Cải cách thuế: Không vướng chính sách mà vướng ở cách vận dụng

11:00' - 16/11/2015
BNEWS Những cải cách hành chính của ngành thuế vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng và sự hài lòng của doanh nghiệp. Những cải cách thuế nhiều khi không vướng ở chính sách mà vướng ở cách vận dụng và thực hiện.

Đây cũng là nhận định của hầu hết các chuyên gia kinh tế, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp cũng như một số lãnh đạo thuộc ngành tài chính.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, nhiều chính sách thuế chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ảnh: TTXVN

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, việc triển khai các luật đến cộng đồng doanh nghiệp được nhiều cục thuế và hải quan thực hiện, tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc khi nhiều đơn vị chưa nắm được, nhiều chính sách chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đây là điều mà ngành tài chính cần phải làm nhiều hơn nữa, thông qua việc lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để sửa đổi, điều chỉnh và đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Có thể thấy những đổi mới và cải cách về thủ tục hành chính thuế gặp khó khăn ngay từ khâu triển khai trong nội bộ.

Các chính sách mới về thuế được ban hành thống nhất, đồng bộ, song việc triển khai và vận dụng tại các cơ quan thuế ở nhiều địa phương lại mỗi nơi mỗi kiểu, nên hiệu quả đem lại cũng nơi có, nơi không.

Chủ tịch Hiệp hội kê khai thuế, bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng, cần phải có một cơ chế để cập nhật thông tin một cách tốt nhất cho các cơ quan thuế tại địa phương. Bởi lẽ, các ưu đãi về thuế cho doanh nghiệp hiện vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau; quy định về thuế thu nhập cá nhân đang được xử lý chưa đồng nhất.

Là người trực tiếp tham gia khảo sát thực trạng của ngành thuế, bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng Ban Cải cách và Hiện đại hóa (Tổng cục Thuế) cho rằng, việc cải cách thủ tục hành chính thuế được thực hiện thường xuyên, liên tục để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp và số giờ nộp thuế của các doanh nghiệp đã giảm khoảng 420 giờ.

Việc cải cách thủ tục hành chính thuế cần tiếp tục được thực hiện.

Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một thực tế là chính các cán bộ thuế tại nhiều địa phương cũng chưa hiểu rõ, hiểu sâu về những cải cách, đổi mới mà ngành thuế đang chủ trương thực hiện. Để từ đó có những hành động, việc làm thực sự tạo thuận lợi nhiều hơn cho doanh nghiệp. 

Những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các quy định mới về thuế như bỏ bảng kê; giảm bớt các chi tiết kê khai, sổ sách kế toán… … lại do chính các cán bộ thuế cấp cơ sở phản ánh, kiến nghị nhiều nhất. Dường như đối với họ, vấn đề là do khó bỏ thói quen và ngại thay đổi, bà Lan Anh phân tích. 

Không khó để nhận ra điều này đối với lãnh đạo cấp cao của ngành tài chính. Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhận định: “Trong thực tiễn thường thì không vướng ở thông tư mà vướng ở cách vận dụng thông tư”.

Ngoài vấn đề liên quan tới nhận thức, rất nhiều doanh nghiệp cùng có chung quan điểm, không thể phủ nhận thực trạng một số cán bộ thuế cấp cơ sở vẫn đang cố tình gây phiền hà, nhũng nhiễu doanh nghiệp, gây khó khăn giả tạo để trục lợi cá nhân.

Điều đó không chỉ làm tổn hại cho doanh nghiệp, cản trở những nỗ lực về cải cách thủ tục hành chính của ngành thuế, mà còn gây thất thu thuế của Nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết, nhiều doanh nghiệp ở địa phương còn nhận thức và hiểu biết chưa tường tận các chính sách mới về thuế, nhất là liên quan tới việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế đối với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cơ quan thuế ở địa phương cũng chưa quan tâm nhiều tới việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức và hỗ trợ doanh nghiệp hiểu được các quyền lợi về thuế. Nên giữa 2 bên chưa thực sự đạt được tiếng nói chung, đó cũng là lý do vì sao các nỗ lực đơn giản thủ tục hành chính của ngành thuế chỉ mới ở giới hạn nhất định.

Mục tiêu cho giai đoạn 2016-2020 của ngành thuế là đưa Việt Nam thuộc nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á xếp hạng mức độ thuận lợi về thuế. Đồng thời, có ít nhất 80% người nộp thuế hài lòng với các dịch vụ của cơ quan thuế cung cấp.

Xây dựng trách nhiệm công vụ là một trong những giải pháp ngành thuế cần hướng tới. Ảnh: TTXVN

Xây dựng chế độ trách nhiệm công vụ đối với công chức thuế trong việc thực hiện các thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh” là một trong bốn nhóm giải pháp mà ngành thuế sẽ tập trung cải cách trong thời gian tới.

Để có thể nâng chất lượng phục vụ của các cơ quan thuế, ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng, Phó Trưởng Ban Cải cách và Hiện đại hóa (Tổng cục Thuế), cho rằng, bổ sung thêm cơ chế và nhân lực cho ngành thuế là điều cần thiết hiện nay.

Nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức thuế và không để trở thành khẩu hiệu “suông”, ngành thuế cũng cần xây dựng một cơ chế giám sát, đánh giá của các tổ chức xã hội, hiệp hội ngành nghề; cũng như đánh giá mức độ hài lòng của người nộp thuế đối với sự phục vụ của cơ quan thuế.

Ngành thuế là ngành có tương tác xã hội rất lớn, gắn với sự phát triển kinh tế và liên quan mật thiết tới mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Với mức độ và tần suất tiếp xúc càng nhiều, đồng nghĩa với việc nảy sinh càng nhiều vướng mắc, bất cập.

Do đó, để nỗ lực cải cách thuế thực sự đem lại hiệu quả, điều cơ bản là yếu tố con người và xuất phát từ con người. Đúng như quan niệm của Chính phủ mà Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhắc tới: “thu được thuế nhưng phải thu được lòng dân”./.

Thạch Huê/BNEWS/TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục