Cái giá của việc Nga ngừng các chuyến bay tới Ai Cập

06:30' - 14/11/2015
BNEWS Theo tác giả, quyết định dừng các chuyến bay tới Ai Cập của Nga có khả năng làm tổn hại nặng nề tới ngành du lịch vốn đang gặp nhiều khó khăn của nước này và cũng là một dấu hiệu ảm đạm cho nước Nga.
Bộ trưởng Giao thông Nga Maxim Sokolov (giữa) điều tra tại hiện trường vụ rơi máy bay ở khu vực Hassana, thành phố Arish, bắc Ai Cập. Ảnh: THX-TTXVN

Trang mạng BloombergView có bài viết của tác giả Leonid Bershidsky về hệ quả của việc Nga ngừng các chuyến bay tới Ai Cập.

Ai Cập là địa chỉ du lịch ưa thích nhất đối với du khách Nga, tuy nhiên sự can dự của Nga vào tình hình bất ổn tại Syria đồng nghĩa với việc các nơi khác ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi có thể cũng không còn an toàn.

Quan điểm và chính sách kinh tế của Tổng thống Vladimir Putin về cơ bản theo chủ nghĩa biệt lập, nhưng ông không bao giờ chủ ý làm bất cứ điều gì hạn chế du lịch nước ngoài.

Một trong những thành tựu lớn của ông Putin cũng chính là việc nhiều người Nga có khả năng đi du lịch nước ngoài một hoặc hai lần trong năm. Mặc dù người tiền nhiệm của ông là cựu Tổng thống Boris Yeltsin chính là người có công mở cửa biên giới nhưng phải đến thời Tổng thống Putin thì hầu hết mọi người mới có điều kiện đi du lịch.

Năm 2000, có 4,2 triệu người Nga đi du lịch nước ngoài thì đến năm 2013 con số này tăng lên là 18,3 triệu người. Chính sách đối ngoại và giá dầu giảm đã làm đảo lộn sự tăng trưởng này.

Năm 2014, số lượng chuyến du lịch nước ngoài hạ 4%, chủ yếu do cuộc khủng hoảng ở Ukraine và những căng thẳng với châu Âu, và đà giảm này vẫn tiếp tục do kinh tế Nga sa sút trầm trọng hơn trong năm nay.

Người Nga thích đi du lịch tới Ai Cập vì nhiều lí do, như người dân thân thiện, miễn visa và chi phí rẻ. Một chuyến du lịch cả tuần tối thiểu chỉ khoảng 500 USD bao gồm cả vé máy bay – và còn có cả các chương trình tắm biển đúng dịp mùa Đông của Nga.

Mảnh vỡ máy bay Nga A321 tại hiện trường vụ rơi máy bay ở khu vực Hassana, thành phố Arish, bắc Ai Cập. Ảnh: THX-TTXVN

Ai Cập cạnh tranh với Thổ Nhĩ Kỳ về vị trí đứng đầu danh sách các điểm du lịch ưa thích nhất của người Nga và vượt trội Thổ Nhĩ Kỳ khi biển Địa Trung Hải trở nên quá lạnh.

Vương quốc Anh là quốc gia đầu tiên ngừng các chuyến bay đến thành phố Sharm el-Sheikh sau khi xuất hiện thông tin cho rằng chiếc máy bay của Nga bị rơi ở Sinai hôm 31/10 là do bị đặt bom. Nhưng các máy bay của nước Anh vẫn tiếp tục chở khách tới khu du lịch lớn khác của Ai Cập là Hurgada.

Trên thực tế, Ai Cập đã mất đi sức hấp dẫn đối với những du khách Anh kể từ sự kiện “Mùa Xuân Arập” năm 2011 khi chỉ có khoảng 296.000 du khách Anh đến đây vào năm 2014, chiếm 0,4% lượng khách nước ngoài đến thăm Ai Cập và giảm hơn một nửa so với năm 2010.

Theo số liệu của Bộ Du lịch Ai Cập, năm 2014, "xứ xở kim tự tháp" đã đón ba triệu lượt du khách Nga, cứ 5 du khách thì có một người đến từ Nga và chiếm đến 7% tổng số du khách quốc tế của nước châu Phi này.

Sau sự kiện Mùa Xuân Arập và bất ổn chính trị theo sau đó, du khách Nga trở thành "nguồn sống" chính đối với ngành du lịch Ai Cập.

Đến nay, Chính phủ Nga đã dừng tất cả các chuyến bay đến cả Sharm el-Sheikh và Hurgada và Thủ tướng Dmitri Medvedev nói rằng các chuyến bay này sẽ không sớm nối lại.

Ông Medvedev nói: “Sẽ phải mất một thời gian để đảm bảo an ninh cho một kỳ nghỉ ở Ai Cập. Chúng ta không được ảo tưởng, điều này sẽ không phải là một khoảng thời gian ngắn”.

Các lệnh cấm bay này cũng sẽ gây thiệt hại nặng cho Ai Cập. Nước này có thể mất đến 70% lượng khách quốc tế và nguồn thu từ ngành du lịch sụt giảm, với khoản này chiếm 14% doanh thu ngoại tệ của Ai Cập.

Chính phủ "xứ Kim tự tháp" cũng cố gắng đảm bảo an ninh cho các sân bay giống với sân bay quốc tế Ben Gurion nổi tiếng là nghiêm ngặt của Israel, nhưng điều đó vẫn chưa đủ đối với Nga.

Mảnh vỡ máy bay Nga A321 tại hiện trường vụ rơi máy bay ở khu vực Hassana, thành phố Arish, bắc Ai Cập. Ảnh: THX-TTXVN

Nga đang chiến đấu chống các phần tử Hồi giáo cực đoan ở Syria nên không thể loại trừ các hành động khủng bố mới. Ai Cập cũng đã từng xảy ra các vụ tấn công nhằm vào khách du lịch trong các năm 1997, 2004 và 2005 làm hàng trăm người thiệt mạng. Người Nga hiện nay lại đang là các mục tiêu hàng đầu do sự can thiệp của Nga vào Syria.

Điều này có nghĩa là hầu hết người Nga sẽ có ít điểm đến an toàn mở ra cho họ mùa Đông này. Bên ngoài khu vực Trung Đông, du lịch biển vào thời điểm này chỉ có thể có ở Đông Nam Á hoặc vùng Caribbe nhưng những nơi đó quá tốn kém đối với những người Nga đang bị ảnh hưởng bởi sự mất giá của đồng ruble.

Ngành du lịch của Nga sẽ gặp những tổn thất lớn vì theo Hiệp hội các cơ quan du lịch Nga, khoảng 140.000 gói tour du lịch trọn gói tới Ai Cập đã được bán cho mùa Đông này. Thủ tướng Medvedev đã phải chỉ thị cho các cơ quan chính phủ xem xét hỗ trợ tài chính cho các công ty lữ hành.

Điện Kremlin cũng đang đối mặt với một mối nguy lớn. Liệu người Nga có bất bình vì ông Putin tham gia vào một cuộc chiến ở nước ngoài dẫn đến việc thiệt hại sinh mạng người dân hay họ sẽ tập hợp đằng sau chính phủ, đòi trả thù chống lại những kẻ khủng bố?

Có vẻ kịch bản sau dễ xảy ra hơn vì công cụ tuyên truyền của Điện Kremlin đang làm việc tốt. Người chủ trì của Vesti Nedeli, một chương trình phân tích tin tức hành tuần được yêu thích nhất trên truyền hình nhà nước, ông Dmitry Kiselyov hôm 8/11 nói rằng chiếc máy bay có thể bị khủng bố bởi vì Nga đang làm thiệt hại cho Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhiều hơn so với liên minh phương Tây làm được trong hai năm qua.

Tăng cô lập luôn đồng nghĩa với sự tức giận leo thang. Điện Kremlin có thể sẽ đẩy mạnh chiến dịch không kích ở Syria và kế hoạch này có thể nhận được nhiều sự ủng hộ hơn từ công chúng.

Ngày 11/11, Bộ trưởng Du lịch Ai Cập Hesham Zaazou cho biết quốc gia Bắc Phi thiệt hại khoảng 2,2 tỷ bảng Ai Cập (tương đương 280 triệu USD) mỗi tháng, sau khi nước Anh và Nga quyết định đình chỉ các chuyến bay tới Ai Cập do vụ tai nạn máy bay Nga rơi ở bán đảo Sinai hôm 31/10 vừa qua.

Mảnh vỡ máy bay A321 tại hiện trường vụ rơi ở Hassana thuộc thành phố Arish, phía bắc Ai Cập. Ảnh: THX-TTXVN

Vương quốc Anh đã quyết định ngừng các chuyến bay đến Sharm el-Sheikh bốn ngày sau khi xảy ra vụ tai nạn máy bay chở khách khiến 224 người thiệt mạng và cho rằng nguyên nhân vụ việc là do một quả bom cài đặt bên trong máy bay phát nổ.

Sau đó, một số nước châu Âu và Nga đã tạm đình chỉ tất cả các chuyến bay đến các sân bay của Ai Cập. Ông Zaazou nói thêm các du khách Nga và Anh chiếm 2/3 lượng khách du lịch đến Sharm el-Sheikh ở bán đảo Sinai, trong khi các khách Nga chiếm một nửa số khách du lịch tới thăm Hurghada - khu nghỉ mát chính khác nằm trên bờ Biển Đỏ của Ai Cập.

Cho rằng những tác động tiêu cực này là do các phương tiện truyền thông phương Tây đã nói quá về vụ tai nạn máy bay rơi, Bộ trưởng Du lịch Ai Cập Zaazou khẳng định Bộ này đang lên kế hoạch triển khai một chiến dịch truyền thông công cộng trị giá 5 triệu USD, nhằm thúc đẩy quảng bá du lịch Ai Cập tại nước Anh và Nga.

Bộ trưởng Zaazou cho biết thêm Chính phủ Ai Cập sẽ tìm cách bù đắp cho những tổn thất doanh thu của du lịch quốc tế bằng cách khuyến khích du lịch trong nước, cũng như thu hút du khách Arab vùng Vịnh, đồng thời nới lỏng các yêu cầu về cấp thị thực cho khách du lịch từ khu vực Bắc Phi.

Người đứng đầu chính quyền tổng thống Nga, ông Sergei Ivanov phát biểu ngày 10/11 với báo chí cho rằng quyết định tạm ngừng các chuyến bay tới Ai Cập của Moskva dường như không thể đảo ngược trong một sớm một chiều.

Ông Ivanov cho biết công tác đảm bảo an ninh cần phải được cải thiện không chỉ ở Sharm el-Sheikh mà còn ở Hurghada và Cairo, những nơi thường xuyên tiếp nhận các máy bay Nga.

Dư Hưng (TTXVN tại Pretoria)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục