trùng, tiêu độc các phương tiện xe khách, xe chở gia súc, gia cầm từ các tỉnh thành khác lưu thông qua địa bàn tỉnh Kon Tum tại 3 trạm Măng Khênh, Sao Mai và Violak./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục