Cải cách hành chính để phát triển: Bài 3: Những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ

06:08' - 29/08/2016
BNEWS Thuế và hải quan, hai lĩnh vực được cho là nóng nhất đã có nhiều bước cải cách. Tuy nhiên, điểm nghẽn trong quy trình thủ tục vẫn còn không ít.
Cần thảo gỡ những điểm nghẽn của thủ tục hành chính thuế. Ảnh minh họa: TTXVN

Bên cạnh một số kết quả nổi bật trong công tác cải cách, hiện đại hóa góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại để phát triển kinh tế đất nước, thực tế vẫn còn nhiều tồn tại cần được tiếp tục sửa đổi. Trong bối cảnh hội nhập đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế, nhiều thách thức đang đặt ra đòi hỏi ngành thuế và hải quan cần có những cải cách mạnh mẽ hơn nữa.

Tại buổi làm việc với Bộ Tài chính về công tác cải cách thủ tục hành chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cũng đã chỉ rõ, cải cách thủ tục hành chính của Bộ Tài chính, trong đó có lĩnh vực thuế và hải quan đã có chuyển biến tích cực và hiệu quả.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: chậm ban hành văn bản hướng dẫn trên một số lĩnh vực, chất lượng một số văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực chuyên ngành chưa cao, một số nội dung quy định chưa rõ ràng tạo cách hiểu không thống nhất giữa cơ quan hải quan, cơ quan liên quan, doanh nghiệp và việc áp dụng không thống nhất giữa các đơn vị.

Việc thực hiện thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp như: thủ tục kiểm tra thực tế hàng hóa và giám sát hải quan, hoạt động kiểm tra sau thông quan, thủ tục báo cáo quyết toán đối với hoạt động gia công và sản xuất xuất khẩu.

Cùng với đó, quy định nhiều Bộ quản lý chuyên ngành phải có ý kiến đối với một loại hàng hóa nhập khẩu khi đăng ký hải quan, thông quan hàng hóa cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp. Các biểu mẫu kê khai thuế còn nhiều tiểu tiết không cần thiết.

Đối với thủ tục thuế, chưa cụ thể các bước xử lý và hồ sơ. Bên cạnh đó, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của một bộ phận công chức hải quan, thuế chưa cao, chưa chuyên nghiệp…

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính đối với các lô hàng nhập khẩu gia vị, phụ gia để chế biến xuất khẩu liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và thủ tục hợp quy khiến doanh nghiệp tốn kém và mất nhiều thời gian, thậm chí khiến doanh nghiệp mất đi một số đơn hàng.

Cũng gặp khó khăn về thủ tục hành chính, ông Võ Tấn Thịnh, đại diện Công ty Dây cáp điện Thịnh Phát cũng cho rằng, hiện nay không chỉ thủ tục thuế và hải quan mà thủ tục cấp C/O (chứng nhận xuất xứ hàng hóa) cũng đang gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Để giúp cho hoạt động xuất nhập khẩu thuận lợi, Chính phủ cần tiếp tục tăng cường rà soát và có sự cải cách đối với các thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa.

Theo ông Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng phòng Giám sát quản lý, Cục Hải quan TP.HCM, các doanh nghiệp thường kêu ca khó khăn, vướng mắc về lĩnh vực hải quan, nhưng thực ra những khó khăn đó phần lớn thuộc trách nhiệm, phạm vi quản lý của các Bộ, ngành.

Nhiều lĩnh vực cần sự kết nối, phối hợp đồng bộ hơn nữa để có nhiều “cơ chế một cửa liên thông”. Ảnh:Danh Lam/TTXVN

Chẳng hạn như giấy phép, kiểm dịch (động vật, thực vật, y tế), kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm… Khi làm thủ tục hải quan, cơ quan hải quan phải tiếp nhận, kiểm tra rất nhiều văn bản quy định của các bộ ngành trong bộ hồ sơ hải quan theo quy định của các bộ ngành về chính sách thuế, chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu.

Hiện tại có khoảng 256 văn bản quy định về quản lý chuyên ngành, trong đó có 20 Luật và pháp lệnh mà cơ quan hải quan phải xử lý trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan cho doanh nghiệp và đã ảnh hưởng rất lớn đến thời gian thông quan hàng hóa.

Để giảm bớt những khó khăn của doanh nghiệp, theo ông Long, các Bộ, ngành cần phải ngồi lại với nhau để rà soát, xem lại những văn bản, quy định có còn phù hợp với tình hình thực tế, qua đó kịp thời sửa đổi bổ sung nhằm tạo thuận lợi cho việc thông quan nhanh hàng hóa.

Trong thời gian tới, để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thông quan hàng hóa, Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh cam kết sẽ cắt giảm 50% thời gian làm thủ tục hải quan so với quy định và kiến nghị các cơ quan kiểm tra chuyên ngành phối hợp cắt giảm 50% thời gian và giải quyết thủ tục chuyên ngành từ 10-15 ngày xuống còn 5-7 ngày theo quy định.

Hiện, Cục thuế TP.HCM đang quản lý 168.133 doanh nghiệp và 250.780 hộ kinh doanh cá thể, chưa kể đối tượng nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế trước bạ, nhà đất. Số tổ chức, cá nhân người nộp thuế phát sinh mới từ 15.000-18.000 doanh nghiệp/năm, đồng thời số lượng ngưng nghỉ, bỏ trốn, di chuyển… trên địa bàn cũng rất nhiều.

Vì vậy, công việc đối chiếu, xác minh, giải quyết các thủ tục hành chính khác cho đối tượng này mất rất nhiều thời gian.

Trong khi đó, công chức làm công tác cải cách hành chính còn mỏng, kiêm nhiệm, chưa được bồi dưỡng kỹ năng, kinh nghiệm làm công tác cải cách hành chính, kỹ năng đánh giá tác động cải cách hành chính, kỹ năng kiểm soát thủ tục hành chính. Những yếu tố trên đã tạo áp lực rất nặng nề trong công tác quản lý thuế đối với Cục thuế thành phố.

Mặc dù Cục thuế và 24 Chi cục thuế quận, huyện thực hiện tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính thuế theo cơ chế một cửa tại cơ quan thuế ban hành kèm theo Quyết định số 2351/QĐ-TCT ngày 11/12/2015 của Tổng cục thuế.

Nhưng do số lượng thủ tục nhiều, liên quan đến nhiều đơn vị xử lý, giải quyết hồ sơ. Ngoài ra, quy chế quy định việc tiếp nhận và kiểm soát thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa giao Phòng Tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế là rất nặng nề, quá tải.

Hiện nay còn nhiều lĩnh vực cần sự kết nối, phối hợp đồng bộ hơn nữa để có nhiều “cơ chế một cửa liên thông” như: đăng ký kinh doanh – đăng ký thuế giữa Cơ quan thuế với các cơ quan cấp giấy phép kinh doanh, Cơ quan thuế - Kho bạc- Công an trong việc đăng ký các phương tiện vận tải, Cơ quan thuế - Quản lý thị trường – Công an trong hỗ trợ thông tin về trốn thuế, lậu thuế…

Theo lộ trình cải cách, đến năm 2020, ngành thuế TP.HCM sẽ tiếp tục rà soát các thủ tục còn chồng chéo, khó thức hiện để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh phát triển, phục vụ tốt nhất đối với người nộp thuế.

Để tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất cũng như đầu tư, từ nay đến năm 2020 ngành hải quan TP.HCM đã xây dựng một số mục tiêu để tạo cầu nối thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan; nâng cao lợi thế cạnh tranh cũng như hội nhập kinh tế thế giới thông qua cầu nối là cơ quan hải quan giúp doanh nghiệp tiếp cận những hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết.

Theo đó, đến năm 2020 phấn đấu thời gian thông quan ngang bằng các nước trong khu vực Asean 4... Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục hải quan, hướng đến môi trường hải quan điện tử phi giấy tờ, được thực hiện mọi nơi-mọi lúc-mọi phương tiện.

Phát huy hiệu quả công tác thiết lập và triển khai quan hệ đối tác giữa cơ quan hải quan với cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan trong thực hiện quản lý nhà nước về hải quan.

Trong thời gian tới, cải cách TTHC vẫn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm và cũng là đòi hỏi thực tiễn phát triển kinh tế xã hội của nước ta.

Cùng với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, công tác cải cách TTHC vẫn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của ngành thuế và hải quan. Qua đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người nộp thuế đồng thời cũng là cầu nối giúp doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế./. 

>>> Cải cách hành chính để phát triển: Bài 3: Những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục