Cải thiện hình ảnh cho cá tra để ngăn đà xuất khẩu giảm sút

10:48' - 31/08/2015
BNEWS Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, việc xây dựng hình ảnh cá tra tốt hơn trong mắt người tiêu dùng châu Âu là rất quan trọng.

Hiện nay, các sản phẩm cá tra Việt Nam được xuất khẩu ra 128 thị trường, giảm 9 thị trường so với năm 2014. Nhiều ý kiến cho rằng, một số thị trường xuất khẩu giảm là do doanh nghiệp chưa xây dựng được thương hiệu và chất lượng sản phẩm cũng chưa thật sự tốt. Vì vậy, doanh nghiệp cần tăng cường cải thiện và xây dựng hình ảnh cá tra tốt hơn để đứng vững trên thị trường nhập khẩu.

Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: TTXVN 

* Thách thức của thị trường xuất khẩu
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến giữa tháng 8/2015, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt hơn 3,84 tỷ USD; trong đó các mặt hàng chính là tôm, cá tra, nhuyễn thể hai mảnh vỏ…
Tính đến giữa tháng 7/2015, giá trị xuất khẩu cá tra đạt 814,67 triệu USD, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó 8 thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc, các nước ASEAN, Mexico, Colombia, Canada và Úc chiếm hơn 72% tổng giá trị xuất khẩu.

Cũng tại thị trường này, chỉ có thị trường Anh gia tăng tỉ lệ nhập khẩu cá tra của Việt Nam, đạt 25 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái, còn những thị trường riêng lẻ khác đều giảm nhập khẩu cá tra, như Hà Lan giảm 7%, Tây Ban Nha giảm 47%, Đức giảm 27%.
Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Vasep Pro, xuất khẩu cá tra Việt Nam trong 6 tháng đầu năm giảm do nhiều yếu tố; trong đó, một phần chịu tác động bởi kinh tế khu vực này suy giảm, nhu cầu tiêu dùng chưa phục hồi, biến động tỷ giá đồng Euro so với đồng đô la Mỹ gây trở ngại cho xuất khẩu, đồng Euro đang hạ giá kỷ lục so với đồng đô la Mỹ.

Vì vậy, các nhà nhập khẩu tìm cách hạ giá cá tra Việt Nam vào thị trường này. Hơn nữa, bản thân cá tra cũng phải cạnh tranh gay gắt với các loại cá bản địa khác như rô phi, minh thái Alaska, cá tuyết Cod…
Với việc Việt Nam ký kết hiệp định thương mại tự do FTA với Liên minh châu Âu, sản phẩm cá da trơn sẽ được giảm thuế nhập khẩu, dỡ bỏ hạn ngạch. Tuy nhiên, châu Âu sẽ đưa ra nhiều tiêu chuẩn khắt khe hơn, không chỉ với sản phẩm cá da trơn mà cả với các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu như yêu cầu về chứng nhận xuất xứ, truy xuất nguồn gốc, chất lượng an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường…
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, châu Âu là thị trường rất quan trọng của cá tra Việt Nam. Sự sụt giảm nhập khẩu từ các thị trường này phán ánh của suy thoái kinh tế và bất ổn chính trị. Nhưng xét về lâu dài, họ vẫn cần con cá tra Việt Nam.
* Xây dựng thương hiệu để cạnh tranh
Để sản phẩm cá tra thâm nhập tốt vào thị trường châu Âu và có khả năng cạnh tranh với các loài cá khác, theo các chuyên gia và doanh nghiệp, việc xây dựng hình ảnh cá tra tốt hơn trong mắt người tiêu dùng châu Âu là rất quan trọng.
Ông Alfons van Dụivenbode, quản lý đối tác CBI, châu Âu cho biết, người tiêu dùng châu Âu rất đa dạng. Chính vì vậy, việc quy định tỉ lệ mạ băng hay ẩm độ trong cá tra đông lạnh không phải là yếu tố chính để họ lựa chọn sản phẩm.

Cái họ cần ở doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu của Việt Nam chính là sự trung thực của mỗi sản phẩm và bao bì. Tiêu chí đầu tiên của người tiêu dùng châu Âu là sản phẩm đó ngon và phù hợp với họ, để họ lựa chọn sản phẩm cá tra chế biến, phía doanh nghiệp phải ghi rõ thành phần nước và cá trên bao bì, thậm chí mã số truy xuất nguồn gốc và thành phần dinh dưỡng bên trong.
Thêm vào đó, giá tối ưu cho mỗi sản phẩm cũng góp phần quan trọng không kém. Ông Lê Xuân Thịnh, Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch hơn thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, phía doanh nghiệp phải nghiên cứu chuyển giao công nghệ sản xuất cho nông dân.

Điển hình như việc tiêu thụ điện năng trong sản xuất cần ứng dụng công nghệ, thiết bị để chỉ mất 600kWh đến 800 kWh điện chế biến 1 tấn cá tra thay vì mất 1.500kWh điện như trước đây để giảm giá thành sản xuất.
Đồng thời lượng nước cũng phải giảm từ 50m3/tấn xuống 12m3 đến16 m3/tấn. Thức ăn cũng là một phần quan trọng trong việc tạo nên giá thành sản phẩm cá tra. Hiện nay, 80% thức ăn cho cá đều phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài.

Vì vậy, các doanh nghiệp hướng dẫn nông dân những mô hình hạ chỉ số thức ăn trên mỗi kg cá, vừa giúp giảm giá thành vừa giảm lượng thức ăn dư, chất thải tồn đọng trong ao nuôi.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam nhấn mạnh, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra đừng quá chủ quan vào thị trường cục bộ của toàn châu Âu. Mỗi thị trường đều có một thế mạnh riêng.

Điển hình như tại thị trường Anh, đồng bảng Anh không bị tác động bởi tỉ giá nên lượng nhập khẩu của họ chỉ tăng chứ không giảm như thị trường khác. Hơn nữa, để tăng khả năng cạnh tranh, các doanh nghiệp cũng phải đa dạng hóa sản phẩm chế biến, tăng sự lựa chọn cho người tiêu dùng.
Nhìn nhận vấn đề, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam khẳng định, việc tìm một thị trường lớn nhập khẩu cá tra Việt Nam vốn không dễ và giữ thị trường này ngày càng phát triển khó hơn. Do đó, con cá tra muốn tồn tại bền vững ở thị trường khó tính lẫn thị trường dễ tính trước hết phải đáp ứng được những yêu cầu của người tiêu dùng./.
Hồng Nhung

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục