Cách nào để tham tán thương mại và doanh nghiệp gần nhau hơn?

06:47' - 27/08/2016
BNEWS Có ý kiến cho rằng một đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài phải cần 10 tham tán thương mại hay số lượng tham tán thương mại phải gấp 5 lần hiện nay thì mới có khả năng làm tốt nhiệm vụ của mình.
Tham tán thương mại phải là cầu nối cho doanh nghiệp với thị trường nước ngoài. Ảnh: Trần Việt-TTXVN

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong những năm qua luôn tăng trưởng nhưng vẫn chưa đáp ứng tiềm năng dồi dào của nguồn nguyên liệu trong nước cũng như nhu cầu của thị trường thế giới.

Xuất phát từ nguyên do này mà không ít ý kiến cho rằng doanh nghiệp Việt Nam đang “đói” thông tin từ các thương vụ khiến việc kết nối thiếu hiệu quả.

Kết nối lỏng lẻo

Lâu nay, các công sứ, tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài đều được ví như hoa tiêu trong việc hỗ trợ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Tuy nhiên, sợi dây kết nối giữa các thương vụ với doanh nghiệp dường như vẫn còn khá lỏng lẻo khiến cho hiệu quả vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.

Không ít doanh nghiệp tỏ ra ái ngại khi phụ thuộc thông tin vào hệ thống thương vụ và tự chủ động trong việc tìm kiếm thị trường. Bởi theo đa số doanh nghiệp, các thương vụ vẫn chưa chủ động trong việc cung cấp thông tin mà chủ yếu chỉ phân tích một cách chung chung, không đi sâu vào từng lĩnh vực cụ thể.

Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp gửi email nhiều lần đến thương vụ cần cung cấp thông tin về gạo, thủy sản…nhưng mỏi mòn không thấy hồi âm.

Do đó, các doanh nghiệp này đề nghị những thông tin cần thiết cho xuất khẩu như thị trường nào cần nhập khẩu lượng gạo bao nhiêu nên đưa thẳng lên trang Web để các doanh nghiệp nắm rõ.

Ngoài ra, những lô hàng của doanh nghiệp bị đối tác, thị trường nào trả lại, lỗi ở khâu nào cũng nên thông báo cho các tỉnh hay hiệp hội để từ đó tìm hiểu nguyên nhân và có hướng khắc phục.

Đơn cử như trường hợp các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường châu Phi. Do đây là thị trường có hệ thống pháp luật hay gây khó khăn cho doanh nghiệp cũng như là môi trường dễ gặp rủi ro nên doanh nghiệp xuất khẩu hay bị thua thiệt.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phản ánh khi trao đổi thông tin về thị trường với thương vụ thì phải chờ đợi rất lâu, thậm chí không có hồi âm nên dần dần họ cảm thấy ái ngại. Vì vậy, thay vì thấp thỏm chờ đợi thông tin phản hồi, nhiều doanh nghiệp đã chủ động lên đường sang tận châu Phi để khảo sát thị trường và mở rộng khách hàng.

Theo ông Phạm Hoàng Lâm - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hưng Lâm (tại An Giang) thì thị trường châu Phi có 54 quốc gia với dân số hơn 1 tỷ người. Tổng nhu cầu gạo tại thị trường này là rất lớn, khoảng 9-10 triệu tấn/năm.

Tuy nhiên, đối tác nhập khẩu gạo ở thị trường này lại thường đề nghị mua hàng của Việt Nam với hình thức trả chậm từ 90-100 ngày và không có bảo lãnh ngân hàng.

Cùng với đó, họ yêu cầu cho thanh toán chủ yếu bằng chi phiếu (séc) có định ngày thanh toán nhưng thường không có tiền trong tài khoản (séc dởm). Hơn nữa, khi xuất khẩu sang thị trường này các doanh nghiệp Việt Nam phải thông qua nước thứ 3 như một số nước châu Âu hay Singapore… sau đó mới xuất khẩu được sang châu Phi nên doanh nghiệp rất thua thiệt.

Cùng quan điểm này, ông Lê Vũ, đại diện doanh nghiệp Hữu Tài (chuyên xuất khẩu các sản phẩm gỗ) bày tỏ các tham tán cần chủ động tìm hiểu thông tin về ngành hàng nhập khẩu từ các thị trường và thông báo lên trang Web hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu nhất là những thông tin dự báo về biến động tỷ giá đồng nội tệ của các nước nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Tuy nhiên, về phía các tham tán cũng đưa ra lý lẽ riêng khiến cho việc kết nối thiếu hiệu quả.

Ông Phạm Quang Niệm, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nga cho biết: "Chúng tôi cần thông tin từ các doanh nghiệp, bộ ngành cung cấp cho thương vụ. Đương nhiên trên cơ sở đó chúng tôi cũng sẽ cung cấp lại thông tin.

Tức là ở đây cần có thông tin 2 chiều. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất cần thông tin của truyền thông đại chúng đối với hoạt động của thương vụ với doanh nghiệp. Vì đây là một công cụ hữu hiệu để phát triển thị trường cũng như để Việt Nam và các đối tác hiểu nhau một cách vững chắc và ổn định".

Ông Nguyễn Trung Dũng, Tham tán công sứ thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cũng khẳng định, việc kết nối cần có sự thay đổi.

Thời gian vừa qua, thương vụ Nhật Bản đã đặt ra trọng tâm là kết nối giữa các địa phương của Việt Nam với các địa phương của Nhật, có những thỏa thuận hợp tác giữa các hiệp hội cũng như doanh nghiệp hai nước để từ các thành viên hiệp hội của hai nước sẽ có những cách xúc tiến cộng hưởng với chức năng nhiệm vụ của thương vụ.

Phát huy sức mạnh

Đưa ra một cách nhìn khách quan về các công sứ, tham tán của Việt Nam tại nước ngoài, ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn chia sẻ, trách nhiệm và vai trò của các tham tán thương mại là giúp doanh nghiệp hiểu rõ thị trường xem có phù hợp với sản phẩm hay không, còn buôn bán, thanh toán là chuyện của doanh nghiệp.

Cần phải đánh giá khách quan như vậy, chứ không thể coi tham tán thương mại như người phải mở thị trường cho doanh nghiệp.

Đưa ra ví dụ cụ thể, ông Trần Việt Anh cho hay, mới đây Công ty Nam Thái Sơn định lập văn phòng tại Hồng Kông (Trung Quốc), tuy nhiên, nhờ tư vấn của các tham tán ở đây mới biết quốc tịch Việt Nam không được mở công ty tại đây.

Doanh nghiệp Việt Nam đang “đói” thông tin từ các thương vụ khiến việc kết nối thiếu hiệu quả. Ảnh minh họa: Đình Huệ/TTXVN

Hơn nữa, một đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài phải cần 10 tham tán thương mại hay số lượng tham tán thương mại phải gấp 5 lần hiện nay thì mới có khả năng làm tốt nhiệm vụ của mình. 

Như Công ty Nam Thái Sơn riêng phục vụ hoạt động xuất khẩu có ba phòng xuất khẩu và bộ phận tiếp thị khảo sát thị trường thì với một tham tán thương mại sẽ không có đủ thời gian để làm hết việc này. 

Ngoài ra, các tham tán thương mại phải từ doanh nghiệp đi ra. Tức là họ đã từng hoạt động trong doanh nghiệp và hiểu thị trường, còn đơn thuần chỉ làm ngoại giao sẽ rất khó.

Thường thì doanh nghiệp cần thông tin về pháp lý, văn hóa tiêu dùng nước sở tại và muốn biết có bao nhiêu nước đang có tham tán thương mại ở thị trường mong muốn xuất khẩu, để từ đó có thể nắm bắt các thông tin về đối thủ .

Để nâng cao hoạt động của các thương vụ tại nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ đã giao nhiệm vụ cho các thương vụ cần nhanh chóng khắc phục những khó khăn và hạn chế của hệ thống tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài.

Cùng với đó, tập trung tuyên truyền gắn kết hơn nữa lợi ích của doanh nghiệp với các cơ quan thương vụ để bắt kịp với yêu cầu mới là đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu theo mục tiêu giai đoạn đã đề ra.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các tham tán sẽ phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả cơ quan thương vụ với các cơ quan đại diện ngoại giao ở bên ngoài, giữa các cơ quan ở bên ngoài với các cơ quan trong nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp.

Cùng đó, các tham tán thương mại, thương vụ ở nước ngoài sẽ không chỉ dừng nhiệm vụ trong hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp, mà còn có vai trò quan trọng hơn là cơ quan nắm bắt thông tin diễn biến thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục