Cải cách thủ tục quản lý chưa chuyển biến đáng kể

17:35' - 03/10/2016
BNEWS Công tác quản lý chuyên ngành hàng hoá xuất nhập khẩu đang gây nhiều trở ngại cho doanh nghiệp, đồng thời cũng là lực cản cơ bản đối với việc cải thiện chỉ số Giao dịch thương mại biên giới.
Hoạt động nghiệp vụ tại Cục Hải quan Hà Nam Ninh. Ảnh: Hoàng Hùng-TTXVN

Kết quả nghiên cứu các quy định của pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành do Dự án Quản trị Nhà nước tăng trưởng toàn diện (GIG), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố tại hội thảo "Định hướng sửa đổi, bổ sung một số Luật về quản lý chuyên ngành", tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 3/10, cho thấy cải cách thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành vẫn chưa chuyển biến đáng kể.

Gánh nặng về chi phí

Kết quả nghiên cứu các quy định của pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành của GIG cho thấy, một số quy định được sửa đổi, bổ sung nhưng chưa đáp ứng đúng yêu cầu của Nghị quyết 19-2016/NQ-CP, về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 và 2017, định hướng đến năm 2020.

Cụ thể, mục tiêu về cải cách quản lý chuyên ngành theo yêu cầu của Nghị định 19, là rút ngắn thời gian giao dịch thương mại qua biên giới xuống bằng trung bình của các nước ASEAN 4, với 56 giờ đối với hàng xuất khẩu và 73 giờ đối với hàng nhập khẩu.

Ngoài ra, giảm tỷ lệ hàng hoá xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan từ 30% - 35% xuống còn 15% chưa đạt được, dẫn đến chưa giải quyết được vấn đề khó khăn của doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viên Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, khảo sát thực tế việc thực hiện về quản lý, kiểm tra chuyên ngành tại một số đơn vị hải quan như thành phố Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bình Định, cho thấy tỷ lệ hàng hóa phải thực hiện còn rất cao.

Đơn cử, tại hải quan Tp. Hồ Chí Minh, trong 6 tháng năm 2016, tỷ lệ hàng hoá phải thực hiện thủ tục quản lý, kiểm chuyên ngành chiếm khoảng 35% lô hàng nhập khẩu; Bình Định 31%; Cần Thơ 17,08%...

Chi phí kiểm tra quản lý, kiểm tra chuyên ngành không giảm, thậm chí các chi phí không chính thức có biểu hiện tăng hơn trước.

Theo các chuyên gia, rất khó điều tra được tổng chi phí mà doanh nghiệp phải chi trả, nhưng có thể ước tính ở mức tối thiểu như trong năm 2015, tại hải quan Tp. Hồ Chí Minh có tổng cộng 830.486 lô hàng nhập khẩu phải làm thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành.

Thông thường, lượng tờ khai xuất nhập khẩu của hải quan Tp. Hồ Chí Minh chiếm 40% - 50% tổng số tờ khai toàn quốc.

Nhiều doanh nghiệp phản ánh, mức chi phí kiểm tra chuyên ngành tối thiểu cho một tờ khai gồm: chi phí kiểm dịch là 200.000 đồng, kiểm tra chất lượng và an toàn thực phẩm 2 triệu đồng.

Song song đó, thời gian thực hiện thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành tại một số địa phương chiếm hơn 70% tổng thời gian thông quan; thời gian trung bình từ khi cho đưa hàng về bảo quản hoặc lấy mẫu để kiểm tra chuyên ngành đến khi có kết quả kiểm tra nộp hải quan là 13,6 ngày.

Cản trở doanh nghiệp

Ghi nhận thực tế, công tác quản lý chuyên ngành hàng hoá xuất nhập khẩu đang gây nhiều trở ngại cho doanh nghiệp, đồng thời cũng là lực cản cơ bản đối với việc cải thiện chỉ số Giao dịch thương mại biên giới.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam liên tục giảm bậc trong hai năm gần đây do những bất cập trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành.

Bên cạnh đó, thời gian thực hiện thủ tục xuất khẩu là 147 giờ và nhập khẩu 177 giờ dài hơn nhiều so với Singapore tương ứng là 16 giờ và 36 giờ; Malaysia (30 giờ và 34 giờ); Thái Lan (62 giờ và 54 giờ).

Đáng chú ý hơn, thời gian thực hiện giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam hiện tại cũng dài hơn nhiều so với yêu cầu của cam kết Hiệp định Đối tác kinh tế Thái Bình Dương (TPP) là không quá 48 giờ.

Hệ thống các văn bản pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành tương đối nhiều, trong đó có nhiều quy định không cụ thể, rõ ràng; dẫn đến cách hiểu, áp dụng khác nhau; đặc biệt có quy định không phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế.

Hiện nay, cổng thông tin một cửa quốc gia đã có 9 Bộ, ngành tham gia, tuy nhiên mới có 31 trong tổng số 100 thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành tham gia và đa số là các thủ tục không phổ biến.

Theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện Tp. Hồ Chí Minh, quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật có phạm vi ảnh hưởng rất lớn, là cơ sở tham chiếu để thực hiện đối với các luật khác như Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá; Luật an toàn thực phẩm; Luật bảo vệ và Kiểm dịch thực vật; Luật tiết kiệm năng lượng... nên gây nhiều khó khăn, tốn kém cho người thực hiện.

Vì vậy, Bộ Công Thương nên nghiên cứu thay đổi căn bản cách thức quản lý, kiểm tra, dán nhãn hiệu suất năng lượng, bỏ các quy định không có hiệu quả thực tế, kéo dài thời gian thông quan, gây cản trở và tăng chi phí của doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, ông Lê Đình Phương, Trưởng phòng Môi giới thủ tục hải quan Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tiếp vận Thăng Long, cho biết: Các quy định quản lý, kiểm tra chuyên ngành cần xây dựng theo hướng tự do thương mại, cụ thể trong danh sách biểu thuế hàng xuất nhập khẩu có thể đính kèm danh sách những mặt hàng phải được kiểm tra chuyên ngành để doanh nghiệp dễ dàng thực thi pháp luật.

Như hiện nay, cơ quan quản lý ban hành quá nhiều quy định pháp luật, Nghị định, Thông tư... doanh nghiệp không cập nhật thông tin kịp thời dẫn đến thực hiện sai quy định và không biết phương thức áp dụng sao cho đúng Luật.

Lý giải nguyên nhân, kết quả thực hiện cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu còn nhiều hạn chế, ông Phạm Thanh Bình, Chuyên gia Dự án GIG cho rằng, một phần là do vướng mắc trong các quy định của Bộ, ngành và trong cả các quy định của Luật.

Vì vậy, để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là trong hoạt động xuất nhập khẩu, cần phải sửa đổi, bổ sung một số điều trong các Luật liên quan đến quản lý chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu.

Mặt khác, ông Phạm Thanh Bình, đánh giá việc sửa đổi, bổ sung một số điều trong các Luật này còn là yêu cầu cấp bách để thực hiện các cam kết của Việt Nam về tự do hoá đầu tư, thương mại theo các Hiệp định thương mại tự do như TPP, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục